Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù
Kỳ họp thứ 19 của HĐND TP Đà Nẵng khai mạc hôm 29-7 đã thảo luận, cho ý kiến nhiều chủ trương quan trọng, có tác động lớn, trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân thành phố. Trong đó, trọng tâm là việc bàn thảo, đưa ra các giải pháp thực hiện mô hình chính quyền đô thị và thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố trong thời gian tới.
Nỗ lực vượt qua thách thức
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, thời gian qua thành phố đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chủ đề năm 2024, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp; thúc đẩy và làm mới các sản phẩm du lịch, dịch vụ. Nhờ đó, kinh tế thành phố có sự tăng trưởng với nhiều kết quả khả quan (GRDP quý II/2024 tăng trưởng 8,35%, 6 tháng tăng trưởng 5,0%; thu ngân sách đạt 13.589 tỷ đồng, bằng 70,3% dự toán và tăng 31,7% so với cùng kỳ). Lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh;an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế thành phố phục hồi chưa đồng đều và còn nhiều khó khăn, hạn chế kéo dài chưa được khắc phục. Cụ thể như kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; tiến độ giải tỏa đền bù, triển khai một số công trình, dự án trọng điểm còn chậm; việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng xử lý rác thải không đạt được yêu cầu đề ra, đây là những vấn đề mà dư luận xã hội và cử tri đặc biệt quan tâm thời gian qua.
Theo Chủ tịch HĐND TP Ngô Xuân Thắng, kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng, HĐND TP sẽ thảo luận, bàn bạc cho ý kiến 152 tài liệu, dự kiến thông qua 32 Nghị quyết. Trong đó, xem xét, cho ý kiến về dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2024; kế hoạch vốn đầu tư công 2025 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; cho ý kiến về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Đà Nẵng, đồng thời xem xét chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do thực hiện chủ trương này. Kỳ họp cũng sẽ tiếp tục xem xét, cho ý kiến một số chính sách an sinh xã hội mang tính đặc thù của thành phố như: Hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố năm học 2024-2025; chính sách hỗ trợ chi phí mua điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo… Tại kỳ họp này cũng sẽ dành thời gian để đại biểu thảo luận, thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề: “Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” và “Việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, làm cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra qua giám sát, đồng thời nghiên cứu có các giải pháp, đề xuất các chính sách để thực hiện tốt hơn 02 nội dung này thời gian đến.
Việc cấp bách hiện nay
Ông Ngô Xuân Thắng cho biết, kỳ họp lần này HĐND TP sẽ xem xét, cho ý kiến về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 136 ngày 26/6/2024 của Quốc hội khóa 15 về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị thành phố trong thời gian đến, mang tính đột phá, là điều kiện thuận lợi để khai thác, phát huy những lợi thế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực,tạo động lực tăng trưởng mới, phát triển thành phố nhanh và bền vững.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng cho biết, vấn đề đặc biệt quan trọng và cấp bách hiện nay là triển khai thực hiện Nghị quyết số 136 của Quốc hội. Theo ông Quảng, thành phố chỉ còn 5 tháng nữa là đến thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết số 136 (01-01-2025). Do đó, ông Quảng đề nghị HĐND TP nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của Nghị quyết; đây là cơ sở pháp lý quan trọng, là nền tảng vững chắc để mở ra nhiều cơ hội, động lực mới và các chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố tạo ra các đột phá để thành phố phát triển nhanh và bền vững trong thời gian đến. Tuy nhiên, nhiều vấn đề quy định trong Nghị quyết số 136 là rất mới và chưa có tiền lệ như: khu thương mại tự do; thí điểm cơ chế tài chính; trao đổi bù trừ tín chỉ các bon; thu hút nhà đầu tư chiến lược trong một số ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; chính sách về thử nghiệm có kiểm soát, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… đòi hỏi thành phố phải nghiên cứu kỹ lưỡng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trước mắt, ông Quảng đề nghị HĐND TP, UBND TP khẩn trương xác định các nội dung thuộc thẩm quyền ban hành kế hoạch và thực hiện ngay việc xây dựng, ban hành các văn bản theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền, ban hành để triển khai các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết số 136.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136 thể hiện sự tin tưởng cao của Quốc hội và cử tri cả nước vào sự phát triển của thành phố trong tương lai. Đây cũng là văn bản có ý nghĩa rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý hữu hiệu để Đà Nẵng phát huy tiềm năng, lợi thế, đột phá về kinh tế-xã hội, hiện thực hóa những quan điểm, mục tiêu tại Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị. Theo đó, Đà Nẵng chính thức thực hiện chính quyền đô thị, sẽ được thực hiện thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù bao gồm quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư, quản lý quy hoạch đô thị, tài nguyên môi trường; chính sách ưu tiên, thu hút nhà đầu tư chiến lược, khu thương mại tự do, đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo… Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết với phạm vi chính sách khá rộng, trên nhiều lĩnh vực cũng đặt ra những thách thức rất lớn cho thành phố, đặc biệt là đối với HĐND TP cả về chất lượng ban hành văn bản cũng như tiến độ xây dựng.
Khu thương mại tự do sẽ tạo đột phá cho Đà Nẵng
Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh về các giải pháp triển khai thí điểm thành lập Khu thương mại tự do. Đây là điểm nhấn trong Nghị quyết số 136, là chính sách mang tính đột phá, thể hiện tinh thần đổi mới, dám nghĩ dám làm của thành phố, song cũng là nhiệm vụ rất khó khăn, thử thách lớn, là bước thử nghiệm, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện. Ông Trần Quang Phương đề nghị thành phố cần tập trung ưu tiên nguồn lực, bao gồm ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, có chính sách huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác để đầu tư cơ sở hạ tầng, đặt nền móng cho thu hút đầu tư vào Khu thương mại tự do. Bên cạnh đó, cần áp dụng tối đa những cơ chế đặc thù quy định trong Nghị quyết, như: hình thành Khu phi thuế quan, thực hiện ưu đãi thuế; miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do, ưu đãi hải quan... kết hợp nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm quốc tế trong phát triển mô hình này.
Cũng theo Phó chủ tịch Quốc hội, trong thí điểm cơ chế “một cửa” tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp trong Khu thương mại tự do cần quyết liệt thực hiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hạn chế đến mức thấp nhất chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Theo ông Phương, việc triển khai Khu thương mại tự do là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà còn liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là liên quan đến yếu tố nước ngoài (Như: cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài; thẩm định và chấp thuận nhu cầu sử dụng người nước ngoài; đưa người lao động đi thực tập ở nước ngoài…). Vì vậy, trong tổ chức thực hiện, cần xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan và có cơ chế, hệ thống giám sát định kỳ, thường xuyên.
HẢI QUỲNH
Dịch vụ, du lịch tăng trưởng ấn tượng Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 5% so với cùng kỳ, cao hơn cùng kỳ năm 2023 và mức tăng bình quân của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2020 - 2024.Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng ước đạt 37.484 tỷ đồng, tăng 14,6% so cùng kỳ 2023.Lĩnh vực vận tải duy trì mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ 2023; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 21.818 tỷ đồng, tăng 28,8 %. Trên lĩnh vực xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới đạt 8.415 tỷ đồng; thu hút 24,175 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính đến ngày 30-6-2024, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt hơn 1.840 tỷ đồng, bằng 25,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 20,7% kế hoạch HĐND thành phố giao. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đánh giá, việc tổ chức Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 đã thúc đẩy ngành dịch vụ, du lịch phát triển khá mạnh với nhiều hoạt động, lễ hội, sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Riêng 6 tháng đầu năm, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước 5,14 triệu lượt, tăng 25,6%, doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng hơn 28,4%. Tổng thu ngân sách Nhà nước của thành phố trong 6 tháng đầu đạt 13.589 tỷ đồng, bằng 70,3% dự toán và 131,7% so với cùng kỳ. H.Q |