Tập trung phát triển các hoạt động du lịch thích ứng an toàn, hiệu quả

Thứ năm, 17/02/2022 16:52

Ngày 16-2, Thường Trực Thành ủy Đà Nẵng làm việc với Đảng ủy, lãnh đạo Sở Du lịch TP về công tác xây dựng Đảng và tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian đến. Dự cuộc họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại cuộc họp.

Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, trong 2 năm 2020-2021, dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến ngành Du lịch, ngành kinh tế chủ lực của thành phố Đà Nẵng. Theo số liệu của Cục Thống kê, trong năm 2021, tổng khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt 1,19 triệu lượt khách, giảm 55% so với năm 2020. Trong đó, khách quốc tế đạt 105 nghìn lượt, giảm 85% so với cùng kỳ; khách nội địa đạt 1,085 triệu lượt, giảm 44,2% so với cùng kỳ; doanh thu từ dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 2.505 tỷ đồng, giảm 37.7% so với năm 2020.

Dịch bệnh COVID-19 đã gây thiệt hại nặng cho ngành Du dịch. Trong đó, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào hoạt động du lịch ước đạt 3,2 tỷ USD, được đầu tư vào các điểm du lịch, cơ sở lưu trú taxi, tàu thuyền du lịch,… nhưng trong thời gian qua phải ngừng khai thác do dịch bệnh. Đến nay có 80% doanh nghiệp du lịch vẫn tạm dừng hoạt động sau gần 2 năm chịu thiệt hại nặng do dịch bệnh. Khi dịch bệnh trở lại vào cuối tháng 4-2021, Đà Nẵng có 80% tương đương với 42.000 lao động trực tiếp ngành du lịch và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp liên quan đã và đang thất nghiệp chuyển sang làm ngành nghề khác. Thiệt hại của doanh nghiệp do sụt giảm doanh thu, trả lãi vay, chi phí bảo trì, chi phí thuê sân bãi, thuê đất, trả lương cho đội ngũ nhân viên,… ước đạt 27.300 tỷ đồng.

Về dự báo xu hướng du lịch trong giai đoạn tới, Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, việc kết hợp linh hoạt xu hướng "du lịch 4.0" (với vai trò kết nối giá trị của công nghệ kỹ thuật số) và "du lịch 0.4" (du lịch trở về với thiên nhiên) sẽ đóng vai trò chủ đạo trong du lịch hậu COVID-19. Du lịch nghỉ dưỡng, hồi phục và chăm sóc sức khỏe; Du lịch gắn với văn hóa truyền thống, du lịch trở về thiên nhiên, môi trường trong lành, yên tĩnh (du lịch sinh thái rừng, biển, nông nghiệp, nông thôn), Du lịch qua thế giới ảo; Du lịch tìm về chính mình (du lịch trải nghiệm) sẽ là những loại hình phù hợp với thời kỳ hậu COVID-19.

Trong giai đoạn 2021-2025, ngành Du lịch Đà Nẵng phấn đấu số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tăng 20 - 22%/năm, trong đó, khách quốc tế tăng 40 - 41%/năm; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng 20 - 22%/năm. Thực hiện Chủ đề năm 2022 là "Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", ngành du lịch Đà Nẵng phấn đấu tổng lượng khách lưu trú dự kiến đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 3 lần so với ước thực hiện năm 2021 (đạt 1,3 lần so với năm 2020); trong đó, khách quốc tế ước đạt 180 ngàn lượt, tăng 1,6 lần và khách nội địa ước đạt hơn 3,32 triệu lượt, tăng 3 lần. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt trên 6,7 ngàn tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với ước thực hiện năm 2021 (đạt 1,7 lần so với năm 2020).

Phát biểu tại cuộc họp, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng đề nghị chính quyền thành phố cần công bố và có cơ chế kiểm soát dịch Covid-19 để du khách an tâm khi đến Đà Nẵng. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cần tạo điều kiện cho các dự án động lực về du lịch được triển khai, làm sao khai thông được toàn bộ vướng mắc trong toàn bộ sản phẩm du lịch biển, đảo, đường sông của Đà Nẵng. Đây là sản phẩm cơ bản nhất còn thiếu trong hệ sinh thái sản phẩm du lịch của Đà Nẵng.

Du khách quốc tế đến TP Đà Nẵng sau thời gian dài gián đoạn.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thành phố sẽ tạo cơ chế, chính sách để kêu gọi xã hội hóa đầu tư các hoạt động du lịch. Trước mắt, thành phố cho phép tổ chức thí điểm khu vui chơi, giải trí dọc bờ biển, ở xa khu dân cư để phục vụ du khách, ngành du lịch gợi ý thêm các khu resort ven biển để thực hiện việc này. Ngành Y tế cần tham mưu cho UBND thành phố công bố cấp độ dịch để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch khi đón khách, du khách an tâm khi đến Đà Nẵng. Bên cạnh đó, việc làm chợ đêm của thành phố hiện nay chưa hiệu quả, cần đánh giá và điều chỉnh lại trên cơ sở thí điểm một đoạn phố chuyên doanh về kinh tế đêm và có cơ chế quản lý đảm bảo an ninh, an toàn khi hoạt động kinh tế đêm.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị cần tập trung phát triển các hoạt động du lịch thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch bệnh, "ngành Du lịch thành phố cần có các quy chế phối hợp cùng các ngành khác để ràng buộc về trách nhiệm nhằm thực hiện hiệu quả việc phục hồi du lịch, nhất là trong giai đoạn hiện nay việc phối hợp phòng, chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu để mở lại các hoạt động du lịch. Đồng thời, các ngành cần tạo các điều kiện thuận lợi về hạ tầng và nguồn nhân lực cho du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, môi trường để thu hút khách du lịch trở lại", ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

NGỌC QUỐC