Thủ tướng khảo sát các công trình trọng điểm tại Nghệ An
Tại dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất với Chính phủ chấp thuận điều chỉnh công suất Cảng Hàng không Quốc tế Vinh trong dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành quy hoạch đến năm 2030 có công suất khoảng 12 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 có công suất khoảng 15 triệu hành khách/năm.
Sau khi khảo sát tại thực địa, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí với đề xuất của UBND tỉnh Nghệ An và Bộ Giao thông Vận tải về việc mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh. Thủ tướng yêu cầu phải có tầm nhìn chiến lược, nghiên cứu phát triển Cảng hàng không Vinh đồng bộ, lâu dài, linh hoạt khi vận hành, sử dụng trong mọi hoàn cảnh, điều kiện; đề nghị huy động nguồn lực đầu tư mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tại dự án Cảng nước sâu Cửa Lò, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng Cửa Lò có 6 bến, trong đó có 4 bến đang hoạt động, được thiết kế cho cỡ tàu 1 vạn tấn và 2 bến còn lại được thiết kế cho tàu 3 vạn tấn. Lâu nay, cảng Cửa Lò đang gặp phải vướng mắc là hệ thống luồng lạch chưa được khơi thông, nạo vét bảo đảm độ sâu từ 8 - 9m, nên tàu vận tải hàng lớn trên dưới 30.000 DWT không thể ra, vào. Mặt khác, do hạ tầng kỹ thuật đường bộ, hệ thống luồng lạch chưa phát triển tương xứng, nên chưa thể phát huy hết công suất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc đầu tư mở rộng cảng sẽ tạo không gian phát triển tốt hơn cho TP Vinh kết nối đến Thị xã Cửa Lò. Theo Thủ tướng, điều kiện của Nghệ An giờ đã khác trước nên nếu không có cảng nước sâu thì phát triển công nghiệp rất khó. Có cảng nước sâu cùng với sân bay, đường bộ cao tốc, đường sắt, Nghệ An sẽ có hạ tầng đồng bộ, có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Dự án đường ven biển đi qua 5 địa phương của tỉnh Nghệ An gồm thị xã Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò, có tổng chiều dài gần 80 km, tổng mức vốn đầu tư 4.651 tỷ đồng; Thủ tướng Chính phủ thăm hỏi, động viên công nhân đang thi công trên công trường. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Nghệ An và các bộ, ngành liên quan phải thúc đẩy tiến độ dự án, đảm bảo giải ngân theo kế hoạch, thậm chí vượt kế hoạch để tuyến đường sớm hoàn thành, đi vào khai thác; cùng với đó giám sát để việc xây dựng công trình đảm bảo chất lượng và mỹ thuật. Vì, khi có tuyến đường này, cùng với cảng biển, sân bay, nhiều nhà đầu tư sẽ tìm đến đầu tư, theo đó các huyện, thị xã ven biển của tỉnh sẽ phát triển, tỉnh sẽ giàu mạnh.
Thủ tướng đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, chủ đầu tư, nhà thầu phải phối hợp giao ban để xử lý kịp thời các vướng mắc. Tỉnh Nghệ An chú ý cung ứng nguyên vật liệu cho dự án. Các đơn vị thi công tổ chức tăng ca, tăng kíp; chăm sóc sức khỏe, động viên công nhân làm việc; thanh toán tiền công đầy đủ, kịp thời cho công nhân.
Trước đó, Thủ tướng và đoàn công tác đã tới khảo sát dự án hồ thủy lợi Bản Mồng – công trình thủy nông lớn nhất Nghệ An, được phê duyệt từ năm 2009 với kinh phí 3.700 tỷ đồng, hiện đã hoàn thiện được 95% công trình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, một trong những nguyên nhân dẫn tới dự án kéo dài, không đúng tiến độ, không hoàn thành dứt điểm, gây lãng phí là do việc phân bổ vốn đầu tư công dàn trải, manh mún, không trọng tâm, trọng điểm. Thực tiễn đang đặt ra bài toán khi có khoảng trống về pháp lý liên quan tới Luật Đầu tư công, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các quy định của pháp luật, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét phương án xử lý các vướng mắc về mặt pháp lý. Đồng thời, các bên liên quan triển khai công việc cần thiết theo quy định để khẩn trương hoàn thành trong thời gian sớm nhất hệ thống kênh mương để phát huy hiệu quả của dự án.
Thủ tướng tri ân các anh hùng, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng Trong chuyến thăm và công tác tại Nghệ An, ngày 23-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa, dâng lễ trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Kim Liên, huyện Nam Đàn; Dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích Quốc gia Truông Bồn, huyện Đô Lương; Viếng hương tại Nghĩa trang Quốc tế Việt Lào, huyện Anh Sơn. Thủ tướng cùng đoàn đã đến thăm bà Nguyễn Thị Tám (1940, tại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn). Bà là vợ của liệt sĩ Nguyễn Sỹ Việt, hy sinh ngày 8-1-1971 tại mặt trận phía Nam, hiện chưa tìm thấy mộ. Tiếp đó, Thủ tướng và đoàn công tác cũng thăm ông Bùi Đôn (1927, trú tại xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn). Ông Đôn là cán bộ tiền khởi nghĩa; đồng thời là cán bộ hưu trí, đảng viên 75 năm tuổi Đảng. Tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm tại Nhà thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ; Tượng đài các anh hùng liệt sĩ; kính cẩn nghiêng mình bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì tình hữu nghị quốc tế cao cả tại các mặt trận ở chiến trường nước bạn Lào. Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào được xây dựng từ năm 1976, trên diện tích gần 7 ha và là nghĩa trang lớn nhất quy tập phần mộ các liệt sĩ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Đến nay, nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 phần mộ liệt sĩ thuộc 47 tỉnh, thành trên cả nước hy sinh trên chiến trường nước bạn Lào về an nghỉ. Đây cũng là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia Việt Nam – Lào và là công trình biểu tượng cho tình đoàn kết thủy chung, son sắt của hai dân tộc anh em. Tối cùng ngày, Thủ tướng dự Chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất diệt”. Dịp này, Thủ tướng đã trao tặng 20 căn nhà tình nghĩa tới người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Anh Sơn. |
Dương Hóa