Thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác, phát triển giữa Đà Nẵng và Quảng Nam

Thứ ba, 01/12/2020 08:40

Ngày 30-11 tại Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức buổi làm việc nhằm thúc đẩy trao đổi hợp tác, phát triển giữa hai địa phương. 

Thường trực Thành ủy Đà Nẵng (bên phải) tặng quà lưu niệm cho Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam. 

Chuyển biến tích cực tại các dự án kết nối

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo 2 địa phương, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã phối hợp, triển khai thực hiện Kết luận số 26 ngày 27-4-2016 và Thông báo kết luận số 385 ngày 30-5-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam bước đầu đạt được một số kết quả tích cực trong công tác liên kết, hợp tác, hỗ trợ phát triển kinh tế, du lịch, xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản, phát triển giáo dục, y tế, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh...

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi làm việc.

Một trong số các nội dung hợp tác, phát triển được 2 địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện thời gian qua là dự án đầu tư xây dựng làng Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tại P. Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và P. Điện Ngọc (TX Điện Bàn, Quảng Nam). Theo ông Lê Trung Chinh, ngày 13-7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng ĐHĐN, quy mô dự án là 300 ha, gồm 110 ha thuộc TP Đà Nẵng và 190 ha thuộc tỉnh Quảng Nam; với tổng số khoảng 60 ngàn sinh viên. Ngày 27-8-2020, Chính phủ cũng đã ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho ĐHĐN tại Hòa Quý - Điện Ngọc.

Về công tác giải phóng mặt bằng, theo ông Chinh, đến nay đã hoàn thành giải phóng gần 39 ha phần đất quy hoạch trên địa bàn TP Đà Nẵng và tiếp tục giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại là hơn 71 ha. Về phần diện tích đất quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo kế hoạch triển khai và xây dựng khu tái định cư đủ đáp ứng nhu cầu tái định cư cho toàn bộ diện tích quy hoạch cần giải tỏa. “Tuy nhiên dự án chậm triển khai do nhu cầu kinh phí lớn, vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng với diện tích, quy mô và số hộ dân bị ảnh hưởng tương đối lớn”, ông Chinh cho biết.

Liên quan đến dự án khơi thông sông Cổ Cò, UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Quyết định số 27 ngày 4-5-2019 về việc thành lập Ban Điều phối dự án khơi thông sông Cổ Cò; lãnh đạo 2 địa phương đã có 2 phiên họp về chương trình đầu tư trên sông Cổ Cò, trong đó đã thống nhất ranh giới dự án Nạo vét sông Cổ Cò đoạn qua tỉnh Quảng Nam sẽ được tỉnh Quảng Nam thực hiện khơi thông theo quy hoạch được duyệt.

Ông Chinh cho biết, đoạn qua TP Đà Nẵng, hiện nay đã đầu tư nạo vét sông và xây dựng 3 cầu, tuy nhiên có một số đoạn nạo vét chưa hoàn chỉnh, một số cầu có tĩnh không thông thuyền thấp chưa đạt tiêu chuẩn sông cấp IV, chưa lập quy hoạch phát triển không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan dọc hai bên bờ sông, đặc biệt là 2 tuyến đường ven sông. Kế hoạch vốn năm 2020 bố trí gần 179 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương 32 tỷ đồng, ngân sách trung ương gần 147 tỷ đồng.

Đoạn qua tỉnh Quảng Nam với chiều dài 19,5km được chia làm 2 đoạn. Từ Km0 đến Km14, đến nay đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3259 ngày 31-10-2018 với tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng (vốn Trung ương hơn 341 tỷ đồng, ngân sách địa phương và các nguồn khác gần 509 tỷ đồng), thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2022. Đoạn còn lại từ Km14+00 - Km19+500 được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3305 ngày 26-11-2020 với tổng mức đầu tư hơn 380 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2015-2022. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã giao Sở Xây dựng tỉnh triển khai kiểm tra rà soát, lập quy hoạch kiến trúc cảnh quan dọc hai bên bờ sông phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông, du lịch và quy hoạch chung 2 địa phương; UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ và dự toán thiết kế đô thị (1/2000) tuyến ven biển, tuyến ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến TP Hội An tại Quyết định số 3518 ngày 5-11-2019. Đến nay, Quảng Nam đã đầu tư 1 cầu (Đế Võng), đang đầu tư xây dựng 3 cầu/12 cầu; tất cả các cầu đầu tư đảm bảo tĩnh không thông thuyền sông cấp IV...

Các ngành, địa phương cần chủ động phối hợp hơn

Liên quan đến vấn đề này, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, 2 địa phương cần thống nhất quan điểm với nhau, là phải khơi thông toàn tuyến, khớp nối sông Cổ Cò. Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị cần quan tâm đến vấn đề nhiễm mặn tại Đà Nẵng và vùng phụ cận. Đồng thời chú ý đến quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông. “Mặc dù lãnh đạo 2 địa phương đã chỉ đạo việc này lâu rồi, nhưng đến nay vẫn thiếu sự phối kết hợp giữa các ngành, các địa phương giáp ranh. Việc khớp nối toàn tuyến phải trên nguyên tắc, đã là một con sông mà cả 2 địa phương cùng nhau đầu tư, phát triển, đưa vào khai thác chung thì không phân biệt ranh giới hành chính. Nếu chúng ta phân biệt ranh giới hành chính thì công tác quy hoạch sẽ bị xé lẻ, không đảm bảo tính hệ thống. Toàn tuyến phải quy hoạch thống nhất, nơi nào là bến thuyền, nơi nào dừng chân, có bao nhiêu điểm, cây xanh, bãi đỗ xe, nơi ẩm thực, bán hàng lưu niệm... ra sao. Mình không chỉ nói đơn giản một việc là chỉ khơi thông sông Cổ Cò”, ông Thanh nói.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường phát biểu tại buổi làm việc.

Về xây dựng làng ĐHĐN, ông Thanh bày tỏ thống nhất cao và cho biết, 2 địa phương cũng rất nỗ lực trong xúc tiến dự án này. Cho rằng, Quảng Nam thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư (TĐC) cũng tương tự cơ chế như Đà Nẵng đã và đang làm. Theo đó, sẽ chủ động đầu tư các khu TĐC, cùng với ngân sách Trung ương, Quảng Nam sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng và sau đó thu tiền sử dụng đất thông qua bố trí TĐC... “ĐHĐN cũng phải có lộ trình cụ thể để phát triển các trường đại học phía Quảng Nam, cái nào làm trước, cái nào làm sau, bao giờ làm đều phải có lộ trình chi tiết, lúc đó Quảng Nam sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu TĐC tương ứng với từng hạng mục”, ông Thanh nói.

Theo ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, dự án ĐHĐN đã “treo” 20 năm, đến nay đã tái khởi động. Vì vậy, về giá đền bù giải phóng mặt bằng, 2 địa phương phải thống nhất mức giá chung, liền kề. Còn về TĐC, ông Cường cho biết “Đà Nẵng làm thế nào Quảng Nam làm tương tự để tạo sự đồng thuận”. Về dự án khơi thông toàn tuyến sông Cổ Cò, ông Cường nhìn nhận, phía Đà Nẵng cơ bản ổn. Tuy nhiên để thống nhất chung, 2 địa phương cần xem xét điều chỉnh một số hạng mục để khớp nối đồng bộ (quy hoạch các khu đô thị, hạ tầng giao thông, khai thác du lịch)... Ông Cường đề nghị, 2 địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ, làm thế nào để đến năm 2025, nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ đưa vào khánh thành công trình trọng điểm này.

Đồng quan điểm với ông Cường về dự án sông Cổ Cò, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ biết, về cơ bản, Đà Nẵng đã hoàn thành các hạng mục quan trọng, chỉ còn vài việc còn lúng túng là bởi không biết Quảng Nam có quyết tâm như thế nào. Đơn cử như đoạn qua Đà Nẵng có 3 cây cầu, nếu Quảng Nam quyết tâm đến 2025 làm cùng lúc 12 cầu thì Đà Nẵng cũng sẽ có kế hoạch để nâng cấp, xây dựng các cầu qua địa phận Đà Nẵng đồng bộ giữa 2 bên.

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị 2 Ban Thường vụ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, bài bản hơn nữa để thực hiện 14 nội dung mà 2 bên thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác, phát triển trong thời gian đến; trong đó cần đặc biệt chú ý đến nội dung phối hợp trong công tác xây dựng Đảng. Thống nhất với các ý kiến đề xuất của các sở, ngành và lãnh đạo 2 địa phương, trong đó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng thống nhất cao với ý kiến 2 địa phương phải có những công trình để chào mừng các mốc, sự kiện quan trọng như khơi thông toàn tuyến sông Cổ Cò vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; hay khánh thành cầu qua sông Yên kết nối Đà Nẵng với Quảng Nam nhân kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh, thành phố... “Đầu việc hợp tác, phát triển thì rất nhiều, nhưng khi chúng ta kiểm điểm, rà soát lại thì còn rất nhiều hạn chế, trong đó nổi lên là sự chủ động của các cơ quan chức năng 2 địa phương”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nói. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, Ban cán sự Đảng UBND TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam phải chịu trách nhiệm tổ chức triển khai 13 đầu việc, nội dung tiếp tục hợp tác; riêng Ban Thường vụ Thành ủy và Tỉnh ủy chịu trách nhiệm nội dung về công tác phối hợp trong xây dựng Đảng...

D.HÙNG