Văn học nghệ thuật - Nhịp cầu của tình hữu nghị
Với Ấn Độ, nếu có một chữ gọi là "Duyên", thì với riêng tôi đúng là "Duyên" thật.
Thời cấp II, lần đầu tiếp xúc với quyển sách có tên Mahabharata - một tác phẩm cổ về sử thi Ấn Độ (sách khá dày), được cho mượn, tôi đã đọc ngấu nghiến, say mê suốt mấy đêm liền bên ánh đèn dầu sau khi đã giải quyết nhanh bài vở của ngày hôm sau.
Sau "Mahabharata" lại có duyên gặp "Mùa tôm" ở nhà một người bạn. "Mùa tôm" là một tiểu thuyết tiêu biểu của nền Văn học của xứ sở sông Hằng, sau này được dựng thành phim. Lại tranh thủ mượn đọc. Từ đó, thầm kín trong lòng niềm mơ ước được đặt chân đến đất nước Ấn Độ xa xôi, lạ lẫm nhưng kỳ vĩ và đầy hấp dẫn kia. Và rồi, ước mơ đó cũng nhờ "Duyên" mà thành hiện thực!
Cách đây hơn 15 năm, vào cuối tháng 1-2009 tôi và nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm được UBND TP Đà Nẵng nhất trí đề cử và tài trợ, để sang thành phố Kolkata, Ấn Độ tham dự Festival thơ Quốc tế lần thứ 3 và Hội chợ sách Quốc tế lần thứ 33.
Kolkata là tên gọi mới của Calcutta kể từ ngày 1-1-2001. Thành phố này nguyên là thủ đô thời Ấn Độ là thuộc địa của Anh. Kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập năm 1947, Thủ đô dời về New Delhi. Hiện nay Kolkata là thủ phủ của vùng Tây Bangal (West Bangal). Đây là thành phố lớn thứ 3 của Ấn Độ (sau Mumbai và New Delhi) với dân số hiện tại gần 15 triệu người.
Thời điểm chúng tôi đến, chỉ sau vụ đánh bom khủng bố tại Bombay khoảng 1 tháng, nên xe di chuyển trên đường được kiểm soát rất chặt chẽ. Người ta dùng máy dò mìn kiểm tra gầm xe đi vào các tuyến đường chính trong thành phố. Đặc biệt, khu vực tổ chức Festival thơ và Hội chợ sách Quốc tế an ninh được tăng cường rất nghiêm ngặt. Có cả tiểu đoàn quân nhân được trang bị vũ trang để đảm bảo an toàn không khác gì khu vực đang xảy ra chiến sự. Nói vậy để thấy tinh thần thơ ca, tình yêu thơ ca và yêu sách của Ấn Độ đáng yêu, đáng trân trọng biết chừng nào.
Có đại diện của gần 50 nước với gần 300 đại biểu tham dự Festival thơ lần đó. Ngôn ngữ sử dụng chung là tiếng Anh. Nhưng trên diễn đàn thơ ca, các tác giả tham gia đọc tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ và nếu có thêm bản đọc tiếng Anh nữa thì càng tốt. Thi sĩ của các nước như Pakistan, Israel, Afghanistan... và nhiều tiểu bang Ấn Độ cũng lân la làm quen và tặng cho nhau những tập thơ, những bài thơ mà các con chữ được viết bằng ngôn ngữ chỉ có thể ngắm nhìn mà thôi, nên không thể nào đoán và hiểu nổi nội dung viết gì. Ấy vậy mà vẫn cứ vui và mang về cất giữ trong tủ sách làm kỷ niệm... Văn học nghệ thuật như là nhịp cầu kết nối giữa các nhà thơ. Nói rộng hơn nữa là sự kết nối tình hữu nghị giữa các Quốc gia, Dân tộc.
Tôi nhớ mãi hình ảnh của Nhà văn, Nhà báo Geetesh Sharma- Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ- Việt Nam cùng người trợ lý đón chúng tôi tại sân bay quốc tế Kolkata vào lúc nửa đêm và chúc mừng chúng tôi đến với Festival thơ bằng những vòng hoa quàng vào cổ. Ông Geetesh Sharma đã rất nhiều lần đến Việt Nam, có nhiều đầu sách viết về Việt Nam - Hồ Chí Minh và đặc biệt, ông rất yêu Đà Nẵng. Năm 2009, ông đã dành riêng cho Đà Nẵng một quyển sách- ấn bản bằng tiếng Anh với nhan đề "Danang portrays Vietnam today" (Chân dung Đà Nẵng Việt Nam ngày nay). Tôi từng có bài báo về ông, gọi ông là sứ giả của tình hữu nghị Ấn- Việt. Rất tiếc, vì tuổi cao sức yếu, đại dịch Covid vừa qua đã thiên di ông về cõi khác.
Sau chuyến đi, chúng tôi vẫn giữ mối liên lạc với những người bạn Ấn. Thỉnh thoảng email và sau này là facebook chuyện trò, trao đổi với cô Pravamayee Shamantaray. Cô Pravamayee Shamantaray là nhân viên của văn phòng Hội Hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ, cô là thạc sĩ Tiếng Anh (hiện, đã lấy bằng tiến sĩ) và là một nhà thơ. Đến nay mối liên lạc đó vẫn còn. Có lần, cô ấy muốn giới thiệu hoạt động của Hội Nhà văn Đà Nẵng gắn liền với vai trò của chủ tịch Hội là nhà thơ Nguyễn Kim Huy. Tôi làm vai trò kết nối. Bài báo được phát hành bằng tiếng Hindi, trong đó có mấy bài thơ của nhà thơ Nguyễn Kim Huy được chuyển thể từ tiếng Anh qua tiếng Hindi.
Vừa qua (5-2024), trong thi phẩm song ngữ Việt Anh "Những đóa hoa mùa xuân" (The spring flowers) của Hội hữu nghị Việt- Ấn TP Đà Nẵng có giới thiệu chùm thơ của cô Pravamayee Shamantaray cùng 6 tác giả Ấn Độ khác. Trong tập thơ này có 5 tác giả là hội viên của Hội cùng góp mặt. Sách được chuyển tặng sang Ấn Độ như là thông điệp của tình hữu nghị, tinh thần đoàn kết và gắn bó giữa Đà Nẵng và Ấn Độ.
Từ xưa đến nay, văn học và nghệ thuật luôn luôn là chiếc cầu nối trong mối quan hệ giữa các Quốc gia, Dân tộc. Ngày nay, nhờ có công nghệ thông tin văn học nghệ thuật càng được phát huy hơn nữa về vai trò gắn kết, là nhịp cầu thân thiện của tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Xin trích vài dòng từ ký sự đường xa "Ấn tượng Kolkata" trong tập sách "Lang thang xứ người" (NXB Hội Nhà văn - 2014) của tôi: "Tiếng quạ kêu đầy trời báo hiệu bình minh lên hay hoàng hôn đang dần buông xuống. Trong khi ở các làng quê Việt Nam ngày càng mất dần đi bóng dáng và tiếng quạ kêu, thì ở Kolkata quạ nhiều vô kể. Chúng tụ nhau từng đàn trên các ngọn cây lớn, sống nhờ ngóc ngách của các khu nhà cao tầng và kiếm ăn lang thang trên phố, nhất là những nơi tập trung rác. Chúng dạn dĩ đến hồn nhiên sà xuống bên bước chân người đi, đậu trên các xe hơi dừng lại bên đường. Tuyệt nhiên không thấy ai có ý định bắt hoặc xua đuổi chúng".
Khi đàn quạ cất cánh, chúng bay rợp phố phường Kolkata, bay rợp trời thủ phủ của vùng Tây Bangal và bay rợp trời trong niềm mơ ước của tôi...: "Những cánh chim bay rợp trời mơ ước/Dòng sông cổ tích chảy qua hồn/ Kolkata dịu êm ngày tôi đến/ Em nghĩ gì rực cháy cả hoàng hôn?" (Kolkata).
Mai Hữu Phước