Từ binh nghiệp đến bục giảng

Thứ hai, 30/10/2017 11:13

Mỗi khi có dịp nhớ về trường xưa thầy cũ, không ít cựu HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Sơn Trà, Đà Nẵng) thường nhắc đến thầy Trần Xuân Hòa (1965, Tổ trưởng tổ Sử) với thái độ yêu kính!

Thầy Trần Xuân Hòa Ảnh: P.T

Bước ngoặt cuộc đời

Trước 1998, Đại úy Trần Xuân Hòa (1965, quê Gio Linh, Quảng Trị) chưa hề nghĩ sẽ rời quân ngũ chuyển sang làm thầy giáo. Năm 1998, khi đang giữ chức Tiểu đoàn phó chính trị tại một Trung đoàn Phòng không đóng quân ở Đà Nẵng, một sự cố đáng tiếc xảy ra khiến cuộc đời binh nghiệp Đại úy Hòa sang ngã rẽ khác. Bản lĩnh anh Bộ đội Cụ Hồ không cho phép buông xuôi, bởi phía sau anh còn có gia đình cần chăm lo. Tháng 5-1998, anh xin làm công nhân tại một công ty sản xuất gạch bloc. 

Những năm tháng gắn bó quân ngũ, vợ là giáo viên dạy Sử đã gieo trong anh ước mơ trở thành thầy giáo dạy Sử. Được vợ khích lệ, hàng ngày đi làm anh mang theo sách Sử, tranh thủ giờ nghỉ trưa để ôn lại kiến thức. Sau một năm miệt mài tự học ôn, tháng 7-1999, anh khoác hành lý ra Huế, vào Quy Nhơn dự thi ĐH chuyên ngành sư phạm Sử, đỗ cả hai trường và quyết định chọn Trường ĐH Sư phạm Huế, nơi vợ từng học. Nhớ khoảng thời gian đầy khó khăn này, thầy Hòa xúc động: “4 năm học ở Huế là khoảng thời gian vất vả nhất của vợ tôi. Ngoài giờ dạy ở Trường THPT Hoàng Hoa Thám, cô ấy thuê chỗ bán cà-phê, nhận thêm việc bán bảo hiểm, nuôi heo... Việc gì có thể làm được cô ấy đều làm để nuôi tôi học ĐH”. “Học ĐH ở tuổi 34, thầy bị áp lực gì không? Tại sao thầy không chọn môn khác lại chọn Sử theo đuổi trong khi biết học trò ngày nay ít chọn học Sử?”- tôi tò mò hỏi. “Tôi không thấy có áp lực, bởi sự học là suốt đời! Những năm tháng trong quân đội giúp tôi thêm yêu lịch sử nước nhà. Tôi muốn làm một điều gì đó để giúp HS nhận thấy tầm quan trọng của môn học này. Sử là bộ môn khoa học xã hội gắn liền với cuộc sống, với sự phát triển của xã hội. Học Sử để biết lịch sử để thêm yêu đất nước!”, thầy Hòa bộc bạch.

Thầy Hòa lập gia đình năm 1991, vợ người cùng quê. Lúc lấy nhau, cô đang dạy tại một trường THPT ở Phong Điền,  TT- Huế. 4 năm sống cảnh “Ngưu lang Chức nữ”, năm 1995, thầy xin chuyển được cô về dạy tại trường THPT Ông Ích Khiêm (QN-ĐN cũ, nay TP Đà Nẵng). Lúc này, họ có một cháu gái 3 tuổi, tiếp tục sống cảnh nhà thuê thêm vài năm mới xây dựng được căn nhà cấp bốn trên mảnh đất do quân đội cấp gần KCN An Đồn. Đến năm 1999, cô chuyển về trường THPT Hoàng Hoa Thám. Năm 2003, thầy tốt nghiệp, xin về dạy tại trường THPT Ngũ Hành Sơn đến năm 2005 thì được chuyển về dạy cùng trường, cùng tổ bộ môn với vợ. Cũng trong năm đó, họ có thêm cháu thứ 2. Cuộc sống vẫn khó khăn, vất vả. Ngoài giờ lên lớp, vợ chồng thầy làm thêm đủ thứ, mở quán bán cà-phê tại nhà. Có thời điểm, ngoài giờ dạy, thầy thuê bãi để giữ xe.

Phải biết kể chuyện lịch sử khi dạy Sử

Trăn trở trước tác động của đời sống kinh tế thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của cha mẹ và HS với môn Sử, nhưng cũng không ảo tưởng có thể làm thay đổi nhận thức này một sớm một chiều, thầy Hòa cố gắng làm sao để HS không xem nhẹ môn học này. Ngoài vốn kiến thức thực tế học được trong thời gian quân ngũ, thầy tìm tòi thêm hình ảnh, áp dụng công nghệ thực hiện trình chiếu các nội dung bài giảng để giờ dạy Sử không rơi vào khô khan, “khó nuốt” với HS. “Chương trình môn Sử trong SGK khá nặng, trong khi các em còn phải học rất nhiều môn khác. Vì thế, khi dạy, tôi cố gắng cô đọng ngắn gọn kiến thức, nội dung cơ cơ bản. Theo tôi, dạy Sử phải biết cách kể chuyện, lồng ghép những câu chuyện gắn liền nội dung bài giảng để giờ dạy- học Sử có sức lôi cuốn, hấp dẫn HS”, thầy Hòa chia sẻ.   

Để động viên học trò học Sử, khi dò bài, thầy hay đặt một số câu hỏi tạo hiệu ứng cảm thụ cho HS, hoặc cho điểm cộng với HS có câu trả lời hay, hiểu bài trong giờ học, chấm điểm cao cho bài viết thu hoạch có quan điểm, góc nhìn về lịch sử sau khi được đi tham quan, tìm hiểu lịch sử tại các bảo tàng... Với tâm niệm đã chọn ngành học này thì phải yêu nghề, phải có trách nhiệm đến cùng, nên trong giờ dạy phát hiện học trò lấy môn học khác ra học, dù buồn nhưng thầy không rầy la mà chỉ cho các em thấy cái sai khi không tôn trọng người thầy đang giảng bài. Đồng thời động viên HS cố gắng ít nhiều phải nắm được những kiến thức cơ bản về lịch sử nước nhà, để ai hỏi còn biết, đừng để bị xem không có nền tảng kiến thức cơ bản... Cựu HS Châu Minh Hoàng chia sẻ cảm nghĩ về thầy Hòa: “Dù không được thầy chủ nhiệm, nhưng em rất quý thầy. Thầy dạy Sử rất hay, lại vui tính, rất tâm lý nên học giờ thầy không chán. Cả thầy và cô đều rất thương học trò”.

Tâm lý với học trò

Khi còn làm giáo viên chủ nhiệm đến lúc thôi không đảm trách công việc này, thầy Hòa vẫn được nhiều thế hệ HS Hoàng Hoa Thám yêu quý. Khi biết gia đình thầy khó khăn phải làm thêm việc giữ xe ngoài giờ để lo hai con ăn học (con gái đầu tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, tự tìm học bổng du học tại Australia để học thạc sĩ, con thứ hai đang học lớp 7), học trò đem xe đến bãi giữ xe thầy gửi. Hỏi thầy không sợ mất đi hình ảnh trong mắt học trò về điều này, thầy tươi cười đáp: “Mình đâu làm gì sai mà sợ mất đi hình ảnh trong mắt học trò? Lên bục giảng, mình là một người thầy đúng mực. Còn giữ xe là việc làm thêm để mưu sinh. Học trò hiểu hết. Các em biết phân biệt đâu là người thầy tận tâm, đâu là người thầy vụ lợi. Tôi tin thế!”.

Nhiều HS khi được hỏi về thầy Hòa đều nhận xét, đó là người thầy không vì chuyện học trò không thích Sử mà tìm cách chèn ép, không câu nệ cúi xuống nhặt rác do học trò vô ý xả trên sân trường hay trong lớp học, rất vui tính và tâm lý với HS. Chính sự gần gũi, thân thiết, nắm bắt tâm lý học trò, thầy Hòa đã tạo được dấu ấn với nhiều thế hệ HS. Có em kết bạn với một số bạn ngoài trường chưa ngoan, thường xuyên bỏ học, thầy đến tận nhà tìm hiểu mới hay bố mất, mẹ bất lực khuyên răn không được. Thế là mỗi sáng, thầy “làm chuông báo thức” gọi điện đến nhà nhắc học trò đi học...

Đem chuyện sao không để thầy Hòa tiếp tục làm chủ nhiệm, tôi được Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hưng giải thích bằng lời khen: “Đúng là thầy Hòa có “biệt tài” về công tác chủ nhiệm, chuyên môn cũng rất “cứng”. Tổ Sử cần có một người như thầy Hòa làm tổ trưởng. Làm tổ trưởng cực lắm, phải “đầu tàu” trong tất cả mọi chuyện. Ngoài việc tham gia soạn ngân hàng đề, khi GV nghỉ đột xuất vì lý do gia đình, sức khỏe, Tổ trưởng phải là người dạy thay đầu tiên. Dù tiếc, nhưng nếu để thầy kiêm nhiệm 2 công việc thì thật không công bằng...”. Cũng theo Hiệu trưởng Quang Hưng, thầy Hòa là một giáo viên tận tâm, tận tụy, tính thẳng thắn, cương trực. Với những đức tính đáng quý này, thầy được nhà trường tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban Thanh tra nhân dân.

P.THỦY