Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phục hồi du lịch

Thứ bảy, 04/03/2023 15:39
Tại chương trình “Tọa đàm du lịch mùa xuân 2023” tổ chức ngày 3-3, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các sở ngành sớm tham mưu các giải pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc theo đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tăng tốc phục hồi du lịch.
Trong năm 2023, Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều giải pháp để phục hồi du lịch (trong ảnh: Du khách tham gia các hoạt động du lịch biển Đà Nẵng).
Lãnh đạo TP Đà Nẵng, Sở Du lịch trao đổi, lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp về giải pháp phục hồi du lịch năm 2023.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về tốc độ phục hồi du lịch. Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 50 chuyến bay quốc tế/ ngày và chưa có địa phương nào phục hồi nhanh như vậy.

Tuy nhiên, ở giai đoạn phục hồi này thì dòng tiền của các doanh nghiệp (DN) chưa đủ để nộp thuế và trả nợ ngân hàng. Chính vì vậy cần chính quyền hỗ trợ về cơ chế, chính sách. “Các DN hầu hết đề xuất giảm tiền thuê đất thêm một năm nữa. Tiền thuê đất hiện đang rất cao dẫn đến giá của chúng ta không còn cạnh tranh so với các điểm đến. Chi phí khách sạn tăng, vận chuyển tăng thì sức cạnh tranh điểm đến sẽ giảm so với nhiều địa phương khác. Các DN du lịch cũng kiến nghị chính quyền TP làm việc với Ngân hàng Nhà nước khoanh nợ, giãn nợ để có điều kiện phục hồi, tái đầu tư”, ông Dũng trao đổi.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cũng cho rằng, Đà Nẵng có rất nhiều yếu tố, nhiều sản phẩm và điều kiện vượt trội nhưng còn thiếu một mảnh ghép quan trọng là các tuyến du lịch thủy nội địa. Nếu hoàn chỉnh các thủ tục và đưa vào khai thác vào cao điểm du lịch hè năm nay thì sẽ tạo đà thuận lợi cho việc bứt phá. “Hiện mỗi buổi tối khách chỉ lên thuyền chạy 45 phút trên sông Hàn, chúng ta thu được 50- 60 nghìn đồng, không ăn thua gì hết. Trong khi nguồn lực chúng ta rất lớn. Tuyến thì Sở GTVT đã công bố rồi nhưng khách du lịch chưa xuống nước được vì chưa có điểm dừng và dịch vụ đi kèm. Phải sớm quy hoạch tuyến để khai thác các sản phẩm, các điểm đến xa hơn như vịnh Đà Nẵng, quanh bán đảo Sơn Trà”, ông Dũng kiến nghị.

Một trong những điều gây ấn tượng đầu tiên đối với du khách quốc tế khi đến Đà Nẵng chính là sân bay. Trong thời gian qua, dù “cửa ngõ” vào TP đã được cải thiện hình ảnh, nâng cao chất lượng phục vụ nhưng vẫn còn một số tồn tại gây phiền hà cho du khách. Tiến sĩ Mo Chul Min- Đại học Duy Tân cho biết, cùng với việc giải quyết thủ tục nhập cảnh chậm, vấn đề giá cả tại sân bay và vận tải taxi trá hình đôi lúc cũng đắt đỏ. “Từng có trường hợp du khách từ Hàn Quốc phải mua một chiếc bánh hamburger với giá 300 nghìn, tô phở 200 nghìn, một chuyến xe từ sân bay về trung tâm TP 500 nghìn là quá cao. Đó có lẽ không phải là phổ biến nhưng đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch mà ngành chức năng của TP phải xử lý”, Tiến sĩ Mo Chul Min trao đổi. Đại diện Cty Cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) cũng đề nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo cơ quan Công an sớm vào cuộc xử lý dứt điểm xe dù, taxi trá hình đang diễn ra hàng ngày, kéo dài lâu nay tại Sân bay Đà Nẵng. Theo vị này, một nhóm khoảng vài chục người xăm trổ tập trung trước bãi đỗ xe của nhà ga quốc tế trong thời gian qua làm ảnh hưởng đến ANTT và gây ấn tượng không tốt đối với du khách. “Họ lừa bắt được khách rồi thì lừa tiền người ta. Chúng tôi kiến nghị UBND TP chỉ đạo cơ quan Công an vào cuộc. Hình ảnh camera chúng tôi có hết, sẵn sàng phối hợp với cơ quan Công an để xử lý dứt điểm”, vị này cho hay.

Trong năm 2023, Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều giải pháp để phục hồi du lịch (trong ảnh: Du khách tham gia các hoạt động du lịch biển Đà Nẵng).

Chủ trì buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, TP đã và đang làm hết mình với các giải pháp cụ thể, tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng DN để khôi phục mạnh mẽ hoạt động du lịch. Trước mắt, ngay sau cao điểm mùa du lịch biển sắp tới sẽ là sự trở lại của Lễ hội pháo hoa quốc tế và hàng loạt sự kiện quan trọng. Được ấp ủ và chuẩn bị từ rất lâu, từ nay đến cuối năm, dự án “Dòng sông ánh sáng” giá trị đầu tư 400 tỷ đồng sẽ hoàn thành để đưa hình ảnh sông Hàn và các điểm đến sống động hơn, đặc sắc hơn. Đối với cơ chế chính sách hỗ trợ DN trong miễn giảm thuế, tiền thuê đất, giãn nợ ngân hàng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Cục Thuế, Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất đối với các nhóm vấn đề, trường hợp để có báo cáo, tham mưu, đề xuất cụ thể. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở Du lịch nhanh chóng làm việc với Công an TP để khắc phục các tồn tại, ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến tại Sân bay Đà Nẵng là thủ tục xuất nhập cảnh và tình hình ANTT liên quan đến xe dù, taxi trá hình. “Việc này không có gì là khó cả. Các đường dây tội phạm xuyên quốc gia, các vụ án nghiêm trọng mình còn làm ra thì mấy vụ việc có con người, địa điểm, hành vi cụ thể này không có gì phức tạp. Lần đầu nhắc nhở răn đe, lần thứ hai xử lý nghiêm, đủ yếu tố là xử lý hình sự. Việc này phải được chấm dứt sớm”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định và yêu cầu các đơn vị liên quan của Công an TP sớm vào cuộc xử lý.

Với Hiệp hội Du lịch, các hội thành viên, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng cần phát huy vai trò của mình, làm cầu nối kết nối các DN, giữa DN và chính quyền để xử lý các vướng mắc, đồng hành hỗ trợ các DN kịp thời đề xuất với TP, tháo gỡ khó khăn, tạo đà trong việc phối hợp giữa các DN tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm về chất lượng, có sự chia sẻ để giữ gìn hình ảnh của điểm đến Đà Nẵng an toàn, thân thiện.

Bảo Nam

Lượng khách tại các cơ sở lưu trú đạt 90,4% so với cùng kỳ 2019

Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, lượng khách do các cơ sở lưu trú trên địa bàn phục vụ 2 tháng đầu năm 2023 ước gần 743 nghìn lượt, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 90,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó khách quốc tế hơn 195 nghìn lượt (tăng 49 lần), khách nội địa đạt hơn 547 nghìn lượt, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ 2022), bằng 90,1% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, tổng doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành trên địa bàn 2 tháng qua ước đạt 4.374 tỷ đồng, tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ 2022 và tăng hơn 21% so với cùng kỳ 2019 (chưa loại trừ yếu tố lạm phát). Trong đó doanh thu lưu trú, ăn uống của Đà Nẵng vào nhóm tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong các tỉnh, thành của cả nước.