Thuế đối ứng của Mỹ chính thức có hiệu lực

Thứ năm, 10/04/2025 05:40

Mức thuế đối ứng mà Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với hàng chục nền kinh tế thế giới đã có hiệu lực vào lúc 0h01 ngày 9-4 (theo giờ Mỹ, tức 11h01 theo giờ Việt Nam).

Một tàu chở container ở Los Angeles, California (Mỹ) ngày 4-4-2025. Ảnh: Getty Images
Một tàu chở container ở Los Angeles, California (Mỹ) ngày 4-4-2025. Ảnh: Getty Images

Theo đó, tất cả hàng hóa nhập khẩu từ 86 nước đều sẽ bị áp thuế quan cao hơn, phân bổ từ 11-84%. Trong số các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ, Trung Quốc chịu mức thuế cao hơn. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận mức thuế tổng cộng 104% chính thức áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 9-4. Mức thuế này gồm 34% thuế đối ứng mà Tổng thống Trump công bố hôm 2-4 vừa qua, cùng 20% thuế cơ sở đã áp dụng và mức phạt bổ sung 50% mà ông Trump tuyên bố ngày 7-4 sau khi Trung Quốc không rút lại thuế trả đũa 34% đối với hàng hóa Mỹ.

Hai đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản chịu mức thuế đối ứng lần lượt là 25% và 24%. Mức này đối với hàng hóa của Campuchia là 49%, trong khi đối với Thái Lan là 36%. Còn mức thuế đối ứng với Liên minh châu Âu (EU) là 20%.

Trong khi đó, theo kênh NBC News, Tổng thống Trump đã chính thức ký một sắc lệnh hành pháp vào ngày 8-4 nhằm tăng gấp ba mức thuế đối với các kiện hàng có giá trị dưới 800 USD được gửi từ Trung Quốc. Theo đó, các kiện hàng dưới 800 USD từ Trung Quốc giờ đây sẽ chịu mức thuế 90% giá trị hoặc 75 USD, tăng gấp ba lần so với mức 30% hoặc 25 USD mà Tổng thống Trump đã công bố vào ngày 2-4.

Mỹ thu 2 tỷ USD mỗi ngày nhờ thuế quan

Trong một sự kiện ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump gọi chính sách thuế nhập khẩu đối ứng là yếu tố “bùng nổ” trong chiến lược kinh tế của mình, đang giúp Mỹ thu về 2 tỷ USD mỗi ngày. "Thuế đối ứng là một trong những yếu tố then chốt trong chính sách kinh tế của tôi, giúp nước Mỹ thu về 2 tỷ USD mỗi ngày. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn đang cân nhắc di dời nhà máy sản xuất trở về Mỹ để tránh bị đánh thuế cao. Tiền đang đổ vào nước Mỹ với tốc độ chưa từng thấy", Tổng thống Trump cho biết ngày 8-4.

Báo cáo hàng ngày của Bộ Tài chính về các khoản tiền gửi vào và rút từ tài khoản chung của họ, tài khoản hoạt động chính của chính phủ liên bang, cho thấy các khoản tiền gửi vào từ “thuế hải quan và một số thuế tiêu thụ đặc biệt” đã đạt trung bình khoảng 200 triệu USD mỗi ngày tính từ đầu tháng đến nay.Trong tháng 2, hiện đã có đầy đủ thông tin, Bộ Tài chính thu về khoảng 7,25 tỷ USD từ thuế. Báo cáo tháng 3 sẽ được công bố vào ngày 10-4.

Ông Trump cũng tuyên bố Mỹ sẵn sàng đàm phán thỏa thuận thương mại được "thiết kế riêng" cho từng đối tác. Nhà Trắng ngày 8-4 thông báo gần 70 quốc gia đã chủ động liên hệ với chính quyền Tổng thống Trump để khởi động các cuộc đàm phán nhằm giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới của ông. Trong số hàng chục quốc gia đang tìm kiếm cơ hội đàm phán, 2 đồng minh thân cận của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản được Tổng thống Trump ưu tiên hàng đầu.Thư ký báo chí Karoline Leavitt cho hay, Tổng thống Trump đã gặp nhóm cố vấn thương mại vào ngày 8-4 và yêu cầu xây dựng các thỏa thuận "được thiết kế riêng" cho từng quốc gia liên hệ đàm phán. Thỏa thuận này có thể bao gồm các khía cạnh liên quan đến viện trợ nước ngoài, sự hiện diện của quân đội Mỹ và mức độ sẵn sàng chi trả của các quốc gia đó để được Mỹ đảm bảo an ninh.

Người Mỹ đổ xô tích trữ hàng hóa

Theo Quỹ Thuế (Tax Foundation) -một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận và phi đảng phái - các mức thuế mới được Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khiến người dân nước này thiệt hại tổng cộng 3.100 tỷ USD trong 10 năm tới, tương đương mỗi hộ gia đình phải gánh thêm khoảng 2.100 USD tiền thuế chỉ riêng trong năm 2025.

Dù nhiều người tiêu dùng vẫn chọn cách chờ đợi xem các diễn biến tiếp theo ra sao, không ít người lo ngại rằng bất kỳ đợt mua sắm hoảng loạn nào cũng có thể kích hoạt làn sóng tích trữ hàng hóa quy mô lớn, do kỳ vọng lạm phát sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Ông Manish Kapoor, nhà sáng lập công ty quản lý chuỗi cung ứng GCG gần Los Angeles, cho biết các mức thuế mới đang làm dấy lên ký ức về những kệ hàng trống trơn trong thời kỳ đại dịch, khi chuỗi cung ứng đứt gãy đã gây ra tình trạng thiếu hàng và lạm phát. Ông Kapoor nói: “Chúng ta đã chứng kiến điều đó trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi mọi người đổ xô lấy tất cả mọi thứ trên kệ, bất kể họ có thực sự cần hay không. Tình hình chưa đến mức đó, nhưng mọi người đang lo ngại giá hàng hóa sẽ tăng và vì thế, họ muốn tích trữ”.

Ông Angelo Barrio, 55 tuổi, một cựu nhân viên ngành may mặc, cho biết từ tháng 11 năm ngoái, ông Barrio đã bắt đầu mua các mặt hàng có thời hạn sử dụng lâu dài vì lo sợ các nhà bán lẻ sẽ chuyển phần chi phí thuế sang người tiêu dùng. Tại đại lý ô-tô Valley Subaru ở Longmont, bang Colorado, doanh số đã tăng vọt trong vài tuần gần đây. Quản lý kinh doanh Nic Chuenchit cho biết, ông không rõ bao nhiêu phần trong số đó là do người tiêu dùng lo ngại mức thuế 25% đã có hiệu lực từ ngày 3-4 đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc.

EU công bố danh sách các sản phẩm Mỹ bị đánh thuế đáp trả

Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức công bố danh sách các sản phẩm của Mỹ sẽ bị áp thuế quan trả đũa, đánh dấu bước leo thang mới trong căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương.Giai đoạn đầu tiên của “chiến dịch phản công” này là việc công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ sẽ bị áp thuế quan từ 10-25% khi vào EU. Danh sách này được các quốc gia thành viên EU thông qua trong ngày 9-4, trong đó có hàng loạt mặt hàng nông sản như đậu nành, gia cầm, gạo, hạnh nhân, trái cây, nước cam và thuốc lá, cũng như các sản phẩm công nghiệp như gỗ, xe máy, sản phẩm nhựa, mỹ phẩm, quần áo và thiết bị điện.

Các loại thuế quan trả đũa này dự kiến sẽ có hiệu lực vào tuần tới, tùy vào sự chấp thuận cuối cùng của các quốc gia thành viên EU. Đây được xem là phản ứng trực tiếp với các mức thuế mà Mỹ đang áp đối với thép và nhôm của EU, nhưng đồng thời cũng là sự chuẩn bị cho vòng đối đầu tiếp theo liên quan đến ngành ô-tô và toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ EU.Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định khối này không mong muốn leo thang căng thẳng thương mại, nhưng cũng tuyên bố sẽ không ngồi yên khi bị tấn công kinh tế. Trong khi vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán, EU đang âm thầm chuẩn bị mọi phương án để bảo vệ thị trường và chuỗi cung ứng của mình.

Các nước tìm cách ứng phó

Một ngày trước khi thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho biết nước này sẽ lập một tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đối phó với các mức thuế quan mới sâu rộng của Mỹ.

Ngân hàng trung ương New Zealand quyết định hạ lãi suất chủ chốt để ứng phó với tác động tiềm tàng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ. Đây là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới có động thái sau khi Mỹ công bố chính sách thuế quan mới khiến thị trường thế giới chao đảo. "Việc tăng thuế quan gần đây và sự bất ổn về chính sách thương mại toàn cầu đã làm suy yếu triển vọng hoạt động kinh tế toàn cầu", Ngân hàng trung ương New Zealand cho biết.

Chính phủ Hàn Quốc ngày 9-4 công bố các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho ngành công nghiệp ô tô - một trong những trụ cột xuất khẩu chính của nước này - nhằm giảm tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ. Các biện pháp này bao gồm hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp ô-tô cũng như cắt giảm thuế, hỗ trợ giá để thúc đẩy nhu cầu trong nước, trong khi chính phủ cũng cam kết nỗ lực đàm phán với Mỹ và giúp mở rộng thị trường. Cụ thể, để giúp ngăn ngừa mọi vấn đề về thanh khoản, chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng hỗ trợ tài chính chính sách cho ngành công nghiệp ô-tô lên 15 nghìn tỷ won (10,18 tỷ USD) vào năm 2025 từ mức 13 nghìn tỷ won đã lên kế hoạch trước đó. Chính phủ Hàn Quốc sẽ giảm thuế mua ô-tô từ mức 5% hiện tại xuống còn 3,5% cho đến tháng 6 và tăng trợ cấp xe điện lên 30%-80% từ mức 20%-40% hiện tại cho đến cuối năm nay. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ tích cực hỗ trợ nỗ lực của các nhà sản xuất ô-tô nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu ở "Nam bán cầu", tức các nước ít phát triển hơn ở châu Phi, châu Mỹ La-tinh và châu Á, nơi nhu cầu đang tăng lên.

Phản ứng của thị trường

Các chỉ số trên thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục đà giảm trong bối cảnh nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn trước "bão" thuế quan. Theo số liệu của Bloomberg, kết thúc phiên giao dịch sáng nay 9-4, chỉ số Nikkei trên thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm 4,7%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1,55% sau khi giảm gần 4% trong phiên. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2%, lần đầu tiên dưới mốc 2.300 điểm kể từ tháng 11-2023. Tính từ tháng 7 năm ngoái, chỉ số Kospi đã giảm 20%.

Trên thị trường hàng hóa, giá dầu thô giảm 4% xuống thấp nhất 4 năm do lo ngại nhu cầu tiêu thụ từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giảm.Theo Guardian, giá vàng tăng hơn 28 USD, lên 3.010 USD/ounce.Vàng tiếp tục trở thành tài sản trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán mất điểm do lo ngại ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ.

AN BÌNH

Thế giới phản ứng tích cực về quyết định hoãn thuế đối ứng của Tổng thống Trump

Dư luận bên trong nước Mỹ đã có những phản ứng tích cực sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 đối tác thương mại. Nhiều nhà lãnh đạo và giới chức quốc tế cũng lên tiếng hoan nghênh quyết định tạm dừng thuế quan.

Việt Nam - Hoa Kỳ nhất trí khởi động đàm phán một thoả thuận thương mại đối ứng

Chiều 9/4 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer.

Tổng thống Trump hoãn áp thuế 90 ngày, tăng thuế với Trung Quốc lên 125%

Trong một động thái bất ngờ, ngày 10/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, trong khi tăng thuế đối với hàng hoá Trung Quốc lên 125%.