Đại học Đà Nẵng 30 năm xây dựng và phát triển 4-4 (1994 – 2024):

Sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước

Thứ năm, 04/04/2024 10:30
Ngày 4-4-1994, Đại học Đà Nẵng được thành lập theo Nghị định số 32/CP của Chính phủ. Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Đại học Đà Nẵng đã khẳng định vai trò, vị thế của một Đại học  vùng trọng điểm Quốc gia với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (NNL CLC), phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.
Đại học Đà Nẵng - nơi hun đúc trí tuệ và tài năng vì sự phát triển của miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tham dự Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp chip bán dẫn do Đại học Đà Nẵng đăng cai tổ chức.

Nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nguồn trí tuệ, tài năng, học thuật

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, kế thừa truyền thống 50 năm đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường đại học thành viên, Đại học Đà Nẵng ngày nay là Đại học Vùng trọng điểm Quốc gia, đa lĩnh vực, đa ngành, đa cấp độ quản lý, gồm có 6 trường ĐH thành viên: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn; 6 đơn vị đào tạo trực thuộc: Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kontum; Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh, Khoa Y-Dược, Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Khoa Giáo dục Thể chất, Trung tâm Đào tạo Thường xuyên; Viện Công nghệ quốc tế DNIIT; 35 trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ và 40 nhóm nghiên cứu-giảng dạy (TRT)...

Tiên phong đi đầu trong đào tạo, xuất sắc trong học thuật, chủ động hội nhập quốc tế, Đại học Đà Nẵng có quy mô đào tạo thuộc top đầu cả nước với hơn 60.000 sinh viên và học viên sau đại học, trong đó có gần 1.000 sinh viên quốc tế; có đủ hầu hết các ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và người học: 152 ngành, chuyên ngành ĐH; 44 ngành Thạc sĩ và 29 ngành Tiến sĩ.

Ra đời với tầm nhìn và kỳ vọng về một cơ sở giáo dục đại học lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Đại học Đà Nẵng mang tầm vóc quốc tế với sứ mệnh đào tạo NNL CLC, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.“Thật tự hào khi đi bất cứ nơi đâu trên dải đất miền Trung-Tây Nguyên và cả nước đều có thể bắt gặp các cựu sinh viên ĐH Đà Nẵng thành đạt, đảm nhận những vị trí chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học; tham gia hầu khắp các công trình, dự án lớn…”- PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, đảm nhận sứ mệnh đào tạo NNL CLC, một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chủ trương phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia được đưa vào Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, chủ trương phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia không phải là để thay đổi danh xưng mà là để có cơ hội được hưởng cơ chế tự chủ Đại học cao nhất, được đầu tư trọng tâm trọng điểm của nhà nước để Đại học Đà Nẵng thực sự trở thành một trong ba trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước, có uy tín, vị thế trong khu vực và quốc tế.

Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, đổi mới quản trị đại học tiên tiến để phát huy sức mạnh của hệ thống Đại học Vùng đa lĩnh vực, nâng cao vai trò tự chủ đại học gắn với trách nhiệm xã hội, đóng góp tích cực vì cộng đồng, Đại học Đà Nẵng luôn được xếp hạng trong top đầu các Đại học Việt Nam.

Nơi gửi gắm niềm tin và kỳ vọng

Chính tâm huyết, trí tuệ và sự đồng tâm góp sức của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên, cựu sinh viên các trường thành viên Đại học Đà Nẵng qua các thời kỳ đã làm nên một cơ ngơi rạng rỡ, vững bền của Đại học Đà Nẵng như ngày hôm nay. Đại học Đà Nẵng đang ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ các trường đại học danh tiếng trong nước và quốc tế.

Có quãng thời gian dài gắn bó với Đại học Đà Nẵng, anh Lê Ngọc Nhất (Phó trưởng Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất tới các thầy cô và lãnh đạo ĐH Đà Nẵng: “Năm 2008 tôi tốt nghiệp cử nhân Địa lý tại mái trường ĐH Sư phạm. Sau đó, tôi tiếp tục đồng hành cùng Đại học Đà Nẵng trên con đường đi tìm tri thức và nhận tấm bằng đại học thứ 2 tại trường ĐH Ngoại ngữ vào năm 2013, cùng khoảng thời gian này tôi cũng hoàn thành chương trình Thạc sĩ tại Đại học Đà Nẵng. Nơi đây chính là bệ phóng nuôi dưỡng, chắp cánh những ước mơ của mỗi sinh viên/cựu sinh viên.Đại học Đà Nẵng mãi là niềm tự hào, tin cậy của các thế hệ sinh viên, là một trong những đại diện tiêu biểu của nền giáo dục đại học Việt Nam”.

Đại học Đà Nẵng - nơi hun đúc trí tuệ và tài năng vì sự phát triển của miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.

Qua mỗi mùa, với kết quả tuyển sinh càng thể hiện rõ nét Đại học Đà Nẵng luôn được đông đảo học sinh, phụ huynh tin tưởng, lựa chọn là nơi tiếp nối quá trình học tập và rèn luyện, nơi khởi đầu cho sự nghiệp tương lai của con em mình, cũng là nơi các em sinh viên trải qua những tháng năm ý nghĩa nhất của tuổi trẻ. Chị Đặng Thị Huệ, có con trai đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng phấn khởi: “Vào đại học là sự khởi đầu cho một chặng đường mới, tôi và gia đình đã có quyết định đúng đắn khi chọn Đại học Bách khoa Đà Nẵng là nơi khởi đầu cho con. Tại đây, con được phát huy nhiệt huyết của tuổi trẻ, say mê học hỏi, sáng tạo, thực hành thành thạo kỹ năng nghề nghiệp, định hướng tương lai…”.

Tự hào với bề dày lịch sử 30 năm xây dựng, phát triển, các thế hệ giảng viên, học viên, sinh viên Đại học Đà Nẵng đã không ngừng phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả đáng trân trọng, tự hào trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phục vụ công tác phát triển đất nước, trở thành cơ sở đào tạo uy tín của khu vực và đất nước, Giám đốc ĐH Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ khẳng định.

Thanh Hoa