Tố Hữu-chiến sĩ, nhà thơ cách mạng kiên cường

Thứ bảy, 03/10/2020 18:11

Ngày 2-10, tại TP Huế; Tỉnh ủy, UBND tỉnh và UBMTTQ Việt Nam tỉnh TT-Huế đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4-10-1920 - 4-10-2020). Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng… cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, tỉnh TT-Huế và đại diện gia đình nhà thơ Tố Hữu.

Đồng chí Võ Văn Thưởng và các đại biểu cắt băng khánh thành công viên văn hóa và khu lưu niệm đồng chí Tố Hữu.

Người cộng sản kiên trung

Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, quê ở xã Quảng Thọ (H.Quảng Điền, TT-Huế), sinh ngày 4-10-1920 tại Hội An. Ngay từ nhỏ, Tố Hữu đã sớm phải chứng kiến những cảnh đời cơ cực, đời sống nhân dân lầm than dưới chế độ thực dân, phong kiến. Từ đó, đồng chí đã sớm nung nấu ý chí căm thù giặc, giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương... Bài diễn văn tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế Lê Trường Lưu cho biết: Năm 13 tuổi, Tố Hữu vào học tập tại Trường Quốc học Huế.  Tại mái trường này, ông đã tiếp cận được tư tưởng của Các Mác, V.I. Lênin và Hồ Chí Minh... Đặc biệt, với sự dìu dắt của các nhà cách mạng Lê Duẩn, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu...; Tố Hữu đã sớm giác ngộ. Năm 1936, Tố Hữu tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản, được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. "Tháng 4-1939, Tố Hữu bị địch bắt, tra tấn dã man và đày đi nhiều nhà lao như Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, ngục Đắk Lay (Kon Tum)... Trong lao tù, đồng chí Tố Hữu vẫn làm thơ động viên tinh thần các chiến sĩ cộng sản. Mỗi bài thơ của Tố Hữu như là một tiếng kèn thôi thúc, như lời mách bảo, nung nấu ý chí, cuốn hút lớp lớp thanh niên đi theo cách mạng, để giành lại độc lập tự do, tương lai tươi sáng cho dân tộc", Bí thư Tỉnh ủy TT- Huế xúc động.

Tháng 3-1942, Tố Hữu  vượt ngục về Thanh Hóa hoạt động, được T.Ư phái vào tổ chức Ủy ban khởi nghĩa ở các tỉnh miền Trung. Ngày 17-8-1945, theo sự chỉ đạo của T.Ư, ông đến Huế cùng Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh thành lập Ủy ban khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở TT-Huế và chuẩn bị mọi mặt để giành chính quyền ở đây. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tố Hữu đã có công lớn trong việc khôi phục lại tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương mà trước đó đã bị địch đàn áp dã man. Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh, ông cùng với Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Huế- Kinh đô của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, đầu não của chính quyền bù nhìn cả nước, là nơi đóng quân và bộ máy tối cao của cố vấn Nhật. Đồng thời, lãnh đạo củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ khi mới được thành lập. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước ta lại bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà. Với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, văn hóa, nhà thơ, Tố Hữu đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, anh dũng và vẻ vang của dân tộc.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ông luôn có mặt ở tiền tuyến như một chiến sĩ xung phong, nhiều lần tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Tây Bắc. Khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Tố Hữu đã không quản ngại gian lao, nguy hiểm, xung phong vào chiến trường miền Nam, đi dọc theo tuyến đường Trường Sơn để viết nên những câu thơ hùng tráng, có sức lay động mạnh mẽ lòng người, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa anh hùng cách mạng của bao lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, Tố Hữu đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng. Trong đó có nhiều năm ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng.

Là người khai sáng, dẫn dắt thơ ca cách mạng Việt Nam

Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế Lê Trường Lưu cho rằng, không chỉ dừng lại ở nhà hoạt động chính trị, Tố Hữu còn là một nhà thơ lớn, có công khai sáng và dẫn dắt nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ của Tố Hữu luôn gắn bó máu thịt với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. "Đó là sự gặp gỡ đẹp đẽ giữa thơ với đất nước, thơ với cách mạng và Đảng, thơ với nhân dân đúng như tâm sự của đồng chí Tố Hữu: "Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi, trăm năm duyên kiếp: Đảng và Thơ". Những tác phẩm của Tố Hữu là những bài ca cách mạng, phản ánh chân thực lịch sử, hừng hực tính chiến đấu và giàu tính trữ tình và có tính tư tưởng cao. Mỗi tập thơ của Tố Hữu đánh dấu một chặng đường lịch sử, từ khi có "Mặt trời chân lý" của Đảng soi rọi từ những ngày đầu hoạt động bí mật ở Huế đến thơ trong lao tù của chế độ thực dân; thơ trong những ngày cách mạng tháng Tám ở Huế đến cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ "máu trộn bùn non"; thơ ở chiến khu Việt Bắc rồi đến thơ trong chiến thắng Điện Biên Phủ... Bài "Hoan hô Chiến sĩ Điện Biên" được ra đời ngay sau những ngày toàn quân và dân dồn sức cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Hay bài Ta đi tới và Việt Bắc là những bài thơ thể hiện niềm vui, niềm tự hào khôn tả của những ngày cùng T.Ư, Đảng và Bác trở lại thủ đô sau 9 năm kháng chiến. Đồng chí Tố Hữu là nhà thơ có nhiều bài thơ hay nhất về Bác Hồ. Tố Hữu đã góp phần khắc họa chân dung, nuôi dưỡng tình yêu thương và niềm tôn kính đối với Bác Hồ trong hàng triệu trái tim thông qua các tác phẩm như: Hồ Chí Minh, Sáng tháng Năm, Bác ơi, Theo chân Bác…

Ngoài những bài thơ yêu nước đậm chất sử thi, thơ Tố Hữu còn là sự chia sẻ, cảm thông những số phận, những cuộc đời đau khổ. Thơ của Tố Hữu là thơ của trái tim đến với trái tim, là tiếng gọi đoàn kết, là sức mạnh tinh thần của nhiều thế hệ con người Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như tập thơ: Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa…

HẢI LAN