Tuồng và Dân ca vẫn sống
Đến với Liên hoan, các địa phương đã có sự đầu tư và tập luyện, dàn dựng chu đáo. Đây thực sự là ngày hội của hơn 100 diễn viên không chuyên đến từ các địa phương trên địa bản tỉnh như Quế Sơn, Duy Xuyên (thể loại Tuồng); Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành, Điện Bàn, Đại Lộc, Tiên Phước (Dân ca)… Mỗi đơn vị dự thi trình diễn 1 trích đoạn tuồng hoặc 1 tiểu phẩm dân ca (thời lượng 20- 30 phút). Về thể loại Tuồng, huyện Duy Xuyên đã chọn CLB Tuồng xã Duy Thu tham gia biểu diễn một trích đoạn "Tạ Sai Cơ" được trích trong kịch bản Tuồng cổ "Ngọn lửa Hồng Sơn" của cố tác giả Tống Phước Phổ.
Chỉ có hai diễn viên Nguyễn Văn Ba (vai lão Tạ) và Phan Thị Yến Nhi (vai Phương Cơ), trích đoạn đã nêu bật chủ đề về các chữ Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa là đạo lý muôn đời của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa lưu lại qua nhiều giai đoạn trong sử sách. Sinh năm 2001, em Phan Thị Yến Nhi đến với nghệ thuật Tuồng qua các tiết học ngoại khóa từ nhà trường phổ thông và thỉnh thoảng tham gia các hội thi, liên hoan hay giao lưu diễn tuồng ở địa phương. Em cho biết: Nghệ thuật Tuồng là niềm yêu thích của em, dù hiện nay có nhiều bạn trẻ không còn mặn mà xem hay theo đuổi con đường nghệ thuật này. Tại hội thi, cách diễn xuất thần thái, điệu bộ, cử chỉ… đã toát lên được thần thái của nhân vật, thuyết phục ban giám khảo đánh giá cao.
Cũng tham gia ở thể loại Tuồng, huyện Quế Sơn trình diễn vở "Nghêu sò ốc hến". Nghêu, Sò, Ốc, Hến là một vở Tuồng cổ không có nhân vật chính diện. Các nhân vật trong trích đoạn được các diễn viên không chuyên của huyện Quế Sơn vào vai một cách tài tình và sáng tạo, châm biếm, chế giễu và hài hước. Anh Phan Đình Long vào vai quan tri huyện với những cử chỉ, điệu bộ… toát lên chân dung của sự bóc lột tồi tệ nhất là chuỗi tiền và chuỗi tình, tố cáo cái thành trì lễ giáo phong kiến thối nát. Toàn bộ trích đoạn có 6 nhân vật các nhân vật, tiêu biểu như vai Hến (Trần Thị Kim Yến đóng), vợ quan huyện (Võ Công Uân)… đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn, tạo ra cảnh diễn tuồng hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Huyện Quế Sơn đã có sự đầu tư kỹ lưỡng và đem đến liên hoan "bữa tiệc tuồng" thật ấn tượng.
Về thể loại Dân ca, mỗi địa phương đều đem đến liên hoan những mảng đề tài khác nhau và sử dụng phong phú các làn điệu dân ca xứ Quảng. Với ca cảnh dân ca "Không gian thì thầm" của cố tác giả Nguyễn Ngọc Ký, TP Hội An trình diễn về thời hậu chiến sau 50 năm đã lùi vào quá khứ. Các nhân vật Hùng- cựu chiến binh (Dương Quý đóng), Thảo- đồng đội, người yêu Hùng thời chiến tranh (Thu Sang đóng) và Kim Anh (vai dòng sông- người kể chuyện) cùng tốp múa và tốp ca nam nữ phụ họa đã phối hợp diễn xuất linh hoạt, ngợi ca tình yêu trong sáng, thủy chung qua giọng hát dân ca sâu lắng ngọt ngào. Hay vở kịch "Nỗi lòng người mẹ mù" (tác giả Lê Công Danh) của thị xã Điện Bàn xoáy sâu vào sự tha hóa đạo đức. Vở kịch thông qua câu chuyện gia đình, nhân vật người mẹ mù là cụ Muộn (do Thanh Châu đóng) đã lột tả được nỗi đau của người mẹ mù ở tuổi "gần đất xa trời" chứng kiến những việc làm vô lương tâm, mất hết tình cảm anh em, mẹ con trong gia đình. Các nhân vật mỗi người mỗi tính cách khác nhau, tựu trung lại giải quyết "nút thắt" về phân chia tài sản gia đình, nhưng trên hết là sự giải quyết "thấu tình đạt lý" để hướng đến những điều tốt đẹp, đọng lại những tình cảm máu mủ ruột rà và bài ca về lòng yêu thương, san sẻ, gắn kết con cháu trong gia đình.
Ngoài ra, nhiều địa phương khác đã tham gia ở thể loại dân ca như huyện Núi Thành (Kịch: Cho cả ngày mai), Tiên Phước (Tiểu phẩm: Tiếng tơ lòng), Đại Lộc (Kịch hài: Năm Nổ mất nết), Tam Kỳ (Kịch: Cạm bẫy cuộc đời)… đã mang đến liên hoan nhiều nội dung phong phú, vận dụng nhiều làn điệu Dân ca xứ Quảng trong việc đặt lời mới cho dân ca, mang hơi thở cuộc sống đương đại nhưng vẫn đậm sắc màu nghệ thuật truyền thống, dễ đi vào lòng người…
Nhận xét về các tiết mục tham dự Liên hoan, Nghệ sĩ nhân dân Từ Minh Hiệp, thành viên ban giám khảo cho biết: Tuồng và Dân ca là hai loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc và Quảng Nam đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc này. Các địa phương tham gia dự thi đã có sự đầu tư, sáng tạo và tìm tòi cái mới, linh hoạt trong khi khai thác đề tài, lựa chọn diễn viên và dàn dựng vở diễn đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng".
Sau hơn hai năm tạm ngưng các hoạt động văn hóa- văn nghệ vì dịch bệnh COVID-19, Liên hoan lần này là sự "khởi đồng" về loại hình nghệ thuật truyền thống, lan tỏa phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng. Sự đầu tư, lựa chọn từ cơ sở để chọn ra tiết mục dự thi của các địa phương đã mang lại hiệu ứng tích cực cho chất lượng liên hoan. Theo đánh giá của ban tổ chức, Tuồng và Dân ca là loại hình nghệ thuật có nhiều giá trị đặc sắc cần bảo tồn, giữ gìn, lan tỏa vào đời sống xã hội. Đây là dịp các địa phương giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và phát hiện những nhân tố mới để bồi dưỡng, tiếp tục lan tỏa phong trào văn hóa văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân.
QUYÊN QUYÊN