Trách nhiệm chừa lối đi cho bất động sản bị vây bọc
Bạn đọc hỏi: Anh Tú trú tại Q.Hải Châu (TP Đà Nẵng), hỏi: Gia đình tôi có một lô đất và đang dự kiến xây nhà trên đất. Tuy nhiên, phía sau lô đất nhà tôi hiện có gia đình chị V. đang sinh sống. Việc tôi xây nhà sẽ ảnh hưởng đến lối đi của gia đình chị V. (trước đây gia đình chị có nhờ đi ngang qua đất nhà tôi). Nay, chị V. yêu cầu gia đình tôi khi xây nhà phải dành cho gia đình chị một phần diện tích đất làm lối đi ra ngoài. Vậy cho tôi hỏi yêu cầu của chị V. có phù hợp không và gia đình tôi có trách nhiệm phải dành một phần diện tích đất của mình làm lối đi cho gia đình chị V. không?
Luật sư Phạm Văn Thanh - Phó Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng trả lời:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, nếu vị trí nhà/đất của gia đình chị V. bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác và không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì gia đình chị V. có quyền yêu cầu các chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Tuy nhiên, gia đình anh Tú chỉ có trách nhiệm dành một phần diện tích đất của mình làm lối đi cho gia đình chị V. khi việc mở lối đi trên đất của gia đình anh là giải pháp cuối cùng, không có phương án mở lối đi nào thuận tiện, hợp lý và ít gây thiệt hại hơn. Ngoài ra, nếu sau này gia đình chị V. có lối đi nào khác thuận tiện và hợp lý hơn thì gia đình anh có quyền yêu cầu chị V. dừng việc sử dụng lối đi này và buộc gia đình chị phải sử dụng lối đi khác đó.
Thứ hai, về vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định (theo quy định tại khoản 2 Điều 254 BLDS 2015).
Thứ ba, để được sử dụng phần diện tích đất của gia đình anh Tú làm lối đi ra ngoài, gia đình chị V. có trách nhiệm phải đền bù cho gia đình anh một khoản chi phí do hai bên thỏa thuận. Khoản chi phí này có bản chất như khoản tiền thuê đất cho một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, để đảm bảo tính pháp lý và hạn chế tranh chấp phát sinh sau này liên quan đến phần diện tích đất dùng làm lối đi, các bên nên tiến hành lập biên bản thỏa thuận, có công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.
Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn
của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng.
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138