Từ những tên làng...
Làng quê. |
Dường như hầu hết ở các làng quê Việt Nam bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với cái tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…
Với tôi, tuổi thơ gắn liền với quê nội quê ngoại của vùng đất bên bờ Bắc sông mẹ Thu Bồn xứ Quảng. Tuổi thơ tôi đã thấm thía những kỷ niệm về làng quê yêu dấu, từ những bước đi chập chững và giọng quê rặt chất Quảng xứ khi gọi tên ba mẹ, ông bà nội ngoại, những bạn bè thân yêu và biết bao nhiêu người nữa. Rồi những con đường về làng, thuộc những tên làng của cả miền quê vào ký ức ngập tràn nắng mưa bão lũ. Tên làng cứ neo đậu mãi cùng với bóng dáng tảo tần của những người dân quê tôi, như cỏ cây hoa lá, như bãi biền bắp lúa khoai sắn nuôi mỗi phận người lớn lên...
Tôi nhẩm lại những tên làng ở quê mình. Tên làng nào cũng đẹp, cũng thân thương và đau đáu nỗi nhớ mong quê nhà khi mình thỉnh thoảng mới được về quê. Là những đợi chờ, thầm mong, và háo hức khi bước chân trở về được nhìn thấy ngay từ đầu làng là chiếc cổng làng uy nghi và lặng lẽ bao nắng mưa vẫn vững vàng đứng đó, giữ nguyên vẹn lưu dấu tên làng. Tự bao giờ, tên làng, cổng làng là hiện thân của bóng dáng quê nhà. Nhẩm lại những tên làng ở quê tôi như Thi Lai, Văn Thánh, Hòa An, La Tháp..., cách đặt tên cho một vùng đất, cho một làng là cha ông thuở lập làng đã gửi gắm những ước mơ, niềm tin và khát vọng về sự bình yên, ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng. Vì vậy, mỗi tên đất, tên làng luôn gợi lên những nguồn cội yêu thương, niềm tự hào của bao thế hệ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mỗi đời người.
Một nhà thơ đã từng viết: "Như chiếc rễ ăn sâu vào đất/ Ai nhổ được tên làng/ Ra khỏi vùng ký ức?". Đúng vậy, với mỗi miền quê, tên làng là di sản văn hóa độc đáo. Và với mỗi người, tên làng là cả nỗi niềm ưu tư, thao thiết nhớ về quê nhà, tuổi thơ trong những chuyến đi xa hay lập nghiệp xa xứ. Vì thế, qua nhiều lớp lớp thời gian, những tên đất, tên làng vẫn là một phần văn hóa, là sợi dây gắn kết quá khứ và hiện tại... Sinh ra từ làng, lớn lên từ làng, tuổi thơ tôi thấm đẫm câu hát ru của bà của mẹ, tiếng nghé ọ trên cánh đồng quê, câu hát hò khoan của bác chài lưới trên sông... Tôi thấm đẫm từng con đường làng nắng mưa, những mùa đồng khô cháy ngày hè, bãi bờ biền quê xanh ngắt trong mùa xuân tưng bừng giong cờ trống hội làng, hay mưa gió bờ bời mùa mưa lũ tráng sông trắng sông. Tôi nhớ và thu hồn mình trong những kỷ niệm của làng quê, chắt chiu từng lát cắt ký ức trong nỗi nhớ về mỗi tên làng tên đất. Làng Thi Lai quê ngoại nổi tiếng thoi đưa dệt vải một thời, làng quê nội Phú Bông trồng dâu nuôi tằm một thuở, làng Chiêm Sơn với nghề vấn chổi đót, làng Hòa An, Đông Yên ươm tơ... Tôi thầm quy ước cho riêng mình đó là miền ký ức của những làng tôi biết, tôi đã từng sống nơi ấy, tôi cất vào ngăn kéo những khuôn mặt người biết tên và cả không biết tên. Mãi sau này đi xa làng, gặp một "nét" nào đó tương đồng, tôi lại giật mình thảng thốt, rồi liên tưởng và quay quắt nhớ, nhớ làng, nhớ tên làng... Tôi càng hiểu, mỗi tên làng là gốc gác, là nguồn cội, là giá trị linh thiêng của một vùng đất mà bất kỳ ai đó cũng khó lòng bị lãng quên.
Trong trường ca "Đất nước", nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khẳng định: "Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh cả tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân". Câu thơ rưng rưng niềm xúc cảm chân thành, dù ở nơi nào và lúc nào, thì trong tiềm thức của mỗi người đều đậm sâu hình bóng quê hương, nỗi nhớ làng quê mình đều trở thành nỗi nhớ thường trực, da diết và sâu lắng trong tâm khảm. Tôi nhớ ba tôi, người luôn dặn dò các anh chị em tôi vào những ngày Tết, ngày giỗ ông bà, rằng dù đi đâu, ở đâu thì cũng không lãng quên đi gốc gác, nguồn cội từ trong gia đình đến làng xóm, quê hương. Tôi nhớ những lời truyền giảng của thầy dạy hồi cấp ba khi học về bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm, rằng những đôi chân trần đi dọc theo chiều dài đất nước thuở nào nhưng trong đôi quang gánh ấy, biết bao tên đất, tên làng cũng theo cùng những bước chân lưu lạc của họ, gắn bó nặng sâu nghĩa tình trong nỗi nhớ và nỗi khắc khoải của những đứa con ly hương xa xứ...
Tên làng là bản sắc văn hóa, là cội nguồn và tồn tại mãi mãi trong không gian cùng thời gian, trong tâm tưởng của mỗi con người. Vỉa tầng văn hóa này được bảo tồn và phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong những năm gần đây, nhờ thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các thiết chế văn hóa cổng làng, khắc tên làng lưu dấu ấn lịch sử về vùng đất. Bây giờ, mỗi lần đi về những làng quê mình, tôi được đi trên các trục đường và dễ dàng nhận thấy cổng chào của làng được xây dựng khang trang với hàng chữ ghi rõ tên làng như "Thôn Thi Lai", "Thôn Phú Bông"... Hình ảnh cổng làng, tên làng như một sự gợi cảm thân thương, gắn bó và gần gũi với mỗi người dân quê, nhất là người đi xa quê về lại quê nhà. Bất chợt tôi nhớ câu thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh "Xưa tôi sống trong làng, giờ làng sống trong tôi!...". Hãy gìn giữ những giá trị ấy, để mỗi tên làng là nguồn cảm xúc và niềm yêu thương bất tận của mỗi người. Thiêng liêng và tự hào, là từ những tên làng...
THẢO NGUYÊN