Trong tro còn lửa…
Không ồn ào như trước, nhưng những cuộc chuyển nhượng cận ngày V.League 2024-2025 khởi tranh (14-9) vẫn lặng lẽ diễn ra, và dự báo còn có cả các hợp đồng “bom tấn” được trình làng vào giờ chót.
Ồn ào
V.League không chỉ đang chứng kiến những bản hợp đồng (hoặc thỏa thuận) chuyển nhượng chưa từng có về giá trị như Quang Hải, Văn Lâm và Hoàng Đức lên đến hàng chục tỷ đồng, mà còn về số lượng. Vừa ăn mừng với ngôi á quân chưa lâu, cổ động viên đất Võ ngơ ngác khi có đến 16 cái tên tháo chạy khỏi M. Bình Định, giờ đã đổi tên thành Quy Nhơn Bình Định.
Cũng ở phía Nam, CLB Trẻ TPHCM vừa mới lên hạng Nhất và vừa đổi tên thành Thanh Niên TPHCM, đã lập tức gây ngỡ ngàng nhiều đại gia khi đưa về 15 cầu thủ đang chơi tại V-League, trong đó có hàng loạt “hàng hiệu” như Thanh Thịnh, Lê Ngọc Bảo, Đỗ Văn Thuận, Nguyễn Đức Việt, Nguyễn Văn Việt, Đinh Thanh Bình, Hà Đức Chinh và… thủ môn Đặng Văn Lâm!
Thị trường chuyển nhượng như phá vỡ quy luật, cả tiền lẫn tình, phá vỡ những rào cản về hợp đồng và tình cảm. Tiền thúc đẩy các ngôi sao phải chọn lựa và dấn thân bởi chưa bao giờ, giá trị của họ được xác định cao đến vậy. Cầu thủ được hưởng lợi và dĩ nhiên có những đội bóng phải lâm vào thế bất lợi vì hiện tượng “chảy máu” hàng loạt.
Và, trong cuộc “vật đổi sao dời” này, có những vấn đề không tưởng cũng diễn ra. Đó là một CLB hạng Nhất đánh tiếng “mượn” CLB Thanh Niên TPHCM đến 5 cầu thủ ngôi sao, trong đó có thủ môn Đặng Văn Lâm. Điều đáng nói, đây là đội bóng được đánh giá là đối trọng số 1 của CLB Thanh Niên TPHCM cho cuộc đua cạnh tranh tấm vé thăng hạng mùa giải năm nay!
và lặng lẽ
“Thượng điền tích thủy, hạ điền khan”, V.League và hạng Nhất đều vậy. Không nhiều CLB như SHB Đà Nẵng tính xa từ lúc còn đá… hạng Nhất và lập tức mang về trục dọc ngoại binh Marlon Rangel, Werick Caetano Oliveirac và Yuri Mamute, nhiều CLB nhà nghèo lặng lẽ chờ nhà tài trợ và chờ “hàng dạt”. Điều đáng buồn là xu hướng này tập trung vào các đội bóng khu vực miền Trung. Lưng vốn ít ỏi được những CLB như Quy Nhơn Bình Định, H. Hà Tĩnh, SHB Đà Nẵng, Quảng Nam ưu tiên cho các suất ngoại binh, phần còn lại chờ “sale”, hoặc chủ trương “cây nhà lá vườn” như HAGL, SLNA. Ở nhóm hạng Nhất, ngoài cuộc chiêu binh mãi mã rầm rộ của Thanh Niên TPHCM và Trường Tươi Bình Phước, hầu hết các đội bóng đều “có bao nhiêu đá bấy nhiêu”, bởi không chỉ không kéo về được hảo thủ, mà còn bị các đội bóng ở V.League và “đại gia” hạng Nhất rút ruột. Cũng có đội bóng rất khốn khó như Khánh Hòa, sau khi được FIFA gỡ án phạt cấm chuyển nhượng, HLV Trần Trọng Bình vắt chân lên cổ tìm kiếm cầu thủ cho đủ đội hình. Tương tự là CLB Long An, dù được một thương hiệu giải cứu và chi viện cầu thủ, cũng đang hồi hộp chờ VFF, VPF phán quyết vì trước đó đã lỡ thông báo rút khỏi giải hạng Nhất!
Trong tro còn lửa
Cùng với cơn say tiền, V. League đang tồn tại một xu thế khác là say danh hiệu. Không phải cầu thủ nào cũng “đứng núi này trông núi nọ” hoàn toàn vì các khoản lót tay, lương thưởng. Câu chuyện Văn Toàn, Hồng Duy, Tuấn Anh rời HAGL là ví dụ điển hình. Nhiều cầu thủ rời bến cũ vì cảm nhận hay bị thuyết phục bởi tham vọng hay mục tiêu ở bến mới. Có lẽ đây là trường hợp của Đặng Văn Lâm, khi chấp nhận rời đội bóng đương kim á quân để đến một CLB vừa lên hạng Nhất. Và cũng phải kể đến trường hợp Hoàng Đức, người khẳng định sẽ cống hiến cho Thể Công Viettel 6 tháng còn lại của hợp đồng, sau đó sẽ chia tay…
VFF quy định, giai đoạn 1 đăng ký và chuyển nhượngV.League, Giải hạng Nhất kết thúc vào 15-10-2024, giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 20-1-2025 (kết thúc 12-3-2025). Có nghĩa, thị trường chuyển nhượng chẳng những chưa dừng lại, mà còn dự báo tiếp tục là “dòng chảy ngầm” khó đoán ngay khi trái bóng vẫn lăn. Vì thế, không ngạc nhiên khi nửa mùa này cầu thủ với cầu thủ là đồng đội, nửa mùa kia đã là đối thủ.
S.T