Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả PCCC và CNCH
Đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an. Dự Hội nghị có đồng chí Trần Văn Sơn - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến điểm cầu tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị định số 83/CP, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, trong 5 năm (từ 2017 - 2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại ước tính 7.043 tỷ đồng và 7.548 ha rừng. Ngoài ra, xảy ra 2.769 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy, không thuộc diện phải thống kê. Cũng trong 5 năm, cả nước xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, bị thương 190 người, thiệt hại về tài sản 1,14 tỷ đồng. Đáng chú ý, cháy và thiệt hại do cháy gây ra vẫn tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh (chiếm hơn 45% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm hơn 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, chiếm trên 45% tổng số vụ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng cho biết, trong 5 năm (2017-2022), lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động 235.208 lượt CBCS và 30.435 lượt phương tiện tham gia tổ chức CNCH đối với 17.938 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người; tìm được 3.350 thi thể nạn nhân bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý. Trong quá trình tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, với tinh thần xung phong không ngại hiểm nguy, luôn sẵn sàng tiếp nhận và hoàn thành nhiệm vụ cứu người bị nạn và dập tắt đám cháy; đã có 8 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ hy sinh và nhiều đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng nêu các giải pháp, nhiệm vụ PCCC trong thời gian tới, trong đó, trọng tâm là hoàn thiện dự thảo một số dự án Luật có liên quan đến công tác PCCC và CNCH để trình Quốc hội xem xét thông qua,hoàn thiện dự thảo một số dự án Luật có liên quan đến công tác PCCC và CNCH để trình Quốc hội xem xét thông qua; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân tự giác chấp hành; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác PCCC và CNCH; khắc phục dứt điểm những hạn chế, thiếu sót về đảm bảo an toàn PCCC, nhất là quản lý sử dụng điện...
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo công tác PCCC thuộc lĩnh vực, địa phương mình, đánh giá, nguyên nhân hạn chế, tồn tại và nêu các biện pháp giải quyết. Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết, UBND thành phố luôn xác định rõ: “Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; mọi hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ”. Trong 5 năm qua trên địa bàn TP đã xảy ra 946 vụ cháy nổ, làm chết 5 người, bị thương 7 người, thiệt hại tài sản khoảng 56 tỷ đồng; tiếp nhận 283 sự cố tai nạn trong đó đã tổ chức cứu nạn cứu hộ 268 vụ, cứu được 127 người, đã tìm được 97 thi thể và đa số các trường hợp này là tự tử.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách sửa đổi bổ sung về xã hội hóa huy động các nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC và CNCH; cải tiến và đầu tư trang thiết bị phương tiện PCCC và CNCH hiện đại bảo đảm được trong tình hình hiện nay. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương lồng ghép kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH vào các chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học; Đề nghị sớm hoàn thành quy hoạch về cơ sở PCCC trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 để triển khai tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong đầu tư giao thông, nguồn nước, mạng lưới thông tin liên lạc cho công tác PCCC và CNCH.
Đối với ngành chức năng tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo thực hiện tổng kiểm tra về phòng cháy chữa cháy trên tất cả lĩnh vực, chú trọng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ karaoke trên địa bàn, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm, đình chỉ các cơ sở vi phạm nghiêm trọng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả mà các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã đạt được trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt, Thủ tướng trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự xả thân, hy sinh, quên mình của lực lượng Công an nhân dân nói chung, các lực lượng tham gia nhiệm vụ PCCC, CNCH nòng cốt là lực lượng cảnh sát PCCC nói riêng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, không quản ngại khó khăn, hy sinh, gian khổ để thực hiện nhiệm vụ cao cả, vì sự bình yên của cuộc sống, vì tính mạng của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng cũng thẳng thắn, khách quan, nghiêm túc nhìn nhận công tác PCCC, CNCH còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập, để xảy ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cần khẩn trương, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, khắc phục. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP, đến nay mới có 3 Bộ (Công an, Giao thông vận tải, Tư pháp) và 40/63 địa phương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.
Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước không ít nơi bị buông lỏng, lỏng lẻo, các lực lượng chưa phối hợp chặt chẽ với nhau; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm các tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật PCCC chưa nghiêm, chưa quyết liệt, chưa đủ sức răn đe, còn nhiều nơi làm hình thức, chiếu lệ, qua loa, chưa mang lại hiệu quả. “Tôi lưu ý là nhiều vụ gây chết nhiều người xảy ra tại cơ sở kinh doanh karaoke; tại Hà Nội, nhiều vụ cháy quán karaoke xảy ra tại quận Cầu Giấy. Chúng ta phải suy nghĩ về các số liệu, mất mát nói trên, về những địa bàn, khu vực, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy để tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm, tìm ra biện pháp phòng ngừa, xử lý. Khi các vụ cháy xảy ra nhiều lần trên một địa bàn, một lĩnh vực thì phải kiểm điểm, xác định tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm kỷ luật trước Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng nêu rõ.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: Tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng để nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Kiện toàn, củng cố các lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư, cơ sở.
Tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo sự cố, tai nạn...). Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Xây dựng, kiện toàn lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo đúng tinh thần Nghị quyết 12-NQ/TW của Bộ Chính trị. Khẩn trương nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các công nghệ cao, công nghệ chữa cháy tự động vào hoạt động PCCC.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành liên quan và các địa phương. Thủ tướng yêu cầu ngay sau Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức, quán triệt quan điểm, tiếp thu các ý kiến, đề xuất tại Hội nghị, xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về vấn đề này, triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả, nâng cao hiệu quả PCCC, cứu hộ, cứu hạn, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ thời gian tới.
M.VINH