Tình người còn mãi…

Thứ bảy, 13/04/2019 12:54

“Tôi bây giờ sức khỏe yếu, lý ra phải vào bệnh viện để được chăm sóc nhưng may mắn là mỗi ngày tôi đều tìm được niềm vui từ những công việc thiện nguyện, đó là liều thuốc tinh thần tốt nhất với tôi. Khi cho đi một thứ gì đó, tôi vui một nhưng người nhận vui mười. Vì thế, hãy cứ cho đi để thấy tình người thật ấm áp”, đó là những tâm sự chân thành của ông Nguyễn Công Long (80 tuổi, trú P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng). Người dân bên bờ sông Hàn giờ đây đã quen thuộc với hình ảnh ông Long cưỡi  xe máy kéo theo chiếc thùng mang dòng chữ “Cũ cho, sạch cho- người cần dùng lấy dùng” len lỏi khắp con đường, ngõ phố quyên góp áo quần tặng cho người nghèo, bất hạnh.

Số áo quần này ông Long dự tính sẽ mang tặng bà con nghèo tại H. Nam Giang (Quảng Nam).

Chúng tôi gặp ông Long tại nhà khi ông vừa hoàn thành chuyến thiện nguyện mang áo quần tặng bà con H. Đại Lộc (Quảng Nam). Dù chuyến đi đã “bòn” nhiều sức lực nhưng ông vẫn nở nụ cười đôn hậu: “Vui lắm chú à! Về đó bà con mừng khôn tả, họ đợi lâu nay nhưng giờ tôi mới có dịp đến. Chắc chắn tôi sẽ quay lại đó nhiều lần nữa”. Ông Long kể, đã quen với công việc quyên góp áo quần của người giàu, sẻ chia với người nghèo gần 10 năm nay. Đến bây giờ, không nhớ nổi đã có bao nhiêu hành trình về với bà con nghèo khó nhưng những địa điểm đến thì ông  nhớ như in. Có khi ông về các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, cũng có khi lên tận huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam); rồi những chuyến lên những nơi xa xôi nhất của H. Hòa Vang (Đà Nẵng), thậm chí ra tận TT Huế... Ở đâu, nghe người dân còn thiếu cái mặc là ông lại mang đến cho họ.

  Cơ duyên để ông bắt đầu hành trình thiện nguyện này là một lần ghé H. Đại Lộc, thấy một thợ rèn mặc một tấm áo sờn rách. Hỏi ra mới biết vì nghèo khó nên người thợ rèn không mua nổi áo quần mới để mặc. Khi ông mở lời muốn được tặng áo quần, người thợ rèn đồng ý, ông liền quay về xếp những bộ áo quần còn mới tinh của mình mang lên tặng. “Khi cho đi tự dưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đã làm được một việc có ích cho cộng đồng, xã hội. Từ đó tôi bắt đầu quyên góp áo quần để nhân lên nhiều hơn nữa những hoàn cảnh nghèo khó được giúp đỡ”, ông Long tâm sự. Để việc làm của mình được lan tỏa, ông bỏ ra hơn 5 triệu đồng đóng chiếc thùng có dòng chữ “Cũ cho, sạch cho–người cần dùng lấy dùng” cùng số điện thoại được in đậm. Nhiều người hiểu được thông điệp nên chủ động gọi ông đến tặng áo quần. Bất kể ở đâu, giờ nào ông đều tìm đến nếu nhận được cuộc gọi. Không những thế, chiếc xe ấm áp tình người của ông còn thường xuyên đậu trên các con phố để người dân tiện ủng hộ. “Của cho không bằng cách cho bởi người nghèo cũng có lòng tự trọng. Vì thế, khi mọi người tặng áo quần, tôi cũng có một yêu cầu là tặng đồ cũ nhưng phải sạch và được xếp gọn gàng. Mọi người ý thức được điều đó nên công việc diễn ra trong vui vẻ, thân thiện”, ông Long chia sẻ. Anh Trần Hữu Đông, trú Q. Hải Châu (Đà Nẵng) thường xuyên mang áo quần đến nhờ ông Long chuyển cho người nghèo, cho hay, anh biết ông Long khoảng 5 năm nay. Thấy ông có tấm lòng yêu thương người khó khăn, bất hạnh không một toan tính nên anh rất đồng cảm. Dù rất muốn đồng hành cùng ông trong những chuyến đi tặng áo quần nhưng vì điều kiện công việc không cho phép nên anh chỉ quyên góp từ bạn bè rồi mang đến nhờ ông chuyển hộ.

Hỏi, trong những hành trình về với người nghèo, có những kỷ niệm nào đáng nhớ?, ông trải lòng: “Kỷ niệm đáng nhớ thì rất nhiều vì tôi luôn coi họ là người thân và ngược lại cũng vậy. Có một lần về thôn Giàn Bí (H. Hòa Vang), gặp một cặp vợ chồng mới cưới nhưng chỉ có vỏn vẹn 4 bộ quần áo. Khi được tôi tặng những bộ áo quần đẹp nhất, họ vỡ òa cảm xúc rồi cứ cảm ơn khôn xiết khiến tôi thật sự xúc động. Ngoài ra, những chuyến về với bà con làng Vân (Q. Liên Chiểu) bao giờ cũng đầy ắp tình người. Dù bị bệnh phong nhưng họ rất lạc quan, yêu đời. Giây phút chia tay tôi cứ luyến lưu mãi chẳng muốn rời”. Trước đây, khi còn lái xe, ông Long có thu nhập ổn định nên những chuyến đi ông bỏ thêm tiền túi mua quà tặng cho người nghèo cũng như lo tiền xăng xe đi lại. Những năm gần đây về hưu, ông xin làm bảo vệ cho một công ty tư nhân với lương 3 triệu đồng/tháng nhưng ông vẫn tiếp tục trích 1 triệu đồng cho những việc thiện. Người dân địa phương còn nể phục, kính trọng ông bởi tấm lòng thơm thảo, thường xuyên giúp đỡ bà con hàng xóm khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Bây giờ, khi mắt không còn tỏ, sức khỏe cũng yếu đi nhiều nhưng đều đặn nửa tháng ông lại bắt đầu một chuyến thiện nguyện. Lần này, người đồng hành cùng ông trong những chuyến đi ấy là con trai ông.

THÀNH DANH