Trăng tròn quá đỗi từ bi...

Thứ tư, 22/05/2024 10:48
Trăng tròn quá đỗi từ bi". Đó là tôi muốn nói đến mùa Phật đản ở Huế. Cũng thật lạ, trên mảnh đất không rộng, người không đông này lại có số lượng chùa nhiều nhất so với bất kỳ một địa phương nào trên lãnh thổ Việt Nam.
Vào mỗi mùa Lễ Phật đản, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế và Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản lại tổ chức nghi thức hạ thủy 7 hoa sen trên sông Hương.
Vào mỗi mùa Lễ Phật đản, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế và Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản lại tổ chức nghi thức hạ thủy 7 hoa sen trên sông Hương.

Những ngày theo học ở Huế đã để lại trong tôi biết bao ký ức về những mùa Phật đản, lắng lại trong tâm hồn một tình yêu mà không sao lý giải vì sao ngay từ buổi ban đầu, mùa Phật đản đầu tiên ở Huế tôi đã đắm mình bởi ca khúc "Từ Đàm quê hương tôi" của một nhạc sĩ gốc Huế. "Quê hương tôi miền Trung/ sớm hôm chuông chùa nhẹ rung/ tiếng muôn đời tổ tiên kiêu hùng/ Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm/ nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng/ Qua bao giông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn…".

Bạn tôi quê Quảng Trị vào Huế để học ở trường Quốc học có thời gian sống khá lâu ở mảnh đất này cho hay, với người dân Huế, Phật đản được xem là một trong những ngày lễ lớn. Ngay từ những ngày đầu tháng 4 âm lịch, mọi người tranh thủ mua sắm lễ phẩm, chuẩn bị bàn thờ Phật trong gia đình một cách trang nghiêm. Nhà ai có khoảng vườn rộng sẽ dựng một đài sen ở phía trước sân. Khắp nơi từ đường lớn cho đến ngõ hẻm, đâu đâu cũng thấy người dân treo cờ Phật giáo, trang trí đài sen để báo hiệu một mùa an lạc, cầu chúc nhau những điều bình an.

Bạn kể, con đường Kim Long dọc theo bờ sông Hương dẫn lên chùa Thiên Mụ hay con dốc đường Điện Biên Phủ dẫn lối lên cổ tự Từ Đàm, rồi từ bến sông Đông Ba nhìn sang Quốc tự Diệu Đế … đã là một phần ký ức mỗi khi xa Huế, nhớ về Huế. Với tôi, xa Huế cũng đã nhiều năm điều để lại trong tôi những tình cảm đặc biệt nhất mỗi lần về Huế hay chỉ nhớ về Huế đó là ngôi chùa mang tên Thiên Minh. Ngôi chùa này cũng trên con đường Điện Biên Phủ, chỉ cách trung tâm Huế khoảng 2km. Bởi nơi đây tôi có những tháng ngày gắn bó.

Chùa Thiên Minh có ba người bạn đồng môn, cùng lớp đang tu tập, nhưng chỉ có hai người theo học đến mãn khóa. Nếu tôi nhớ không nhầm, giữa năm ba chẳng may bản thân bạo bệnh không thể cùng các bạn trong lớp đi thực tập ngoài tỉnh nên các thầy cô ở khoa phân tôi cùng một số bạn học đang tu tập các chùa thực hiện đề tài: Sưu tầm ghi chép văn tự tại các phủ đệ ở Huế (Cùng hỗ trợ giúp đỡ có người anh cùng khoa, học trên ba lớp. Ngoài nghiên cứu, anh còn là một nhà thư pháp khá giỏi ở Huế). Do bận rộn lễ nghi trong mùa kiết hạ nên tôi và người anh lớp trên chủ lực đi lại ghi chép, tối thì anh có nhà ở Huế nên về nhà, tôi không có nơi nào khác, đoạn đành nhất là hầu bao cũng không không, sắc sắc… nên đành vào chùa tá túc. Với tình cảm thân thương của hai người bạn học đang tu tập tại chùa, tôi gần như trở thành thành viên 101 của ngôi chùa.

Ở được khoảng hai tuần thì một người bạn học nói thầy trụ trì có ý muốn gặp tôi. Tôi thoáng chút lo lắng, nhưng lại nghĩ về bức ảnh của thầy trụ trì chụp giữa đèo Hải Vân treo ở phòng tướng mạo trông rất phi phàm và hiền hậu nên cũng chẳng còn lo lắng gì. Bất ngờ ngay trưa đó thầy đến dùng cơm với mấy chú tiểu và tôi (Hai bạn tôi đi vắng, còn thường thì tôi dùng cơm riêng với một trong hai bạn). Vừa ngồi vào bàn cơm, thầy cười rất tươi, bảo tôi và mấy chú tiểu ăn trưa tự nhiên (cơm chùa chỉ có dưa cà, rau đậu mà thôi). Nhẹ nhàng thầy hỏi tôi: Con ăn thấy thế nào? Dạ ngon ạ. Lúc đó cũng đang mùa Phật đản, thầy lại hỏi tiếp: Mùa Phật đản ở Huế con thấy thế nào? Tôi chưa kịp nghĩ gì cứ tiện miệng mà thưa: Dạ trăng rất tròn ạ. Thầy lại hỏi: Trăng tròn thế nào? Dạ, trăng tròn rất đỗi từ bi ạ! Thầy đứng dậy xoa đầu tôi, rồi bảo ăn cơm tiếp đi, thầy không ăn nữa. Đó là vị sư thầy đầu tiên tôi tiếp xúc và kính quý ở đất Huế đô. Vị sư đó là Hòa thượng Thích Khế Chơn, hiện nay là Trưởng Ban trị sự giáo Hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hồi đó, tôi đi về chùa nhiều lúc giờ giấc bất thường, thầy cho đệ tử nhỏ ở gần đấy để mở cổng. Sau này tôi hiểu, với khung cảnh thanh tịnh như ở chùa, một mùi hương thoảng qua còn nghe thấy huống hồ là có hôm tôi đã khá say. Thế nhưng suốt thời gian ở chùa, thầy rất vui vẻ không nói gì. Có lẽ đó cũng là cái duyên chăng. Từ đây tôi lại nghĩ về cái duyên của ngôi chùa có tên ánh sáng của trời. Đó là đầu thế kỷ XX, bà Công Tôn Nữ Hướng Thiện, con gái trưởng của công tử Nguyễn Phước Hồng Vinh, kết hôn với Diệp Kỉnh Đường - một Hoa kiều giàu có từ Quảng Đông. Bà tôn sùng đạo Phật và mua một ngôi nhà gần đường Nam Giao, bên cạnh chùa Báo Quốc và Từ Đàm để tu tập. Bà thọ Sa-di giới và chuyển ngôi nhà thành chùa Thiên Minh. Đến năm 1930, người thừa kế của bà cúng chùa cho môn phái Tây Thiên và mời đại sư Quảng Huệ (1903 - 1950) về làm trụ trì đầu tiên của chùa Thiên Minh… Đến năm 1978 thầy Thích Khế Chơn mới về trụ trì…, bằng đức độ của mình ngôi chùa không ngừng phát triển. Chùa Thiên Minh có kiến trúc cổ kính, không gian yên tĩnh, thu hút nhiều du khách đến tham quan và chiêm bái.

Gần cả năm trời tôi sống ở chùa nhưng chưa bao giờ nghe thầy trụ trì thuyết giảng điều gì, duy nhất chỉ được tham gia một lễ Mộc dục trong lễ Phật đản để hiểu thêm ý nghĩa ba gáo nước thơm mà thầy đã nói: Gáo nước đầu tưới vào vai và tay trái để gột rửa mọi điều sai trái, gáo nước thứ hai tưới vào vai và tay phải để những điều phải, điều tốt đã tốt càng phải tốt hơn, gáo thứ ba tưới vào đầu để tâm trí thanh tịnh, sáng suốt.

Tôi không là phật tử cũng chẳng tu tập gì nhưng có lẽ thời gian có duyên gắn bó với một ngôi chùa ở Huế, trong bao nhiêu vui buồn đã cho tôi thêm những hiểu biết, nhất là tình yêu thương kính quý những người đang tu tập giữa đời dù cuối cùng thành bại ra sao. Thương quá những mùa trăng Phật đản ở Huế sao tròn đầy và từ bi quá đỗi.

Tạp bút: Võ Văn Trường