Tan hoang sau lũ
Ngày 14-10, miền Trung ngớt mưa, nước lũ cũng bắt đầu rút dần. Thời điểm này, khi mà người dân vơi đi nỗi lo mất mạng dưới dòng nước xiết thì cũng là lúc họ đối diện với hiện thực trắng tay bởi bão lũ đi qua, những gì để lại chỉ là đống hoang tàn, đổ nát...
Nhiều hộ nuôi tôm tại Quảng Trị đã trắng tay sau lũ. |
Quảng Trị : Người dân điêu đứng
Tính đến chiều 14-10, thêm nhiều nạn nhân mất tích do nước cuốn trong cơn lũ lịch sử tại Quảng Trị đã tìm được thi thể, nâng số người thiệt mạng trên địa bàn lên 12 trường hợp. Hiện còn 3 trường hợp mất tích đang được tìm kiếm, gồm ông Lê Bá Chương (63 tuổi, xã Hướng Lộc, H.Hướng Hóa) bị nước cuốn vào đêm 7-10; anh Lê Quốc Cường, thuyền viên tàu Vietship TK 12 chìm tàu ở Cửa Việt và thầy Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu phó Trường TH và THCS A Vao (H.Đakrông), bị nước cuốn khi đi quan cầu tràn Tà Rụt - A Vao vào chiều 11-10.
Ngày 14-10, Quảng Trị thời tiết khô ráo, nhiều nắng, nước vùng ngập lũ bắt đầu rút nhanh hơn. Từ đây, hoạt động khắc phục, lau dọn, vệ sinh sau lũ được tiến hành khẩn trương, nhất là ưu tiên tại các trường học để sớm ổn định lịch dạy và học. Các lực lượng CA, Biên phòng, BCHQS tỉnh và Sư đoàn 968 (QK4) cùng hàng ngàn đoàn viên, thanh niên tiếp tục về địa bàn giúp giải phóng bùn đất ngập nhà, ngập trường, đường sá. Đợt lũ đã khiến ngành giáo dục thiệt hại nặng nề, đặc biệt là vùng rốn lũ H.Hải Lăng, Cam Lộ, địa bàn miền núi Đakrông, Hướng Hóa. Trong khi đó, hàng ngàn người dân cũng bắt đầu rời điểm trú tránh, trở về nhà. Không giấu nổi bàng hoàng trước sự càn quét của cơn lũ qua thôn, xóm, nhiều người ngã quỵ khi bao nhiêu thóc của vụ mùa vừa xong không thể di chuyển kịp trước cơn lũ lớn đã lên mầm sau nhiều ngày ngâm nước. Bà Nguyễn Thị Loan (H.Cam Lộ) ngồi thụp xuống, vốc từng nắm lúa mà nghẹn đắng.
Hình ảnh cứu lúa trong những ngày lũ lịch sử tại Quảng Trị. |
Thống kê đến thời điểm này, H.Cam Lộ là địa bàn có khối lượng lương thực bị lũ nhấn chìm nặng nhất tỉnh với 2 ngàn tấn. H.Cam Lộ cũng chịu thiệt hại nặng về chăn nuôi. 200 con trâu bò và 70.000 gia cầm của nông dân huyện nông thôn mới này đã bị cuốn trôi theo lũ. Thiệt hại này lại gợi nỗi đau tê tái về nạn nhân Lê Anh Tuấn (1999, trú thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành, H.Cam Lộ). Chiều 10 - 10, thanh niên này đi tìm bò, là sinh kế thoát nghèo của gia đình, khi bơi qua suối Đôi gặp lúc nước lũ chảy xiết, dâng cao đã bị cuốn trôi. Sau nhiều ngày mất tích, đến chiều 13 - 10, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện thi thể anh Tuấn.
Trong khi đó, tại địa bàn H.Triệu Phong, hộ chăn nuôi gần như quỵ ngã trước thiệt hại nặng nề do lũ. Hàng ngàn hộ đã mất trắng tài sản khi hơn 170.000 con gia cầm đã bị trôi, chết trong đợt lũ này. Trong đó, nặng nhất tại xã Triệu Giang, Ái Tử. Có trang trại gà bị nước lũ "phủi" sạch. Hai trang trại nấm của nông dân H.Triệu Phong cũng tơi tả theo lũ, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Hộ nuôi trồng thủy sản của H.Triệu Phong cũng thiệt hại đến gần 350 ha, chỉ sau địa bàn H.Vĩnh Linh. Sau lũ, hộ nuôi tôm, cua, cá trắng tay. Như tại xã Triệu Phước (H.Triệu Phong), có đến 61 ha diện tích nuôi tôm và 89 ha nuôi xen tôm cua bị ngập, trôi. 19 hộ nuôi cá lồng tại xã này với 30 lồng cũng khốn đốn theo lũ. Qua khảo sát, 54 máy bơm hồ tôm của nông dân Triệu Phong cũng đã hư hỏng. Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị, diện tích nuôi trồng thủy sản cả tỉnh bị ngâp, trôi lên đến gần 1.100 ha. Nặng nhất là địa bàn H.Vĩnh Linh với khoảng 380 ha, chủ yếu là nuôi tôm. Để cứu máy móc hồ tôm, địa bàn này đã ghi nhận 1 trường hợp thiệt mạng thương tâm do lũ. Đó là anh Trần Văn Hiệu (1976, quê quán Nghệ An, tạm trú thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm, H.Vĩnh Linh) trên đường vận chuyển máy móc từ hồ tôm về thì bị nước lũ cuốn. Lúc đó là chập tối 9 - 10, đến ngày 12 - 10 đã tìm thấy thi thể nạn nhân.
Gần 1.800 ha hoa màu, cây ăn quả trên toàn tỉnh bị thiệt hại, trong đó H.Hướng Hóa có đến 200 ha cây ăn quả và 150 ha hoa màu. Con số này vẫn chưa dừng lại vì nhiều xã bị lũ cô lập, mất điện nên tình hình cập nhật, thống kê thiệt hại bị gián đoạn.
Quảng Nam : 14 người chết do mưa lũ
Sau 4 ngày tìm kiếm, đến 14 giờ ngày 14-10, cơ quan chức năng cùng người dân địa phương đã tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ chìm ghe tại xã Tam Hải (H. Núi Thành, Quảng Nam) là anh Nguyễn Phúc Đạo (1997, trú xã Tam Hải). Thi thể anh Đạo được tìm thấy ở khoang tàu cá dưới nước. Trước đó tối 10-10, anh Đạo cùng cha là ông Nguyễn Diệp (1973) ra tàu cá ngủ để trông coi tàu. Tuy nhiên sau đó gặp cơn lốc xoáy, tàu cá bị chìm và cả hai cùng mất tích.
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH CA tỉnh Quảng Nam và lực lượng chức năng triển khai tìm kiếm hai cha con ông Diệp. |
Phát hiện sự việc, người dân địa phương cùng gia đình phối hợp với lực lượng chức năng H. Núi Thành tìm kiếm 2 nạn nhân nhưng không có kết quả. Ngay sau khi nhận được tin, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Quảng Nam đã điều động lực lượng, phương tiện đến hiện trường để triển khai tìm kiếm người bị nạn. Hoạt động tìm kiếm được diễn ra liên tục trong điều kiện khó khăn, nước lũ chảy mạnh. Đến khuya 13-10, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể ông Nguyễn Diệp dưới hầm máy của tàu cá.
Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam, tính từ ngày 8 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 14 người chết do mưa, bão gây ra. Trong đó H. Duy Xuyên có 5 người, H. Núi Thành có 3 người, Điện Bàn có 3 người, Đại Lộc, Tam Kỳ, Tiên Phước mỗi địa phương có 1 người.
Cùng ngày, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết, mưa lũ gây thiệt hại 213 nhà ở, 15.035 nhà bị ngập; 30 điểm trường bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, sạt lở đất. Hiện tại còn 85 hộ dân với 307 người tại H. Tây Giang và Thăng Bình tiếp tục sơ tán do nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở cao, nhiều nhà vẫn còn ngập nước. Ngoài ra, thiệt hại 487 ha lúa, 1.224 ha rau màu, 30 ha cây trồng lâu năm, 21 ha cây trồng hằng năm; hơn 9.300 con gia súc, gia cầm bị chết; 7.245m kênh mương, 3.500m bờ biển bị sạt lở; 68 điểm sạt lở, bồi lấp trên tuyến quốc lộ và 121 điểm sạt lở, 8.121m đường giao thông địa phương hư hỏng.
Quảng Ngãi: Liên tiếp xảy ra 4 trận động đất
Ngày 14-10, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu liên tiếp thông báo xảy ra 4 trận động đất trong ngày có cường độ từ 2,8 đến 3,4 richter tại địa phận H. Tây Trà, Quảng Ngãi. Theo đó, trận động đất đầu tiên xảy ra hồi 8 giờ 56 phút tại vị trí có tọa độ 15.161 độ vĩ Bắc, 108.419 độ kinh Đông; độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km, có độ lớn 3,3. Khoảng 5 phút sau, lúc 9 giờ 1 phút, khu vực trên tiếp tục xảy ra trận động đất thứ hai có độ lớn 3,2. Đến 13 giờ, cũng tại khu vực H. Tây Trà tiếp tục xảy ra trận động đất thứ 3 có độ lớn 2,8. Cuối cùng vào lúc 14 giờ 1 phút, trận động đất có độ lớn 3.4 tiếp tục xảy ra tại vị trí có tọa độ 15.133 độ vĩ Bắc, 108.427 độ kinh Đông; độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Điều đáng nói, các trận động đất trên phát ra tiếng nổ rất to gây rung chuyển, người dân ở H. Nam Trà My (Quảng Nam) - cách đó hàng chục km cũng cảm nhận rất rõ.
NHÓM PHÓNG VIÊN