Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế: Yêu sách của Trung Quốc đi ngược lại quy định của UNCLOS 1982

Thứ năm, 07/11/2019 07:47

Đại biểu tham dự Phiên đặc biệt kỷ niệm 25 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển tại khu vực” diễn ra trong hai ngày 6 và 7-11 tại Hà Nội, chiều 6-11, các đại biểu dự Hội thảo đã cùng tham dự Phiên đặc biệt kỷ niệm 25 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) có hiệu lực (1994-2019) và 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước. Dự và phát biểu tại sự kiện, Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak, Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS) bày tỏ vinh dự được dự Hội thảo và được chia sẻ quan điểm liên quan tới tầm quan trọng của UNCLOS 1982 và Tòa án Luật biển quốc tế.

Đánh giá về Tòa án Luật biển quốc tế, Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak cho hay, trong vòng 23 năm qua, đã có 28 vụ kiện được đưa lên Tòa với nội dung rất đa dạng, từ hoạt động thủy thủ đoàn liên quan, đến phân định biên giới biển, nghĩa vụ và trách nhiệm của các quốc gia...

Đưa ra ví dụ cụ thể là việc Trung Quốc nêu lên vấn đề quyền lịch sử của mình tại Biển Đông, Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak cho biết: Sau khi xem xét, đánh giá, Tòa kết luận rằng, yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với tài nguyên tại Biển Đông không phù hợp với những quyền cụ thể và các vùng biển quy định trong UNCLOS 1982.

Tòa cũng nêu rõ, mặc dù các nhà hàng hải và ngư dân Trung Quốc cũng như nước khác, về mặt lịch sử, sử dụng các thực thể ở Biển Đông, nhưng không có bằng chứng cho thấy trong lịch sử Trung Quốc đã thực hiện quyền kiểm soát đối với vùng biển hay tài nguyên hoặc ngăn chặn các nước khai thác tài nguyên tại vùng biển này. Do đó, không có cơ sở pháp lý cho Trung Quốc khi yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên hay các quyền chủ quyền, quyền tài phán liên quan đến các vùng biển ở Biển Đông mà Trung Quốc gọi là “đường chín đoạn”. Yêu sách của Trung Quốc đã đi ngược lại quy định của UNCLOS 1982 và không có hiệu lực pháp lý.

Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak khẳng định Tòa án Luật biển quốc tế đã góp phần vào việc thúc đẩy thượng tôn pháp luật trên biển cũng như duy trì hòa bình, công lý và tiến bộ trong quan hệ quốc tế.

Theo TTXVN