Tư duy đổi mới ở các chủ thể nông dân mới

Thứ hai, 06/06/2022 17:19
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng những năm gần đây, người nông dân H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi các mô hình sản xuất truyền thống sang các mô hình sản xuất nông sản sạch theo hướng hiệu quả và bền vững.
Nông dân H. Hòa Vang ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau ăn lá trong nhà kính.
Nông dân H. Hòa Vang ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau ăn lá trong nhà kính.

Điểm qua các phiên chợ nông sản do một số xã trên địa bàn H. Hòa Vang đã tổ chức, các sản phẩm gạo hữu cơ, rau, củ, quả, nấm linh chi, nấm sò, cá nước ngọt… luôn được người tiêu dùng đón nhận. Bà Nguyễn Thị Đào (quê xã Hòa Phong, trú P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ) bộc bạch: "Các sản phẩm bày bán đều có nguồn xuất xứ rõ ràng nên tôi rất yên tâm khi mua để chế biến thức ăn cho bữa cơm gia đình. Vì vây, mỗi khi nghe người thân thông tin ở quê có tổ chức phiên chợ nông sản là tôi tranh thủ về"…

Thật vậy, ngành nông nghiệp của huyện thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực, giới thiệu được nhiều sản phẩm tiêu biểu gắn với việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp có quy mô lớn và tính chuyên nghiệp cao như: Bánh tráng Túy Loan, Rau sạch Túy Loan (xã Hòa Phong); Kiệu hương, Nấm linh chi xã Hòa Nhơn; Gạo thơm VietGAP xã Hòa Tiến; Trứng cút sạch, Gạo hữu cơ xã Hòa Phước; Cá nước ngọt xã Hòa Khương; Bánh khô mè xã Hòa Châu, Bưởi da xanh xã Hòa Ninh; Rượu cần Cơ Tu (xã Hòa Phú)… Nhờ đó giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ngày càng tăng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, đóng góp đáng kể vào Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, các phiên chợ nông sản chính là sự kết nối giữa người sản xuất và tiêu dùng trong khu vực. Nhìn một cách trực quan, hầu hết các loại nông sản đặc trưng, thế mạnh của vùng nông thôn Hòa Vang đã có dịp khoe vị, tỏa hương. Phiên chợ thường chỉ gói gọn trong 1 ngày, doanh thu chưa nhiều nhưng đã nói lên được điều là người tiêu dùng luôn tin tưởng vào các loại nông sản sạch. Tin tưởng không chỉ qua lời giới thiệu hoa mỹ, mà chính từ việc được mắt thấy, tai nghe, miệng nếm. Lòng tin ấy còn được vun đắp bởi hầu hết các loại nông sản đều chăm bón, bảo quản theo tiêu chuẩn an toàn được chứng nhận và kiểm soát... Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất trong nhà kính có lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, tránh được thời tiết khắc nghiệt, côn trùng gây hại nên giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích được nâng lên đáng kể.

Đến nay, với sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền, các ban ngành chuyên môn, vùng nông thôn Hòa Vang đã có các sản phẩm Bánh tráng Túy Loan, Kiệu hương Hòa Nhơn, Bưởi da xanh Hòa Ninh, Chè dây Hòa Bắc, Bánh khô mè Quang Châu (Hòa Châu) đã được cấp giấy đăng ký nhãn hiệu và trao giấy chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Cho nên, việc gìn giữ thương hiệu sản phẩm sau bảo hộ đã và đang trở thành vấn đề được quan tâm bởi những lợi ích thiết thực cũng như hiệu quả kinh tế mang lại. Trong đó, vấn đề đặt ra là sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý, tiếp tục đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất để phát triển giá trị sản phẩm. Do vậy, việc bảo vệ phát triển các nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký cần tiếp tục có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và nhân dân các địa phương…

VY HẬU