Thân nhân liệt sĩ bày tỏ lời cảm ơn xúc động

Thứ năm, 14/07/2022 19:06
Chuyến thăm, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, cán bộ An ninh Hải Phòng tăng cường cho chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng trước năm 1975 tuần đầu tháng 7 mới đây của Đoàn Công an TP Đà Nẵng do Đại tá Trần Đình Liên - Phó giám đốc Công an TP dẫn đầu để lại nhiều cảm xúc. Không chỉ cán bộ An ninh tăng cường còn sống, mà các cụ bà là vợ liệt sĩ, thế hệ con cháu của các thương binh, liệt sĩ cũng không giấu nỗi niềm xúc cảm khi chứng kiến câu chuyện nghĩa tình sâu nặng giữa 2 địa phương suốt 47 năm qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Đoàn Công an TP Đà Nẵng đến thăm, tri ân và chụp ảnh lưu niệm với các gia đình Liệt sĩ tại Hải Phòng
Đoàn Công an TP Đà Nẵng đến thăm, tri ân và chụp ảnh lưu niệm với các gia đình Liệt sĩ tại Hải Phòng

Một lá thư tay viết vội của anh Phạm Văn Tuyến - con trai của liệt sĩ Phạm Quang Thụ hy sinh tại chiến trường Quảng Nam trước năm 1975 gửi từ bưu điện H. Cát Bà (Hải Phòng) đến Công an TP Đà Nẵng ngay sau khi Đoàn Công an TP Đà Nẵng kết thúc chuyến thăm thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa trở về là một minh chứng. Trong thư, anh Tuyến viết: “Cháu xin thay mặt cho các gia đình cán bộ An ninh tăng cường cho chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TP Đà Nẵng, Ban giám đốc Công an TP đã dành những tình cảm cao đẹp cho các gia đình thân nhân chúng tôi. Mặc dù trong lúc Đại dịch COVID- 19 đã làm tổn thất nặng nề về kinh tế, nhưng với nghĩa cử cao đẹp uống nước nhớ nguồn, những người con vẫn thực hiện chuyến thăm, tri ân các gia đình liệt sĩ, có công tại Hải Phòng. Với tình cảm và nghĩa cử cao đẹp đó, cháu không biết nói gì hơn, xin kính chúc Ban giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cán bộ chiến sĩ Công an TP cùng gia đình mạnh khỏe, công tác tốt để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó!”.

Cũng như anh Tuyến, thân nhân của các gia đình liệt sĩ Phạm Đình Sau, Đoàn Hữu Hải, Vũ Đức… ai cũng dâng trào niềm xúc động mỗi lần đoàn công tác của Công an TP Đà Nẵng và Quảng Nam đến thăm. Khi thăm gia đình liệt sĩ Sau, vợ liệt sĩ là bà Trần Thị Chính cùng người thân ai cũng nghẹn ngào, không nói nên lời. Bà bảo, sau khi chồng anh dũng hy sinh trên chiến trường Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam năm 1969, sau ngày đất nước giải phóng, đồng đội cũ của ông và lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng, Quảng Nam luôn có những chuyến thăm, tri ân rất trân quý. “Cứ dịp lễ lớn, năm chẵn, đoàn Công an TP Đà Nẵng, Quảng Nam lại ngược ra Bắc, đến thăm, thắp hương cho ông ấy. Chắc dưới suối vàng, ông ấy thấy rất yên lòng. Gia đình thực sự thấy được an ủi và mừng”, bà Chính tâm sự.

Chúng tôi hiểu, trong sâu thẳm nỗi lòng của con trai liệt sĩ Thụ, vợ liệt sĩ Sau và và hàng trăm thân nhân các liệt sĩ là cán bộ An ninh chi viện cho chiến trường Quảng Đà năm xưa ai cũng tự hào rằng, các liệt sĩ thời ở chiến trường đều là những người con ưu tú, ngoan cường, một lòng đấu tranh cho công cuộc cách mạng, giải phóng đất nước. Sự hy sinh quả cảm của mỗi liệt sĩ luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, nhất là các thế hệ Công an TP Đà Nẵng, Quảng Nam nhắc nhớ muôn đời. Như vợ liệt sĩ Đoàn Hữu Hải, P. Vĩnh Niệm, Q. Lê Chân - bà Đào Thị Hạnh năm nay đã gần 90 tuổi - ôm chặt từng người trong đoàn công tác nói rằng: Ông ấy sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, có nhiều người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Dù ông ấy anh dũng hy sinh là mất mát lớn đối với gia đình, song niềm vui lớn nhất là hiện 3 người con của ông ấy đều noi gương bố, nỗ lực phấn đấu trưởng thành, trong đó có 2 người con trong ngành Công an, nay cũng đã hoàn thành trọng trách Đảng, ngành Công an và nhân dân giao phó. Những năm qua, các lần thăm nom, tri ân của Đoàn Công an TP Đà Nẵng thường xuyên thực hiện, càng làm cho gia đình, thế hệ con cháu thấy thêm tự hào, có động lực để phấn đấu, công tác”.

Đại tá Trần Đình Liên - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng khẳng định: Thế hệ chúng ta hôm nay luôn biết ơn và mãi mãi không quên lực lượng An ninh Hải Phòng chi viện cho chiến trường mưa bom, bão đạn Quảng Nam - Đà Nẵng năm xưa. Vào chiến trường Quảng Đà thời ấy, các đồng chí trở thành những hạt nhân nòng cốt trong tổ chức, công tác và xây dựng lực lượng. Trong gian khổ, khó khăn, lực lượng An ninh Hải Phòng sát cánh với chiến sĩ An ninh Quảng Nam - Đà Nẵng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhiều đồng chí đã quả cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc; có người đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng quê hương. Sự chi viện đó đã có thêm sức, thêm lực để lực lượng An ninh Quảng Đà vượt qua những khó khăn thách thức, kiên cường kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Những người có mặt trong đoàn quân Nam tiến ngày đó nay tóc đã bạc, có người còn, người mất, nhưng ký ức về những tháng năm xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, ký ức về ngày 30-4-1975 lịch sử không thể phai nhòa.

Suốt hành trình chuyến thăm các gia đình tại Hải Phòng, Đại tá Trần Đình Liên luôn nhắc nhở cán bộ chiến sĩ trong đoàn: Chuyện thăm nom, động viên, tri ân người thân của các liệt sĩ chỉ là nghĩa cử nhỏ, không thể so sánh với công lao và sự hy sinh của các bậc cha, anh vì sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước để chúng ta được hưởng ngày độc lập, thống nhất đất nước gần nửa thế kỷ qua. Vì vậy, mỗi cán bộ chiến sĩ Công an TP Đà Nẵng phải tiếp tục phát huy truyền thống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mà Đảng, nhân dân và ngành giao phó; quan tâm chăm lo, hỗ trợ tốt hơn cho thân nhân các liệt sĩ và các con, các cháu liệt sĩ học hành nên người, tiếp tục noi gương truyền thống cha ông, viết tiếp những trang sử hào hùng.

Vâng, những cảm xúc trào dâng của thân nhân các gia đình liệt sĩ; của cán bộ An ninh tăng cường ai cũng hiểu, nhưng thực hiện nghĩa cử cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý mà các thế hệ con cháu của chúng ta phải làm, và cần làm thật tốt để xứng đáng với những lời căn dặn thiêng liêng mà sinh thời Bác Hồ đã căn dặn, đó là: Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các Liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với người thân của thương binh, liệt sĩ (cha mẹ, vợ con) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét…

Công Hạnh