Thường trực HĐND thành phố tham gia hội thảo do Ban Công tác đại biểu Quốc hội tổ chức

Chủ nhật, 26/11/2023 10:08
Sáng ngày 25-11, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Công tác đại biểu - Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ban Chủ nhiệm đề tài đã tổ chức Hội thảo “Thực tiễn cơ chế thực thi pháp luật hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân”. Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp; đại diện lãnh đạo HĐND các tỉnh Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Hà Nam, các chuyên gia, nhà khoa học…, về phía Thường trực HĐND thành phố có đồng chí Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch HĐND thành phố tham gia Hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch HĐND thành phố tham gia phát biểu tại Hội thảo
Toàn cảnh buổi Hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm triển khai thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2023 của Đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả họat động giám sát của HĐND” do Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh làm Chủ nhiệm. Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, giám sát là chức năng quan trọng của HĐND nhằm bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Trong những năm qua, hoạt động giám sát của HĐND ngày càng hiệu quả, thu được nhiều kết quả quan trọng, đưa công tác giám sát của HĐND các cấp ngày càng đi vào nền nếp, hiệu lực, hiệu quả, khẳng định sự đúng đắn, phù hợp của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trong tiến trình hoàn thiện tổ chức và hoạt động của HĐND.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có hiệu lực, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND được ban hành, hoạt động giám sát của HĐND các cấp được thực hiện bài bản hơn, chất lượng không ngừng được nâng lên. Ngoài ra, một số ý kiến lưu ý, hoạt động giám sát nói chung, giám sát chuyên đề của HĐND còn gặp một số khó khăn, trong đó còn thiếu những quy định cụ thể về quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng được giám sát, thành viên Đoàn giám sát. Các quy định pháp luật về vai trò, chức năng, thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, đại biểu HĐND về hoạt động giám sát còn định tính...

Đồng chí Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch HĐND thành phố tham gia phát biểu tại Hội thảo

Tham gia Hội thảo với tham luận “Cơ chế thực thi pháp luật về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND. Thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật, trọng tâm là pháp luật về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND”, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi đã khẳng định vai trò hết sức quan trọng của Tổ đại biểu HĐND, là “cánh tay nối dài” của HĐND, Thường trưc HĐND, là nơi tổ chức cho đại biểu HĐND thực hiện tiếp xúc cử tri, tiếp cận cơ sở để thực hiện nhiệm vụ giám sát của đại biểu HĐND. Tuy nhiên, với đa số đại biểu HĐND ở các Tổ đại biểu còn hoạt động kiêm nhiệm nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động cũng như chất lượng hiệu quả giám sát chuyên đề mang tính chuyên sâu, sát với thực tiễn của người dân…

Do đó, để hoạt động giám sát của Tổ đại biểu được nâng cao, phát huy vai trò, trong thời gian đến, Thường trực HĐND thành phố tiếp tục chỉ đạo, định hướng và cho ý kiến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của Tổ đại biểu, nhất là trong công tác giám sát, đôn đốc giải quyết các công việc; đồng thời kiến nghị Ban Công tác đại biểu sớm ban hành Quy chế hướng dẫn hoạt động của Tổ đại biểu, làm cơ sở pháp lý để các cấp chủ động và linh hoạt trong xây dựng quy chế hoạt động, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đáp ứng nguyện vọng của cử tri; cũng như tăng cường thêm số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, uỷ viên chuyên trách làm nhiệm vụ Tổ trưởng các Tổ đại biểu để thực hiện viẹc kiêm nhiệm chức năng của đại biểu quận, phường sau khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường…

Ngoài ra, tại Hội thảo cũng đã có 11 ý kiến tham gia của các đại biểu, các chuyên gia tham gia kiến nghị cần rà soát, hoàn thiện hệ thống luật về HĐND (Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND...), các luật liên quan đến hoạt động của HĐND (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư công, Luật Kiểm toán Nhà nướcc, Luật Thanh tra, Luật Ngân sách nhà nước...) để tạo ra một hành lang pháp lý với cơ chế hoạt động mang tính hiệu quả, hiệu lực hơn; cần quy định cụ thể chế tài xử lý đối với các cá nhân, tập thể không thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát; bổ sung các quy định về mời chuyên gia, tổ chức tư vấn đánh giá độc lập để giúp cho việc tổ chức giám sát chuyên sâu từng vấn đề, trong đó nêu cụ thể tiêu chuẩn, kinh phí chi trả thù lao; nghiên cứu bổ sung quy định về giá trị pháp lý của báo cáo giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND…

Nguyễn Thị Thảo