Thầy trò Quảng Nam đối mặt nhiều khó khăn sau bão

Thứ bảy, 31/10/2020 20:00

Sau khi bão số 9 đi qua, nhiều ngôi trường ở tỉnh Quang Nam như vừa trải qua một trận bom. Toàn ngành GD-ĐT tỉnh và các địa phương đang tập trung khắc phục thiệt hại để sớm tổ chức dạy học trở lại. Nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài khi việc dạy và học trước mắt vẫn phải tạm thời.

Các cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5), Ban Chỉ huy Quân sự và dân quân TP Tam Kỳ dọn dẹp tại Trường TH Hùng Vương.

Tại Trường THPT Núi Thành (Thị trấn Núi Thành), toàn bộ phần mái các phòng học, nơi làm việc của học sinh, phòng thí nghiệm, nhà chức năng bị gió bóc sạch. Thầy giáo Nguyễn Hữu Thiện, Hiệu trưởng Trường THPT Núi Thành bàng hoàng: "Chưa bao giờ thầy trò sợ hãi và gian nan như những ngày qua bởi mọi thứ ngoài sức tưởng tượng". Toàn bộ cửa kính trên các phòng học vỡ toác, tấm trần chống nóng trên các phòng cũng bị xé toạc. Nặng nề hơn là máy tính phục vụ dạy học, các thiết bị điện tử và hệ thống cấp nước, đường điện đều bị mưa gió làm hư hỏng, không thể sử dụng được. Thầy Thiện cho biết, hiện tìm không ra thợ khắc phục nên một số thầy cô phải chạy xe máy ra tới TP Đà Nẵng hỏi mua tôn, dây điện nhưng cũng bất lực vì khan hiếm hàng.

Tại TP Tam Kỳ, chiều 29-10, gần 80 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) cùng Ban Chỉ huy Quân sự và dân quân TP Tam Kỳ tiếp tục nỗ lực công tác dọn dẹp tại Trường TH Hùng Vương. Đây là ngôi trường bị thiệt hại nặng nhất trong đợt bão số 9 trên địa bàn thành phố khi toàn bộ mái tôn tầng 2 của dãy 5 phòng học bị hất tung.

Theo bà Trịnh Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường TH Hùng Vương, rất may là trước đó nhà trường đã chủ động mang hết thiết bị dạy học trên lớp như ti-vi và sách vở học trò sang các phòng học kiên cố khác để cất giữ nên không bị thiệt hại. Tuy nhiên, quạt treo tường, bàn ghế học sinh bị hư hỏng rất nhiều. "Trong thời gian chờ để sửa chữa, kế hoạch của nhà trường sẽ lấy các phòng chức năng để dạy học tạm thời. Và với tình hình này, trong thời gian tới có lẽ sẽ chỉ dạy 1 buổi và không tổ chức bán trú" - bà Hồng nói. Ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ thông tin, tình hình thiệt hại do cơn bão số 9 trên địa bàn thành phố đối với ngành khá nặng và chủ yếu là ngã tường rào, rớt la phông, bể ngói, cây ngã, tốc mái.

Nhà đa năng tại Trường THCS Nguyễn Du, TP Hội An bị đổ sập.   Ảnh: TT-Q.N

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam Hà Thanh Quốc cho biết, "khó khăn với thầy trò Quảng Nam bây giờ là chưa từng có". Theo ông, điều đau xót nhất là trong vụ sạt lở vùi lấp 11 người ở huyện Phước Sơn có đến 3 em là học sinh tiểu học. Theo ông Quốc, đến nay, việc thống kê tình hình thiệt hại trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể cập nhật được do thông tin liên lạc rất khó khăn. Tuy nhiên, qua nắm tình hình, thiệt hại đối với ngành là rất lớn, nhất là các trường học ở miền núi. Riêng các trường THPT như Thái Phiên (Thăng Bình), Cao Bá Quát (Núi Thành) bị tốc mái, hư hỏng nghiêm trọng. Tại các huyện như Duy Xuyên, Hội An, Điện Bàn... hàng trăm trường học cũng tan nát sau bão số 9. Trường THPT Sào Nam (H. Duy Xuyên) cũng hư hại nặng.

Tại TP Hội An, Trường THCS Nguyễn Du bị sập một dãy nhà đa năng bằng sắt thép, tường rào Trường tiểu học Cẩm Thanh đổ sập, nhà đa năng bị gió lật mái... Ông Quốc nói: "Tinh thần chỉ đạo chung là các trường học cần nhanh chóng khắc phục thiệt hại để sớm tổ chức dạy học. Trước mắt, tùy điều kiện tình hình các trường học chủ động trong việc quyết định cho học sinh đi học trở lại". Tình cảnh bi đát, hoang tàn sau bão số 9 cũng xảy ra hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Nhưng bão qua lại đến lúc nhiều trường đứng trước nguy cơ sạt núi nên phải khẩn cấp di chuyển học sinh, giáo viên qua khu vực khác để đảm bảo an toàn như tại Trường THPT Quang Trung (Đông Giang), Trường dân tộc nội trú Nam Trà My (H. Nam Trà My)...

Do trường lớp ngổn ngang và nhiều giáo viên bị hư hại nhà cửa, đặc biệt các huyện vùng cao nên ông Hà Thanh Quốc cho biết, thời gian đi học sẽ do từng địa phương, từng trường quyết định khi việc khắc phục được cơ bản.

T.T-Q.N