Thanh thiếu niên "học" mạng xã hội tự chế tạo pháo: Hành vi nguy hiểm

Thứ hai, 09/01/2023 14:04
Mặc dù từng có những vụ tai nạn do tự chế pháo nổ gây ra, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo, thế nhưng, dịp gần Tết nhiều thanh thiếu niên vẫn mua nguyên liệu thuốc nổ trên mạng xã hội rồi học cách tự chế pháo để sử dụng trái phép.
Nhóm thanh thiếu niên tự chế tạo pháo và số pháo tự chế tạo.
Nhóm thanh thiếu niên tự chế tạo pháo và số pháo tự chế tạo.

Mới đây, thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảm đảm ANTT Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngày 4-1, Công an xã Đắk Nia (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) phát hiện 6 thanh thiếu niên tuổi đời từ 13 đến 15 tuổi có hành vi tàng trữ, chế tạo pháo trái phép, thu giữ 45 quả pháo cùng một số vật dụng liên quan. Tại cơ quan Công an, nhóm này khai nhận, sau khi tìm hiểu cách chế tạo pháo trên mạng Internet, các em góp tiền đặt mua hàng online các vật dụng liên quan, sau đó cùng chế tạo được 45 quả pháo tự chế để sử dụng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Tự chế, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật, dễ gây nên những hiểm họa khôn lường và sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, hệ quả nhãn tiền đã xảy ra. Mới đây, vào ngày 25-12-2022, tại thị trấn Buôn Trấp, H. Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) đã có 5 trường hợp học sinh thương vong khi đặt mua các hóa chất làm pháo nổ qua mạng xã hội và tự chế tạo pháo để bán. Các em hẹn nhau tại một nhà người dân ở địa phương khi họ đi vắng để cùng chế tạo pháo, với nguyên liệu là các hóa chất, vật liệu mua được… trong lúc thao tác đã gây ra nổ lớn, làm 2 em tử vong và 1 em bị thương nặng.

Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền cảnh báo, yêu cầu thanh thiếu niên, học sinh ký cam kết không vi phạm, đồng thời đưa ra nhiều hình thức kỷ luật; thậm chí bắt giữ, xử lý hình sự… nhưng tình trạng này vẫn tồn tại.

Nguyên nhân, một phần là do sự buông lỏng quản lý của gia đình, bởi thực tế cho thấy, những trường hợp liên quan đến pháo nổ bị phát hiện và xử lý, đều không có sự quan tâm đúng mực từ bố mẹ. Bên cạnh đó, mạng xã hội phát triển, nhiều em có điều kiện truy cập vào các trang mạng dạy cách chế tạo pháo để học cách làm pháo nổ, góp tiền để đặt mua phụ kiện, vật dụng liên quan qua mạng xã hội rồi mang về nhà rủ nhau làm pháo nhưng bố mẹ vẫn không hề hay biết. Chỉ đến khi hậu quả xảy ra, hệ lụy dai dẳng mới tá hỏa thì đã muộn màng.

Để phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên, học sinh tàng trữ, chế tạo và sử dụng pháo nổ trái phép, lực lượng Công an các cấp đã và đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành giáo dục, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống pháo nổ; tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh quyết liệt đối với các vi phạm về pháo nổ. Ngoài việc xử lý theo quy định thì khi phát hiện các trường hợp là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm, lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo về cho chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình để phối hợp quản lý, giám sát và giáo dục... Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an, chính quyền địa phương thì các gia đình cần quan tâm, giáo dục con em nhận biết, tránh xa những hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ, góp phần bảo đảm ANTT tại địa phương.

Hồng Long