Toan tính sai lầm của Trung Quốc khi quấy rối trên Biển Đông

Thứ hai, 27/04/2020 10:04

Tình hình Biển Đông đang ngày càng diễn biến phức tạp do những động thái tuyên bố chủ quyền vô lý và những hành động phi pháp của Trung Quốc tại khu vực đang tranh chấp này trong suốt thời gian qua, nhất là trong bối cảnh cả thế giới đang gồng mình chống đại dịch Covid-19.

Tàu chiến của Mỹ và Australia diễn tập ở Biển Đông. Ảnh: US Navy

Những hành động phi pháp của Trung Quốc đang làm bùng lên những cáo buộc, Bắc Kinh có thể nghĩ rằng, do phải đối phó Covid-19, các nước sẽ phản ứng yếu hơn với những diễn biến ở Biển Đông. Nhưng theo các chuyên gia, Bắc Kinh đã nhầm và trên thực tế họ đang vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ. Tại cuộc họp báo ở Washington trong tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thẳng thắn chỉ trích Trung Quốc lợi dụng cả thế giới đang tập trung chống đại dịch Covid-19 để tiếp tục thực hiện các “hành vi gây hấn” ở Biển Đông đang tranh chấp.

Ngoại trưởng Mỹ nhận định các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây là “gây áp lực quân sự và ức hiếp các nước láng giềng”,  và dẫn chứng việc tàu cá Việt Nam bị đâm chìm. “Mỹ kịch liệt phản đối thói bắt nạt của Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng các nước khác sẽ buộc họ chịu trách nhiệm” - Ngoại trưởng Mỹ nói, cho biết ông sẽ nói chuyện với những người đồng cấp ASEAN. Và tại cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp ASEAN về dịch Covid-19 sau đó, ông Pompeo tiếp tục chỉ trích Trung Quốc đang lợi dụng mối bận tâm của thế giới với đại dịch để thúc đẩy tham vọng lãnh thổ của họ ở Biển Đông.

Những cáo buộc về Trung Quốc của vị thủ lĩnh ngoại giao Mỹ được giới chuyên gia đồng thuận. Các chuyên gia Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định những động thái của Trung Quốc sẽ làm cho tình hình khu vực thêm căng thẳng, bất ổn và gây trở ngại cho việc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa nước này với ASEAN. Và theo họ, cộng đồng thế giới cần lên án mạnh mẽ các hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong một bài viết khác, nhà báo cao cấp Veeramalla Anjaiah ở Jakarta cho rằng, trong bối cảnh cả thế giới đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19, Trung Quốc muốn lợi dụng tình hình để tiếp tục các “hành động gây hấn” tại Biển Đông. Nhà quan sát lâu năm về vấn đề Biển Đông này cáo buộc Trung Quốc đã nhắm mắt trước nỗi thống khổ của nhân loại do dịch bệnh Covid-19 gây ra để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền phi pháp tại Biển Đông. Nhà báo Anjaiah nhấn mạnh, Trung Quốc - một trong những quốc gia ký kết và phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) – đang vi phạm trắng trợn luật hàng hải quốc tế khi tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông dựa trên “đường chín đoạn” gây tranh cãi và “không có giá trị pháp lý” theo UNCLOS. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye đã nhất trí ra phán quyết bác bỏ thẳng thừng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã có những hành vi “cưỡng ép” và “bắt nạt” đối với các nước Đông Nam Á láng giềng. Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm giữ nhiều đảo nhỏ và bãi san hô tại Biển Đông, xây dựng thành các đảo nhân tạo và cho quân đội chiếm giữ bất hợp pháp các địa điểm này. Bắc Kinh cũng đánh bắt cá bất hợp pháp và đâm chìm một số tàu cá của các quốc gia khác. Nhắc lại vụ việc mới nhất hôm 3-4 khi Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, nhà báo Veeramalla Anjaiah khẳng định đây là hành động này “vô nhân đạo” và “không thể chấp nhận được”. Cách đây vài ngày, Trung Quốc còn tự tiện đặt tên cho 80 đảo, rạn san hô và thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông, trắng trợn vi phạm UNCLOS. 

Nhà báo Anjaiah nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế cần lên án các “hoạt động phi pháp” và “hành vi bắt nạt” của Trung Quốc tại Biển Đông. Mặt khác, cộng đồng quốc tế cần trợ giúp các nước thành viên ASEAN tổ chức tuần tra chung tại Biển Đông cũng như hiện đại hóa lực lượng hải quân. Ngoài ra, ASEAN cần có quan điểm chung và yêu cầu đẩy nhanh các cuộc đàm phán về COC. Văn bản này phải mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, có hiệu lực và dựa trên UNCLOS. Nếu tình hình xấu đi, ASEAN cần tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế về Biển Đông.

Trong khi đó, trên thực tế, hôm 24-4, USS Barry - tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ - đã băng ngang qua eo biển hẹp nằm giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục để tiến về phía nam (hướng đi vào Biển Đông), đánh dấu lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tháng tàu chiến Mỹ đi qua khu vực này.  Đây có thể xem là một thông điệp mà Mỹ muốn gửi đến Trung Quốc rằng kể cả khi bị đại dịch hoành hành, sức mạnh quân sự và sự hiện diện của Washington tại khu vực sẽ không thay đổi.

Trong lúc đó tại phía nam Biển Đông, 3 tàu chiến của Mỹ và 1 tàu khu trục Australia đã tham gia một cuộc tập trận chung tại khu vực không xa nơi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo sát bất hợp pháp ở vùng biển Malaysia.  Không rõ cuộc tập trận này có được lên kế hoạch từ trước hay không, nhưng động thái của Mỹ cùng đồng minh là câu trả lời cho việc Trung Quốc lợi dụng Covid-19 để “diễu võ dương oai” trên Biển Đông. 

TRẦN NGUYÊN (tổng hợp)