Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ thương mại với Israel

Thứ bảy, 04/05/2024 12:01
Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cắt đứt mọi hoạt động thương mại với Israel nhằm đáp trả cuộc chiến của Israel ở Gaza.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP

Dừng mọi hoạt động thương mại với Israel

Theo hãng tin Reuters, trong tuyên bố hôm 2-5, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ thông báo dừng mọi hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu với Israel, viện dẫn "thảm kịch nhân đạo tồi tệ" ở các lãnh thổ Palestine. "Các giao dịch xuất nhập khẩu liên quan đến Israel đã bị đình chỉ, bao gồm tất cả các sản phẩm", Reuters trích dẫn tuyên bố từ Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ. "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện nghiêm túc và dứt khoát các biện pháp mới này cho đến khi chính phủ Israel cho phép dòng viện trợ nhân đạo đầy đủ và không bị gián đoạn đi vào Gaza", tuyên bố nêu. Bộ này cho biết các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phối hợp với chính quyền Palestine để đảm bảo rằng người Palestine không bị ảnh hưởng bởi động thái đình chỉ xuất nhập khẩu với Israrel.

Tiếp đó, vào ngày 3-5, Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat nhấn mạnh thêm rằng nước này sẽ tạm dừng thương mại với Israel cho đến khi đảm bảo có thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza và dòng viện trợ nhân đạo không bị cản trở đến khu vực này. Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ gọi đây là "giai đoạn thứ hai" của các biện pháp chống lại Israel. Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố các hạn chế xuất khẩu thương mại sang Israel đối với 54 sản phẩm, bao gồm xi măng, thép, nhôm, sắt, vật liệu và thiết bị xây dựng, nhằm đáp trả cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza.

Israel đã phản ứng mạnh

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngừng mọi hoạt động xuất nhập khẩu đến và đi từ Israel để phản đối cuộc chiến ở Gaza, Israel đã phản ứng mạnh. Ngoại trưởng Israel Katz đã cáo buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vi phạm các thỏa thuận khi chặn hàng hóa của Israel tại các cảng. Ông Katz chỉ trích Tổng thống Erdogan trên mạng xã hội X, cáo buộc nhà lãnh đạo này coi thường lợi ích của người dân và doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ, phớt lờ các hiệp định thương mại quốc tế. Ông Katz đã chỉ đạo cấp dưới ngay lập tức cùng với tất cả các bên liên quan trong chính phủ để đưa ra các lựa chọn thay thế cho thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, tập trung vào sản xuất trong nước và nhập khẩu từ các nước khác. Ông Katz cam kết: "Israel sẽ nổi lên và trở thành một nền kinh tế mạnh mẽ và táo bạo. Chúng ta thắng, còn họ thua".

Thổ Nhĩ Kỳ và Israel ký các thỏa thuận tự do thương mại từ những năm 1990. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt 6,8 tỷ USD, trong đó 76% là xuất khẩu của Ankara, theo viện thống kê Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã xấu đi kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Israel - Hamas (7-10-2023), Thổ Nhĩ Kỳ là là một trong những quốc gia phản đối và lên án mạnh mẽ nhất chiến dịch tấn công quân sự của Israel vào dải Gaza khiến hơn 111.000 dân thường Palestine thương vong. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan xem Hamas là "nhóm giải phóng", đồng thời cáo buộc Israel phạm tội "diệt chủng" đối với người Palestine ở Dải Gaza.

Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố hạn chế xuất khẩu thương mại sang Israel đối với 54 sản phẩm bao gồm xi măng, thép, nhôm, sắt, vật liệu và thiết bị xây dựng, nhằm phản ứng với cuộc chiến ở Dải Gaza, động thái khiến Tel Aviv tức giận và tuyên bố sẽ đáp trả. Trong một động thái mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 1-5 tuyên bố nước này sẽ tham gia cùng Nam Phi trong vụ kiện Israel phạm tội ác diệt chủng lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).

AN BÌNH

"Trục kháng chiến" tuyên bố mở mặt trận thứ 5 chống Israel

Nhóm Lữ đoàn Al-Ashtar tại Bahrain tuyên bố lần đầu tiên tấn công vào Israel, đánh dấu mặt trận thứ năm do các lực lượng thuộc "Trục Kháng chiến" mở ra kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu 7 tháng trước.

Nhóm Lữ đoàn Al-Ashtar, tự xưng là "Lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Bahrain", đã đưa ra một tuyên bố hôm 2-5 thông báo rằng họ đã nhắm mục tiêu vào trụ sở công ty Trucknet Enterprises của Israel - được cho là "chịu trách nhiệm vận chuyển đường bộ" - ở thành phố cảng Eilat phía Nam Israel. Vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái này xảy ra hôm 27-4. Theo Lữ đoàn Al-Ashtar, cuộc tấn công được tiến hành "để ủng hộ chính nghĩa của người Palestine và ủng hộ người của chúng tôi kháng cự ở Gaza". Nhóm "kháng chiến Hồi giáo ở Bahrain" cũng xác nhận rằng họ đang tiếp tục hỗ trợ ở mọi cấp độ cho những người dân ở Gaza, và sẽ không ngừng hoạt động này cho đến khi chiến dịch của Israel ở Gaza dừng lại.

Tuyên bố trên cho thấy sự nhất quán trong các phát ngôn đã được đưa ra từ các phe phái khác trong "Trục kháng chiến", bao gồm Hezbollah của Lebanon, Lực lượng kháng chiến Hồi giáo và phong trào Ansar Allah ở Iraq, Syria, hay nhóm Houthi của Yemen.