Tổng lực chặn đà lây lan của dịch bệnh

Thứ năm, 09/12/2021 11:20

Trước tình hình ca mắc COVID-19 trên địa bàn Đà Nẵng tiếp đà tăng cao, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP chiều 8-12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu từ TP đến các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp mạnh để sớm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đồng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP chiều 8-12.

F0 cao kỷ lục

Ngày 8-12, Đà Nẵng ghi nhận 169 ca mắc COVID-19, gồm 17 ca cách ly tập trung, 60 ca cách ly tại nhà, 23 ca trong khu phong tỏa và 69 ca cộng đồng. Đây là số ca được ghi nhận cao nhất trong ngày kể từ khi triển khai thực hiện Nghị định 128 của Chính phủ.

Trong 69 ca cộng đồng có 23 ca đại diện hộ gia đình P. Hòa Khánh Nam, 6 ca đại diện hộ gia đình P. Hòa Minh, 10 ca đại diện hộ gia đinh P. Hòa Hiệp Nam (Q. Liên Chiểu). Các ca mắc còn lại được phát hiện khi đến cơ sở y tế xét nghiệm như: Trung tâm Y khoa Phúc Khang (1 ca); Trung tâm Y tế Q. Liên Chiểu (5 ca); Phòng khám Hòa Khánh (3 ca); Bệnh viện Bình Dân (1 ca); Bệnh viện Hoàn Mỹ (1 ca); Bệnh viện 199, Bộ Công an (7 ca); Bệnh viện Đà Nẵng (1 ca); Bệnh viện Tâm Trí (1 ca); Phòng khám Thiện Nhân (1 ca); Phòng Khám Y Đức (1 ca); Phòng khám Ân Đức (1 ca); Phòng khám Thiện Phước (1 ca); Trung tâm Y tế Q. Cẩm Lệ (1 ca). Ngoài ra, có 1 ca là dân quân tham gia phòng, chống dịch thuộc UBND P. Thuận Phước (Q. Hải Châu); 2 ca lấy mẫu tiểu thương chợ Hòa Khánh; 1 ca là nhân viên y tế Trung tâm Y tế Q. Liên Chiểu và 1 ca lấy mẫu tại Công ty UAC.

120/169 ca mắc trong ngày có khả năng lây cho cộng đồng, tập trung ở một số địa phương như: Q. Liên Chiểu (74 ca), Q. Sơn Trà (15 ca), H. Hòa Vang (12 ca), Q. Thanh Khê (10 ca),  Q. Cẩm Lệ (4 ca), Q. Hải Châu (3 ca) và Q. Ngũ Hành Sơn (2 ca).

Trong ngày, một số chuỗi lây nhiễm tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc mới như: Công ty Thuận Phước (19 ca), chợ Hòa Khánh (3 ca), Công ty Tân Trường Thịnh (4 ca), K317 Nguyễn Phước Nguyên (4 ca), Công ty Matrix (5 ca)…

Q. Liên Chiểu là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong ngày với 84 trường hợp, trong đó: P. Hòa Khánh Bắc (23 ca), Hòa Khánh Nam (34 ca), Hòa Hiệp Nam (15 ca), Hòa Minh (8 ca), Hòa Hiệp Bắc (4 ca).

Các quận Sơn Trà ghi nhận 23 ca, Thanh Khê 14 ca, Cẩm Lệ 8 ca, Hải Châu 6 ca, Ngũ Hành Sơn 3 ca, H. Hòa Vang 12 ca và 5 trường hợp về từ ngoại tỉnh.

Trong ngày, lực lượng chuyên môn xét nghiệm 34.738 lượt người, trong đó xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCT 32.888 lượt, test nhanh 1.850 lượt người. Tính đến nay, TP đã tiêm 1.848.236 mũi, trong đó tiêm mũi 1 cho 966.311 người và mũi 2 cho 881.925 người. Hiện có 230 khu vực phong tỏa trên toàn TP với 1.526 hộ (9.556 nhân khẩu); duy trì 17 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 642 người. Tính từ ngày 16-10 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 2.007 ca mắc COVID-19, trong đó 153 ca về từ ngoại tỉnh.

Tổng lực dập dịch

Tại cuộc họp chiều 8-12, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhìn nhận, hiện dịch bệnh đã đánh thẳng vào những nơi đông người như chợ, trung tâm y tế và cả lực lượng tuyến đầu nên nguy cơ lây lan là rất cao. “Vì thế, các địa phương phải đánh giá đúng mức độ nguy cơ để tăng cường các biện pháp kiểm soát hiệu quả. Hiện số ca bệnh đang điều trị đã vượt quá 1.000, đặc biệt đã có ca tử vong trong tình hình mới. Điều này cho thấy, trong cả 3 mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch chúng ta chưa đạt được. Qua kiểm tra cũng nhận thấy, việc tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch ở một số địa phương chưa thật sự quyết liệt, có sự buông lỏng, thả trôi. Việc này phải chấn chỉnh ngay”, Bí thư Thành ủy chỉ đạo.

Song song đó, Bí thư Thành ủy đề nghị Ban chỉ đạo TP phải xác định và đạt được hai mục tiêu trong thời gian tới. Không để F0 vượt 200 ca/ngày, tiến tới làm sao kéo giảm xuống còn 2 con số và không để các ca bệnh chuyển nặng và tử vong. “Đề nghị từ TP đến cấp cơ sở huy động tổng lực các lực lượng tham gia vào công tác phòng chống dịch. Phải ưu tiên dành nguồn lực của các lực lượng cho công tác phòng chống dịch. Sở Y tế tham mưu tổ chức lực lượng sẵn sàng ứng trực cho các địa phương xuất hiện các ổ dịch. Khi có ổ dịch mới, nhất là trong các khu công nghiệp phải có lực lượng xuống hỗ trợ để dập ngay. Đồng thời, cần triển khai quyết liệt, triệt để các biện pháp, nhất là công tác khoanh vùng, truy vết, tổ chức xét nghiệm”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Thành ủy, quy định hiện nay không hạn chế việc đi lại bình thường nhưng khi khoanh vùng các địa phương được phép áp dụng các biện pháp hành chính đối với khu phong tỏa. Ông đề nghị các địa phương chia nhỏ khu phong tỏa ra để có biện pháp giám sát thật chặt; đồng thời phân công và quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu chịu trách nhiệm xử lý các khu vực có dịch.

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu các địa phương tổng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, nhất là khu vực phong tỏa và đang có dịch; Ban Chỉ đạo TP thành lập tổ kiểm tra, đánh giá xem những chỉ đạo của TP các quận huyện, xã phường triển khai như thế nào. Sở TT-TT và các địa phương tuyên truyền mạnh mẽ về nguy cơ dịch bệnh để người dân nâng cao ý thức. Sở Y tế báo cáo Thường trực Thành ủy về công tác điều trị F0 tại nhà và điều trị tập trung, không bị động khi số ca dương tính tiếp tục tăng cao.

Để sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chỉ đạo các quận huyện kiện toàn, quán triệt lại các Ban Chỉ đạo để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch ở cơ sở. Các xã, phường họp lại tất cả các tổ COVID-19 cộng đồng, nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc kiểm soát chặt F1 cách ly tại nhà cũng như các khu phong tỏa. Ngành Y tế đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, xem xét tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu. Riêng hai quận Sơn Trà và Liên Chiểu phải có phương án bổ sung lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng về hỗ trợ phòng chống dịch.

PHI NÔNG