Lễ vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm:

Tôn nghiêm và ấn tượng

Thứ sáu, 29/03/2024 08:45
Sáng qua (28-3, nhằm 19-2 ÂL), hàng vạn chư tôn, tăng ni, phật tử, đạo hữu, người dân địa phương cùng du khách thập phương náo nức tựu về chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) để chiêm bái, dự lễ vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm (lễ chính thức của Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024).
Lễ cung nghinh lãnh đạo TP Đà Nẵng, chư tăng ni.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu tại lễ hội.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã thực hiện các nghi lễ Phật giáo truyền thống, cầu nguyện quốc thái dân an, thả bong bóng cầu nguyện hòa bình cho nhân loại, đất nước. Người dân và du khách thập phương đặc biệt ấn tượng phần Lễ rước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ tát, lễ hóa trang Long - Phụng Quán Thế Âm Bồ tát và tái hiện câu chuyện lịch sử tướng Trần Khắc Chung giải cứu Huyền Trân Công chúa... Đây cũng là phần lễ được người dân, du khách thập phương mong chờ nhất vào mùa lễ hội Quán Thế Âm hàng năm.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 cho biết: Từ một lễ vía thuần túy của đạo Phật nhằm tôn vinh lòng độ lượng, bao dung, từ bi, hỷ xả của Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, trải qua bao thăng trầm của thời gian, ngày nay Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) trở thành một trong những lễ hội dân gian truyền thống mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo, gắn liền với Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng địa phương. Lễ hội Quán Thế Âm là một trong những sự kiện văn hóa - lễ hội điểm nhấn của TP Đà Nẵng. Cùng với di tích Quốc gia đặc biệt - Danh thắng Ngũ Hành Sơn, quà tặng vô giá của thiên nhiên, Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Lễ hội Quán Thế Âm là những giá trị về tinh thần quý giá và là niềm tự hào của người dân TP Đà Nẵng. "Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử địa phương, thể hiện tinh thần dân tộc, sự hòa hợp giữa đạo pháp với dân tộc, Lễ hội Quán Thế Âm còn là cầu nối, nơi gặp gỡ, giao lưu, thể hiện mối quan hệ hữu nghị đặc biệt sâu sắc, truyền thống đoàn kết của Phật giáo Việt Nam và các nước có nền văn hóa Phật giáo tương đồng"- Phó Chủ tịch TP Trần Chí Cường nhấn mạnh.

Theo Hòa thượng Thích Từ Nghiêm -Ủy viên Hội đồng trị sự Phật giáo TƯ, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Đà Nẵng, lễ hội Quán Thế Âm là dịp để các chư tăng ni, Phật tử tưởng nhớ đến công lao trời biển của Phật Bà Quán Thế Âm đã cứu khổ, cứu nạn độ trì giúp chúng sanh vượt qua những kiếp nạn… Để đền đáp công đức đó và đưa lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn lên một tầm cao mới, Giáo hội Phật giáo cùng với chính quyền Đà Nẵng nên tạo dựng 500 tượng Đức Quán Thế Âm và đặt tại 5 ngọn núi thuộc di tích Ngũ Hành Sơn để du khách cùng khách thập phương đến với Ngũ Hành Sơn dễ dàng chiêm bái, đảnh lễ.

Hòa trong dòng người náo nức dự lễ hội năm nay, bà Lương Thị Lại (trú Điện Bàn, Quảng Nam) chia sẻ: "Ngoài việc tham gia lễ hội và chiêm bái Đức Quán Thế Âm, đây cũng là dịp mỗi người nhìn nhận lại mình để bớt đi những sân, si của đời thường, để sống sao cho tốt hơn"…

Lễ cung nghinh lãnh đạo TP Đà Nẵng, chư tăng ni.

Ngoài phần lễ vía Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đản sanh, tại lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn 2024, người dân và du khách còn được thưởng thức các trò chơi dân gian cùng nhiều chương trình, hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, đậm hồn cốt dân tộc Việt. Và điều làm người dân, du khách thập phương hài lòng khi đến với lễ hội Quán Thế Âm năm nay đó là, đi cùng cạnh sự mến khách của người dân địa phương là sự bình yên, không xô bồ… Thượng tá Nguyễn Xuân Vinh- Trưởng Công an quận Ngũ Hành Sơn cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng chưa ghi nhận trường hợp nào bị móc túi, lấy cắp tài sản hoặc tình trạng chặt chém du khách xảy ra.

Có thể nói, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024 được UBND TP Đà Nẵng phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức hết sức tôn nghiêm, trang trọng với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc đầy ấn tượng. Đạo pháp và Dân tộc được hòa quyện trong từng nội dung của chương trình. Hy vọng sự hài hòa đó tiếp tục được phát huy, trường tồn để lễ hội Quán Thê Âm Ngũ Hành Sơn xứng đáng là Di sản phi vật thể cấp quốc gia.

M.T