Trâu trong võ thuật và tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung
Sức mạnh con trâu, ngoài cú húc bằng sừng còn có vũ khí tự vệ là cú đá hậu cực mạnh… Vì vậy, cũng như một số loài vật khác, các “mảng miếng” của trâu được các bậc danh võ đặt tên cho bài quyền, đòn thế của môn phái. Ngoài ra, trâu cũng là nguồn cảm hứng cho nhà văn Kim Dung đưa vào các tiểu thuyết võ hiệp.
Quách Tĩnh được sư phụ đặt tên là Thủy Ngưu trong “Xạ điêu anh hùng truyện”. |
Võ con Trâu ở Việt Nam
Kim Ngưu quyền là bài quyền quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam do cố Đại sư phụ Lê Vũ (Lê Em, Chưởng môn phái Bích Quang) sáng tạo.
Kim Ngưu quyền có nghĩa là bài quyền Trâu Vàng, thế đánh mang hình tượng chiến đấu của loài trâu. Khi thi triển bài quyền, có lúc cương, lúc nhu, khi cao, khi thấp, uyển chuyển nhưng dũng mãnh, đặc biệt là các thế lặn hụp, tránh né, sử dụng cùi chỏ để công thủ như đôi sừng trâu, mang tính chiến đấu đặc thù ấn tượng của Võ cổ truyền Việt Nam. Trong bài thiệu Kim Ngưu quyền có thế Kim ngưu chiếu giác, có nghĩa là Trâu vàng liếc nhọn đôi sừng nghinh chiến.
Theo sách Lịch sử Võ học Việt Nam, từ ngàn xưa và cho mãi tận sau này, các thế hệ người Việt ghi tạc những kỳ công vĩ đại của tổ tiên, để lại cho hậu thế một kho tàng võ học đồ sộ, độc đáo, trong đó có trên mấy trăm bài “thiệu cổ”. Trong bài thiệu cổ “Trực chỉ thảo pháp” có thế “Đơn tấn thiết Ngưu thượng phi Bằng”- “Tiến thế “chim Bằng bay lên”, rồi phóng thế “con Trâu sắt”. Trong bài thiệu cổ “Trường kiếm thảo pháp” có thế “Bạch Ngưu chuyển giác, hữu triền thiên thế”, có nghĩa “Dùng thế “Trâu trắng xoay sừng bên phải”, để phá thế “triền thiên”. Trong bài thiệu cổ “Song phũ thảo pháp” có thế “Tứ chi khai Ngưu giác”, có nghĩa “Rồi dùng cả bộ chân và bộ tay, để mở thế “Ngưu giác” (sừng trâu)”. Trong bài thiệu cổ “Thái sơn thảo pháp” có thế “Phi phong tẩu vũ khai Ngưu giác”, có nghĩa: “Bay như gió”, “chạy như mưa sa” tiếp tục ra thế “sừng Trâu”...
Võ con Trâu ở các nước trên Thế giới
Thiếu Lâm là môn võ nổi tiếng ở Trung Quốc và trên thế giới. Quyền con trâu có trong “Thập nhị hình quyền” tức Thử (Chuột), Ngưu (Trâu), Thỏ, Khuyển (Chó), Áp (Vịt), Mã (Ngựa), Dương (Dê), Hầu (Khỉ), Trư (Lợn), Hà (Tôm), Ngư (Cá). Trong 72 tuyệt kỷ Thiếu Lâm Tự, có tuyệt kỹ mang tên Thiết ngưu công (Trâu sắt).
Võ Miến Điện (Myanmar) gọi là Thaing. Trong võ tay không, có trường phái Nhu quyền (Bando). Trong chiến đấu, dựa theo phong cách chiến đấu của rất nhiều loài vật như Trư công (Lợn rừng), Ngưu công (Trâu), Độc xà công, Lục xà công, Mãng xà công (Rắn), Lộc công (Hươu), Hầu công (Khỉ), Ưng công (Chim ưng), Báo công (Báo), Hổ công (Hổ). Trong đó, Ngưu công là quyền con trâu, có động tác trầm hùng, chúi ủi, trung cản, chặn đòn và phản công đòn thật nặng.
Các võ sinh Thiếu Lâm luyện Thiết ngưu công. |
Con Trâu trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung
Võ công trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung có môn “Cách sơn đả ngưu thần công”. Như tên gọi, loại công phu này có điểm cách biệt là đánh được con trâu mà giữa con trâu và người đánh có một vật cản là hòn núi. Thực tế, đây là một môn công phu khí công thượng thặng.
Trong “Thiên Long bát bộ”, Kim Dung đã để cho quốc sư nước Thổ Phồn là Cưu Ma Trí biểu diễn công phu này. Trong “Lộc Đỉnh ký”, Vi Tiểu Bảo cũng được cách điệu biểu diễn “Cách sơn đả ngưu thần công”. Vi Tiểu Bảo vận “công lực” và đấm vào các vị Lạt ma Tây Tạng những thế võ nhẹ hều, nhưng các nhà sư Tây Tạng lại lăn ra chết. Tại sao vậy? Trong tay áo thùng thình, hắn đang cầm một lưỡi trủy thủ bén ngọt. Y vung tay lên không phải để đánh quyền mà là dùng trủy thủ đâm lén, rồi cho rằng sử dụng công phu “Cách sơn đả ngưu thần công”.
Ở chừng mực nào đó, Kim Dung cũng đã thể hiện tình cảm của mình đối với con trâu, bạn của nhà nông. Trong tác phẩm “Thần điêu hiệp lữ”, trí tưởng tượng của tác giả đã phát huy đến cao độ khi ông để cho chàng trai Dương Quá “mượn” tạm một con trâu của người nông dân, mặc bộ quần áo của trẻ chăn trâu, đốt đuốc phía sau đít trâu để trâu phóng thục mạng vào vòng vây của quân Mông Cổ xâm lược. Con trâu của Dương Quá xông trận còn hữu hiệu hơn cả con ngựa chiến Mông Cổ. Phải chăng đó là hình ảnh tiêu biểu của cuộc khởi nghĩa nông dân tại thành Tương Dương?
Chàng trai Quách Tĩnh trong “Xạ điêu anh hùng truyện” được thầy mình là Hồng Thất Công đặt tên cho là Thủy Ngưu (trâu nước), còn có biệt hiệu là Ngưu Canh Điền (trâu cày ruộng). Ấy bởi vì tướng mạo Quách Tĩnh mộc mạc quê mùa, nước da ngăm ngăm đen, ít miệng lưỡi, chậm hiểu, tướng phục phịch như con trâu.
Có một nhân vật mang tên con trâu trở thành đối tượng được các cô thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần say mê như điếu đổ. Đó là chàng Trương Vô Kỵ trong “Ỷ thiên Đồ long ký”, khi trốn vào hang núi mới có 15 tuổi. Trong 5 năm học võ, chàng trở thành bậc thượng thừa. Trượt tuyết rớt xuống chân núi gãy cả hai chân, chàng tự xưng là Tăng A Ngưu (Tăng Văn Trâu). Lên đến Quang Minh đỉnh giải vây cho quần hùng Minh giáo, chàng vẫn là Tăng A Ngưu. Thuộc hạ của chàng là Chu Nguyên Chương đã nắm quyền khởi nghĩa thành công, xưng đế hiệu là Minh Thái Tổ, mở ra nhà Minh (1368 - 1643), truyền được 13 đời.
“Ỷ thiên Đồ long ký” cũng xây dựng một nhân vật thầy thuốc mà y thuật cao đến độ thần thông, mang tên trâu xanh Hồ Thanh Ngưu. Các vị đạo sĩ tu theo phe phái Võ Đang như Xung Hư trong “Tiếu ngạo giang hồ”, Trương Tam Phong trong “Ỷ thiên Đồ long ký” được gọi là các lão “lỗ mũi trâu”.
Công dụng của con trâu còn được Kim Dung đưa vào tiểu thuyết của mình. Bọn quần tiên 36 động 72 đảo trong “Thiên Long bát bộ” chuyên ăn thịt trâu khi tấn công lên cung Linh Thứu, núi Phiêu Diễu. Và bọn họ ăn như ngựa, uống như trâu (mã thực, ngưu ẩm). Ngoài ra, trong “Tiếu ngạo giang hồ” da trâu hiện hữu trong trống da trâu, vũ khí, roi da trâu; sừng trâu làm chung đựng rượu; lông trâu làm ám khí.
Nói tóm lại, con Trâu có mặt khắp mọi nơi trong tiểu thuyết Kim Dung.
THANH HẢI