Thiên lý hồi hương

Thứ bảy, 09/10/2021 11:32

Những ngày qua, dòng người từ các tỉnh phía Nam trở về quê hương chưa có dấu hiệu giảm nhiệt...

Người dân ồ ạt hồi hương bằng mọi cách: từ xe máy, xe đạp thậm chí là đi bộ. Đường xa vạn dặm, ăn đói, ngủ rét dường như đã vắt kiệt chút sức tàn từ những con người vốn dĩ kiệt quệ vì dịch COVID- 19. Xót xa biết bao nhiêu khi em bé mới 10 ngày tuổi cũng đã rong ruổi cùng ba mẹ trên chiếc xe máy từ Bình Dương về đến tận Nghệ An; hay trên chặng dừng chân trên đỉnh Hải Vân Quan, một em bé 3 tuổi ngất lịm vì mưa lạnh. Cũng có người mãi mãi nằm lại trên chặng đường thiên lý hồi hương như 2 mẹ con người Thanh Hóa… Đó là những câu chuyện làm cho bao trái tim phải thổn thức và buộc chúng ta phải suy nghĩ về trách nhiệm của chính quyền trong bảo đảm an toàn, tính mạng của người dân.

Sự kiện này gợi nhớ về cuộc tản cư lịch sử trước ngày toàn quốc kháng chiến. Trong thư gửi đồng bào tản cư (17-2-1947), Bác Hồ đã viết: “Chính phủ và đồng bào hậu phương, không thể để các đồng bào tản cư bị lưu ly cực khổ, cho nên đã tìm mọi cách đặng sắp xếp cho các đồng bào có nơi ăn, chỗ ở, việc làm”. Với tinh thần đó, công tác chuẩn bị cho việc tản cư được tiến hành rất chu đáo. Các trạm dừng chân được xây dựng trên dọc đường di chuyển, một số quán ăn giá rẻ được lập ra để phục vụ đồng bào, một số nơi đã chuẩn bị thành lập những trại di cư sản xuất để đón đồng bào tản cư… Trong điều kiện nguy cấp, thiếu thốn trăm bề, nhưng với sự chuẩn bị tích cực, chu đáo đó, hàng chục vạn dân được ủy ban tản cư, di cư và chính quyền các địa phương hướng dẫn ra khỏi vùng chiến sự.

Ấy vậy mà trong điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện, đầy đủ cả đường bộ, đường sắt và đường hàng không như hiện nay, hàng chục ngàn người dân phải tự túc đi xe máy, xe đạp và cả đi bộ về quê; phải ăn, ngủ lay lắt ven đường trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Đành rằng, hành trình trở về là tự phát nhưng khi đã xảy ra thì phải nhanh chóng tìm cách khắc phục, tìm cách bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết.

Đây đã là lần thứ ba làn sóng hồi hương bùng phát. Thế nhưng đến bây giờ các phương án vẫn chưa sẵn sàng. Dân đã về đến cửa ngõ mà 13 tỉnh miền Tây vẫn còn kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đề nghị tạm ngưng cho người dân tự về quê. Còn gì đau đớn hơn khi bị nơi chôn nhau cắt rốn của mình từ chối tiếp nhận. Lẽ ra, Trung ương phải lên tiếng, phải dự lường kịch bản và có chỉ đạo sớm; các địa phương cũng phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các phương án và phối hợp nhịp nhàng giữa các tỉnh, thành để đón người dân trở về.

Ai cũng rõ mười mươi nếu không tổ chức tốt việc đưa, đón, để người dân phải tự phát về quê thì sẽ dẫn tới nguy cơ dịch bệnh lây lan ra nhiều địa phương trong cả nước. Và người trở về từ vùng dịch, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ trở thành những nguồn lây nhiễm mới. Vậy mà đến nay, các tỉnh, thành phố vẫn chưa có sự thống nhất, chưa tìm được tiếng nói chung trong việc đón người dân trở về địa phương theo nguyện vọng. Việc ùn ứ ở các điểm kiểm soát cửa ngõ vẫn còn xảy ra. Phương án tổ chức xét nghiệm, cách ly vẫn chưa sẵn sàng kích hoạt trong trường hợp lượng người về địa phương tăng đột biến.

Rất may, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện 1314/CĐ-TTg ngày 7-10-2021 về việc phối hợp đưa đón người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được về quê an toàn, chu đáo. Với chỉ đạo cụ thể về đưa, đón đến tận nơi; bố trí phương tiện vận chuyển an toàn đối với người già, phụ nữ có thai, trẻ em và yêu cầu phối hợp giữa các địa phương trong bảo đảm giao thông thông suốt sẽ góp phần bảo vệ an toàn, sức khỏe cho nhân dân. Muộn còn hơn không. Hi vọng chặng đường hồi hương của bà con trong thời gian đến vơi bớt nhọc nhằn.

TRƯƠNG THỊ ĐIỆP