Sự cả tin đánh đổi bằng tiền tỷ!
Lâu nay, trong việc kinh doanh, chị Hồng thường chọn phương thức nhận hàng rồi chuyển tiền thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Đầu tháng 8-2022, khi thực hiện giao dịch trả cho khách hàng số tiền 50 triệu đồng, chị Hồng ghi nhầm số tài khoản nên tiền không đến được địa chỉ cần đến. Loay hoay mãi vẫn chưa thể liên lạc với địa chỉ của người được chuyển tiền nhầm nên chị Hồng đăng thông tin lên mạng xã hội với nội dung: “Vào lúc..., tôi tên... đã chuyển nhầm số tiền... đến số tài khoản... Ai là chủ số tài khoản trên, vui lòng cho được xin lại...” để mọi người cùng chia sẻ và hy vọng người nhận được tiền khi đọc những thông tin này sẽ thông cảm, thực hiện việc chuyển trả...
Đến khoảng 13 giờ ngày 3-8-2022, chị Hồng bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ của một thanh niên tự giới thiệu là nhân viên tổng đài của ngân hàng V., liên lạc để hỗ trợ, thu hồi số tiền chị Hồng đã chuyển nhầm. Sau một hồi huyên thuyên về quy trình, thủ tục để thu hồi tiền, cuối cùng người thanh niên này yêu cầu chị Hồng cung cấp các thông tin liên quan, như: số tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã số OTP để báo cáo lãnh đạo thực hiện việc hỗ trợ.
Đang lúc bối rối, chẳng phân biệt đâu là thật, đâu là giả, chị Hồng thật thà cung cấp đầy đủ các thông tin mà đối tượng yêu cầu. Cung cấp xong, chị Hồng cứ thấp thỏm, chờ đợi “tin vui” từ anh cán bộ ngân hàng. Thế nhưng, tin vui thì chẳng thấy đâu mà “tin buồn” cứ dồn dập ập tới theo chuông báo tin nhắn từ phía ngân hàng. Cụ thể, từ 14 giờ đến 15 giờ ngày 3-8-2022, chị Hồng nhận được 3 tin nhắn từ ngân hàng, báo tin: tài khoản của chị đã thực hiện thành công việc chuyển số tiền 1,18 tỷ đồng cho khách hàng. Tá hỏa vì số tiền 50 triệu chuyển nhầm chưa thu hồi được nay mất thêm gần 1,2 tỷ đồng, chẳng cách nào khác chị Hồng đành trình báo sự việc cho cơ quan Công an.
Tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Công an TP Hội An, xác định kẻ điện thoại tự xưng là nhân viên ngân hàng chính là đối tượng lừa đảo nên yêu cầu lực lượng Cảnh sát điều tra tổng hợp tiến hành xác minh, làm rõ. Với tinh thần khẩn trương nhưng với loại tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao đòi hỏi các trinh sát (TS) phải cẩn trọng, tỉ mỉ trong quá trình thu thập, sàng lọc các chứng cứ.
Qua điều tra, các TS phát hiện số điện thoại dùng liên lạc với chị Hồng là loại sim rác nên chưa thể xác định đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, qua định vị cho thấy cuộc gọi này được thực hiện từ một địa điểm thuộc xã Duy Trung (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) và số tiền chiếm đoạt của người bị hại được chuyển ngay trong ngày cho số tài khoản khác tại ngân hàng A. có địa chỉ tại thị trấn Nam Phước (H. Duy Xuyên). Lần mở từng “gút thắt” của vụ án, giữa tháng 10-2022 các TS xác định đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền gần 1,2 tỷ đồng của chị Nguyễn Thị Hồng và thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Đoàn Công Hùng (1997, trú xã Duy Sơn, H. Duy Xuyên).
Tại cơ quan Công an, Đoàn Công Hùng, khai: Do cần tiền để mua ma túy thỏa mãn cơn nghiện, ngày 3-8-2022, khi phát hiện thông tin xin lại số tiền 50 triệu đồng do chuyển nhầm trên mạng, Hùng giả danh nhân viên ngân hàng điện thoại cho chị Hồng yêu cầu cung cấp số tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã số OTP... Sau khi có thông tin, Hùng đăng nhập được vào tài khoản ngân hàng của chị Hồng và thực hiện chuyển tiền trong tài khoản của nạn nhân đến một số tài khoản khác. Hùng đã thực hiện tổng cộng 3 lần chuyển tiền với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Số tài khoản Hùng sử dụng để nhận tiền là do Nguyễn Văn Sơn (1999, trú thị trấn Nam Phước). Chuyển tiền xong, đến khoảng 16giờ cùng ngày, Hùng đến nhà nhờ Sơn chuyển giúp số tiền trên vào tài khoản game của Hùng nhưng do hạn mức và tài khoản bị khóa nên Sơn chỉ chuyển được 100 triệu đồng...
Theo lãnh đạo Công an TP Hội An, mọi người cần nâng cao ý thức cảnh giác thực hiện các giao dịch tại ngân hàng. Đừng cả tin và tuyệt đối không cung cấp các thông tin bảo mật liên quan đến tài khoản, như: số thẻ, mã OTP, mật khẩu tài khoản... cho bên thứ ba qua điện thoại để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin, sử dụng vào những mục đích xấu.
N.V.T