Triển vọng mô hình nuôi gà ác trong phòng lạnh

Thứ năm, 04/08/2022 17:49
Sinh ra từ nông thôn, quyết tâm lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Hữu Thắng (1992), trú xã Nghi Văn, H.Nghi Lộc (Nghệ An) đã mạnh dạn triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế. Nếm trải không ít những thất bại nhưng với với bản lĩnh, sự quyết tâm, anh Thắng đã xây dựng mô hình nuôi gà ác trong phòng lạnh, bước đầu mang lại thành công.
Ngoài khâu ăn uống, việc kiểm tra nhiệt độ, sát trùng cho gà lúc bị thương được thực hiện thường xuyên
Anh Nguyễn Hữu Thắng - Chủ trang trại chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc gà ác.

Tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm

Đến thăm trang trại nuôi gà ác lấy trứng của anh Nguyễn Hữu Thắng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi quy mô xây dựng khá hiện đại bằng mô hình khép kín. Từ cách bố trí chuồng, khâu cho ăn, lấy trứng cho đến khâu kiểm soát chất thải cũng hết sức khoa học, sạch sẽ. Trên diện tích 1.000m2 nhưng vào trang trại nuôi gà ác tuyệt nhiên không có mùi hôi... Đặc biệt hơn cả, gà ác ở trang trại anh Thắng được nuôi trong phòng lạnh, được nghe nhạc, trở thành mô hình “độc, lạ” ở Nghệ An.

Anh Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ, ở nông thôn, để có một công ăn việc làm ổn định ngay tại địa phương là rất khó, trong khi lao động ở đây không được đào tạo nghề nghiệp rõ ràng. Sau khi tính toán, anh quyết định chọn con đường phát triển chăn nuôi bởi diện tích triển khai không tốn nhiều như trồng trọt, thời gian thu hoạch cũng nhanh hơn. “Định hướng đúng là một chuyện nhưng phát triển được hay không là chuyện khác. Ban đầu tôi đã thử nghiệm trang trại nuôi lợn. Nhưng do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên dịch bệnh xuất hiện khiến đàn lợn chết hàng loạt gây thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Thất bại từ mô hình nuôi lợn số tiền tiết kiệm cạn dần, nhưng tôi vẫn quyết không từ bỏ chăn nuôi, tiếp tục tìm kiếm mô hình phát triển mới” – anh Thắng cho hay.

Nhận thấy mô hình nuôi gà ác lấy trứng là mô hình ở Nghệ An chưa ai thực hiện. Sau khi tìm hiểu các đặc tính của loài gà ác ở miền Nam, anh Thắng quyết định nhập những con gà giống này về nuôi thử nghiệm. Do môi trường sống ở Miền Trung có nhiệt độ cao, trong khi gà ác lại sống thích hợp ở nhiệt độ từ 28-33 độ C, nên anh quyết định làm giàn mát hạ nhiệt độ trong trang trại. Sau khi có được giải pháp cơ bản, anh quyết định mở rộng trang trại.

Để bước vào thực hiện mô hình này, ngoài số tiền tích cóp, vay mượn người thân, anh đã “liều” vay ngân hàng 6 tỷ đồng, quyết tâm xây dựng mô hình trang trại với quy mô khoảng 10 tỷ; trong đó đầu tư 3 đơn vị chuồng với quy mô 5 tỷ đồng, 3 đơn vị giống 5 tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện chuồng trại, giống được chuyển từ Long An về Nghệ An. “Gà nở được 1 ngày tuổi thì được cho lên máy bay đưa về Nghệ An. Để đề phòng việc gà bị sốc nhiệt, chúng tôi phải căn thời gian gà ra lò là buổi chiều, sau đó vận chuyển bằng máy bay vào ban đêm và khi về đến Nghệ An cũng đã khuya, nhiệt độ sẽ được đảm bảo. Như đợt gà đưa về từ dịp Tết vừa rồi, nhiệt độ ở miền Nam là 33 độ C nhưng khi vận chuyển về Nghệ An là 7 độ C. Việc sốc nhiệt là khó tránh khỏi, vì thế để giảm tỉ lệ hao hụt cần sự tính toán kỹ càng”- anh Thắng cho biết.

Ban đầu bắt tay vào làm cũng gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn và kỹ thuật chăm sóc. Tuy nhiên nhờ sự động viên, ủng hộ từ gia đình, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, những khó khăn đã dần dần được tháo gỡ.

“Do gà ở miền Nam chủ yếu được thả rông nên bản tính hoang dã cao, sau khi đẻ trứng, nếu không lấy kịp, gà sẽ mổ trứng ăn. Chính vì vậy, khi đưa về đây phải nuôi nhốt vào lồng, gặp nhiều khó khăn trong kĩ thuật chăm sóc. Ở trong trang trại, ngoài nguồn thức ăn, nước uống đầy đủ, chúng tôi luôn luôn có sẵn nhiệt kế, nhiệt độ trong trang trại luôn được duy trì từ 25- 30 độ C. Bên cạnh đó, thuốc sát trùng cũng luôn phải sẵn sàng để bôi khi gà cắn nhau bị thương. Riêng chuồng dành riêng cho loại gà này chưa có nên chúng tôi phải dùng chuồng của gà công nghiệp, chuồng to, gà dễ bị lọt lưới nên tỉ lệ hao hụt rất cao” – anh Thắng chia sẻ kỹ thuật chăm sóc gà ác trong phòng lạnh của mình.

Ban đầu, tổng đàn gà trong trang trại là 12.000 con nhưng đến nay đã hao hụt chỉ còn khoảng 10.000 con (tỉ lệ hao hụt khoảng 20%). Để giảm bớt tình trạng hao hụt, anh Thắng bật nhạc cho gà nghe, những bản nhạc nhẹ nhàng đã trung hòa được tiếng gà kêu, giúp đàn gà trở nên lành hơn, ít cắn nhau hơn. Mặt khác, gà ác khi đưa về Nghệ An đã được kiểm soát rất chặt chẽ trong khâu vắc xin ở khâu hậu bị, khi giống gà xuất đi thì bản thân nó đã có hơn 30 loại vắc xin được truyền từ mẹ nên hầu như rất an tâm về các mầm bệnh. Tất cả những sự đầu tư này đã được anh Thắng đúc rút kinh nghiệm, tìm tòi và học hỏi từ nhiều nơi về mày mò áp dụng cho trang trại của mình.

Ngoài khâu ăn uống, việc kiểm tra nhiệt độ, sát trùng cho gà lúc bị thương được thực hiện thường xuyên

Bước đầu mang lại hiệu quả

Sau 7 tháng dày công chăm sóc, trại gà của anh Thắng đã cho thu hoạch cung cấp cho nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện mỗi ngày trang trại trứng gà ác của anh Thắng cho thu nhập từ 3.000 - 3.500 quả trứng. Trứng được bán với giá từ 3.000 – 5.000 đồng/quả, tùy thuộc vào từng loại trứng gà so, trứng gà vừa và loại đặc biệt có 2 lòng đỏ.

Theo anh Thắng, chu kỳ khai thác gà ác được tính là 9 tháng. Sau chu kỳ này phải thay lại giống. Do quá trình chờ giống còn lâu nên hiện trang trại gà của anh Thắng mới xây dựng được 1/3 quy mô, việc còn lại là chờ giống về. “Trứng gà giống phải lấy từ tháng thứ 3 và không quá tháng thứ 5. Để gom được 3 vạn quả trứng làm giống, đòi hỏi cả một quá trình chờ đợi chứ không phải muốn là có ngay được. Hiện tại trại gà bên kia của tôi đã đặt giống 4 tháng nhưng chưa có” –anh Thắng cho biết thêm.

Cũng theo anh Thắng, đặc điểm khác biệt giữa gà ác với gà thường là lông trắng, thịt đen, lòng đen, hai bàn chân có 10 ngón. Cân nặng của gà giao động ở mức trên dưới 1kg. Và cứ trung bình 4 ngày thì gà mới đẻ 1 quả trứng. So với các loại trứng bán trên thị trường, đây là loại trứng nhỏ nhưng có độ dinh dưỡng cao. Việc tiếp thị đến người tiêu dùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. “Để tiếp cận thị trường, tất cả trứng gà bán ra đều đang được trang trại trợ giá. Chúng tôi cũng đang hoàn thiện các thủ tục để được cấp chứng chỉ sản phẩm OCOOP. Xa hơn nữa, trứng gà ác sẽ được đưa vào siêu thị.” – anh Thắng cho hay.

Dương Hóa