Tăng cường đầu tư và xã hội hóa nguồn lực chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Thứ sáu, 03/03/2023 06:33
Ngày 2-3, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5-11-2012 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới", Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị thành phố cần tăng cường hơn nữa đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu tại buổi làm việc.
Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu tại buổi làm việc.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đánh giá cao Đà Nẵng đã triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5-11-2012 với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo giúp trẻ em phát triển toàn diện; đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần đổi mới, đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; chú trọng đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống cơ bản, dạy bơi an toàn; kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào các hoạt động phạm pháp và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em.

Đà Nẵng cần tập trung rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ trẻ em bị thiên tai, dịch bệnh, trẻ em nghèo, trẻ em di cư, chăm sóc trẻ mồ côi do COVID-19; đẩy mạnh xã hội hóa công tác trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng; giám sát hoạt động của các ngành, các cấp trong thực hiện Luật Trẻ em.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh nhấn mạnh, với việc triển khai đồng bộ, toàn diện Chỉ thị số 20-CT/TW đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Thành phố thường xuyên quan tâm đầu tư bố trí ngân sách, cùng với vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ thực hiện các chương trình, kế hoạch về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của trẻ em, tăng cơ hội thực hiện quyền trẻ em.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em; định kỳ rà soát thông tin trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ để theo dõi, quản lý và có giải pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời. Thành phố sẽ tạo môi trường cho trẻ em được thực hiện tốt các quyền của trẻ em, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các chương trình, kế hoạch về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em…

Tại buổi làm việc, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Đoàn Xuân Hiếu cho biết, hiện nay, thành phố có gần 300.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm gần 25,5% dân số. Thành phố đã ban hành và triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác trẻ em đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi được chăm sóc duy trì 100%; trẻ em bị xâm hại, bạo lực có xu hướng giảm.

N.P