Tạm dừng và loại bỏ gần 20 dự án thủy điện

Thứ năm, 11/10/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Trước thực tế những tác hại do các dự án thủy điện (DATĐ) gây ra trên địa bàn, chiều ngày 10-10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp về rà soát các DATĐ trên địa bàn tỉnh.

 Quang cảnh cuộc họp.

DỰ ÁN TRÀN LAN

Theo báo cáo tại cuộc họp, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay có 44 DATĐ đã được phê duyệt, với tổng công suất 1.584,6 MW; điện lượng bình quân năm 6,261 tỷ kWh/năm. Trong đó, sau các lần điều chỉnh bổ sung, đến nay Bộ Công Thương đã tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch bậc thang TĐ hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn 10 dự án với tổng công suất 1.147MW, điện lượng 4,521 tỷ kWh/năm chiếm 72,38% công suất TĐ toàn tỉnh theo quy hoạch. Riêng UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch TĐ vừa, nhỏ là 34 dự án với tổng công suất quy hoạch là 437,6MW, điện lượng 1,74 tỷ kWh/năm, chiếm 27,62% công suất. Trong 44 DATĐ được phê duyệt, đã có 11 thủy điện đi vào hoạt động.

Đặc biệt tại Tây Giang, DATĐ TrHy ngừng thi công từ năm 2010 đến nay dù chủ đầu tư đã đền bù hơn 11 tỷ đồng với 946ha đất bị ảnh hưởng. Đến nay DA không triển khai khiến đất bỏ hoang, trong khi đó người dân không có đất sản xuất. UBND H. Tây Giang kiến nghị UBND tỉnh thu hồi DA này. Còn bà Phạm Thị Như – Phó Chủ tịch UBND H. Nam Giang cho biết: Trên địa bàn có 5 DA nhưng chưa DA nào hoàn thành. "Ăn theo" các DA này, người dân tại các khu tái định cư TĐ tự ý khai thác gỗ làm nhà, mặt dù Bộ NN&PTNT không cho phép. Hệ quả là diện tích rừng ở các khu vực này đang bị người dân khai thác rất lớn.

Đại diện UBND H. Nam Trà My ông Nguyễn Ngọc Kích – Phó Chủ tịch cho biết, người dân TĐC của các DATĐ phá rừng quá nhiều, chính quyền không giữ nổi nên đề nghị tỉnh có biện pháp cải tạo đất cho người dân canh tác, đồng thời đề nghị hỗ trợ kinh phí để tái tạo rừng tại những diện tích rừng đã bị tàn phá. Hiện trên địa bàn huyện còn 7 DATĐ chưa triển khai. Nhưng trước thực trạng trên UBND H. Nam Trà My đề nghị UBND tỉnh thu hồi số dự án này.

“Các TĐ chỉ lợi trước mắt, còn cái hại lâu dài”. 

MẤT HƠN 11.000HA RỪNG DO THỦY ĐIỆN

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng dự án triển khai đã mất quá nhiều rừng. Cụ thể diện tích đất dự kiến thu hồi để đầu tư các công trình TĐ trên địa bàn tỉnh là 11.384ha (trong đó diện tích đất đã thu hồi đến nay là 7.047,68ha). So với tổng diện tích đất rừng và đất khác của các huyện miền núi thì diện tích dự kiến thu hồi để thực hiện các công trình TĐ chiếm 1,49%; so với tổng diện tích đất rừng và đất khác của các huyện miền núi đã thu hồi để triển khai các dự án kinh tế - xã hội thì diện tích dự kiến thu hồi để thực hiện các công trình TĐ chiếm 34,6%... Ông Phạm Viết Tích- Phó GĐ Sở KH-CN Quảng Nam nhận định: Có thể thấy TĐ có lợi và hại, nhưng cái lợi chỉ trước mắt, còn cái hại lâu dài. Cụ thể TĐ xây dựng sẽ làm nhấn chìm phần lớn tài nguyên khoáng sản nằm dưới lòng hồ, mất rừng, mất đất sản xuất, mất cân bằng sinh thái; TĐ gây tăng lũ vào mùa mưa, giảm nước vào mùa nắng... và rất nhiều hệ lụy khác. Do đó ông kiến nghị  UBND tỉnh loại bỏ được TĐ nào càng tốt bấy nhiêu.

“LOẠI BỎ NHIỀU DỰ ÁN THỦY ĐIỆN CÀNG TỐT”

Phát biểu tại cuộc họp, ông Đinh Văn Thu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, chủ trương chung của tỉnh là yêu cầu các chủ đầu tư phải trồng lại diện tích rừng tương đương với diện tích rừng và đất rừng mà dự án chiếm dụng. Việc thiết kế trồng lại rừng do chủ đầu tư lập, trình thẩm định phê duyệt theo quy định của Bộ NN&PTNT và phối hợp với địa phương tổ chức thực hiện. Ông Đinh Văn Thu đề xuất loại khỏi quy hoạch 2 DATĐ là Bồng Miêu, Hà Ra; không đề xuất bổ sung 3 DATĐ; Tạm dừng 17 dự án do đang trong giai đoạn nghiên cứu lập dự án và vướng chủ trương đầu tư đường dây và TBA 110kV đấu nối của EVN.

Phát biểu kết thúc cuộc họp, thống nhất ý kiến đề xuất tạm dừng, loại bỏ hơn 20 DATĐ,  ông Lê Phước Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói: “Tác nhân gây đục lớn ở các dòng sông trong những năm qua là do thực hiện các DATĐ. Bên cạnh các DA này phần nào đã tạo điều kiện cho vàng tặc khai thác. Đặc biệt vấn đề nghiêm trọng nhất của các DATĐ là tác hại đến môi trường. Thực tế cho thấy thời gian qua khi các TĐ đi vào hoạt động thì mùa lũ chúng ta ra sức kêu gọi TĐ điều tiết cắt lũ, mùa nắng ra sức kêu gọi điều tiết xả nước... Trước thực trạng trên, UBND tỉnh thống nhất với chủ trương cố gắng rà soát, loại khỏi quy hoạch càng nhiều dự án TĐ càng tốt”.

Trần Tân