Tuyển sinh đại học 2025: Xuất hiện nhiều ngành đào tạo mới

Thứ tư, 08/01/2025 08:39

Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mùa tuyển sinh năm 2025, nhiều trường đại học tại TP Hồ Chí Minh dự kiến mở các ngành đào tạo mới.

Thông tin về định hướng đào tạo năm 2025, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường sẽ tiếp tục phát triển chương trình đào tạo liên ngành, liên trường phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước, đặc biệt là một số lĩnh vực then chốt như: Công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. ĐHQG TP Hồ Chí Minh phát triển các ngành đào tạo mới liên quan đến năng lượng tái tạo, điện hạt nhân phục vụ chiến lược phát triển quốc gia về năng lượng điện, logistics mới cung cấp nhân lực phục vụ vận hành hệ thống đường sắt đô thị (Metro), Sân bay quốc tế Long Thành, Đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Chương trình đào tạo liên ngành, xuyên ngành là một trong những xu thế tất yếu của giáo dục đại học (GDĐH), đây cũng là hướng ưu tiên trong hoạt động đào tạo của ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Dự kiến năm 2025, đại học này sẽ có thêm một số liên ngành mới như: Công nghệ giáo dục, Kinh tế đất đai, Công nghệ nông nghiệp số, Kinh doanh nông nghiệp số, Công nghệ Y - Dược. Với 8 trường đại học trong hệ thống, ĐHQG TP Hồ Chí Minh đang có 147 mã ngành đào tạo trình độ đại học. Riêng năm 2024, trường có 14 ngành học mới tuyển sinh và bắt đầu đào tạo tại 6 đơn vị thành viên.

Một xu hướng đáng chú ý trong mùa tuyển sinh đại học năm 2025 là nhiều trường đại học mở rộng lĩnh vực đào tạo với định hướng đa ngành, đa lĩnh vực, thay vì chỉ tập trung các ngành chuyên sâu, truyền thống. Như tại Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, bên cạnh 5 ngành đào tạo truyền thống, năm 2025, trường dự kiến mở thêm 2 ngành học mới ở lĩnh vực kinh doanh quản lý là: Kinh doanh quốc tế, Tài chính - Ngân hàng. Riêng lĩnh vực pháp luật, trường cũng dự kiến mở mới ngành Luật kinh tế. Theo đó, năm 2025, trường cũng sẽ tăng 800 chỉ tiêu tuyển sinh, giữ nguyên ba phương thức xét tuyển.

Theo Thạc sĩ Lê Văn Hiển - Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Đào tạo, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, việc mở ngành mới ở lĩnh vực mới này nhằm thực hiện định hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.

Tương tự, bên cạnh 45 ngành hiện có, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ mở thêm 6 ngành đào tạo mới trong năm 2025 gồm: Quản lý tài nguyên và môi trường (chuyên ngành môi trường và phát triển bền vững); Công nghệ tài chính; Quản trị kinh doanh; Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường); Công nghệ truyền thông (truyền thông số và công nghệ đa phương tiện); Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, là ngành thuộc lĩnh vực mới so với các chương trình đào tạo lâu nay của trường.

Đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội trong thời đại công nghệ, kinh tế số và toàn cầu hóa, các ngành học thuộc các lĩnh vực liên quan cũng được các trường mở rộng đào tạo. ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh thêm 2 chương trình mới trong năm 2025 gồm Phân tích dữ liệu và Quản trị doanh nghiệp bền vững. Trường ĐH Tài chính - Marketing dự kiến tuyển sinh 3 ngành mới là Khoa học dữ liệu, Kiểm toán và Quản lý kinh tế...

Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ tốt nghiệp THPT. Với nhiều đổi mới trong dạy học và thi tốt nghiệp theo chương trình mới, công tác tuyển sinh đại học năm 2025 cũng có nhiều điều chỉnh phù hợp. Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến rộng rãi trong toàn xã hội, trong đó Bộ “siết” việc xét học bạ; nâng “sàn” xét tuyển vào các ngành Sư phạm, Sức khỏe; điểm trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển được quy về một thang chung.

Mới đây, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết, Ban Soạn thảo Quy chế dự kiến trình lãnh đạo Bộ bỏ xét tuyển sớm (các đợt xét tuyển trước kỳ thi tốt nghiệp THPT). Theo đó, hoạt động tuyển sinh sẽ được tổ chức chung ở thời điểm sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ở đợt này, các trường vẫn được sử dụng tất cả các phương thức xét tuyển.

Thu Hoài