Vang mãi khúc ca khải hoàn Điện Biên
Những thời khắc lịch sử không thể nào quên
Chúng tôi gặp đại tá Hoàng Ngánh (1936, quê Nghi Lộc, Nghệ An, thương binh 4/4, nguyên Trợ lý tác chiến Cục phòng không Lục quân trước khi nghỉ hưu) tại nhà ông ở phường An Khê, quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) vào một ngày đầu tháng 5 lịch sử, khi cả nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5(1954 –2024). Ở tuổi 88, có 70 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước, ông Hoàng Ngánh vẫn nhớ như in những tháng ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Tháng 12-1953, ông Ngánh tham gia cách mạng và đi bộ đội tại Trung đoàn 44, Quân khu 4. Đến ngày 1-1-1954, ông được bổ sung vào đơn vị Trung đội 82, Đại đội 505, Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 175, Đại đoàn 312. Đơn vị ông có nhiệm vụ làm đường kéo pháo và chuẩn bị công sự cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 13-3-1954, bộ đội ta bắt đầu đánh vào đồi Him Lam. Đêm 14-3 quân ta tiếp tục đánh đồi Độc Lập, đến rạng sáng 15-3-1954 ta hoàn toàn kiểm soát quả đồi. Ngày 20-3-1954, các đơn vị bộ đội chuẩn bị đánh sân bay Mường Thanh. Đơn vị của ông Ngánh nhận lệnh đi phòng ngự và dồn địch, thu hẹp căn cứ Mường Thanh, lên cọc tiêu để cho pháo binh bắn phá. Kế đó, đơn vị ông nhận lệnh đánh cứ điểm 506, trên điểm này có 10 điểm tựa của địch. Theo lời ông Ngánh, để ngăn chặn quân ta chiếm đánh cứ điểm, địch đã gia cố cứ điểm 506 rất chắc chắn bằng dây thép gai, bẫy mìn nhiều lớp… với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ngoài ra, nơi đây được bố trí vũ khí hiện đại, tối tân. “Trái lại, bộ đội ta vũ khí hiện đại không nhiều, chỉ có một số vũ khí được các nước Trung Quốc, Liên Xô viện trợ. Chiến đấu nơi đây rất gian khổ, anh em chiến sĩ chúng tôi không có gì ngoài đầu trần, chân đất. Áo quần thì rách, mưa gió rất lạnh. Ăn uống chỉ có cơm trắng và muối vừng, nhưng chúng tôi cố gắng động viên vượt qua. Do cứ điểm 506 được địch bố trí chắc chắn nên bộ đội ta phải đào hầm hang chồn từ đó luồn lách để có thể đến được cứ điểm đánh trực tiếp vào địch. So với quân địch thì quân ta ít hơn, vũ khí cũng không tối tân nên bộ đội Việt Nam phải sáng tạo tìm cách để đánh. Mỗi hầm sẽ bố trí 3-5 người đào, khi đào đến cửa hầm của địch thì bộ đội ta dùng thủ pháo, lựu đạn để ném thẳng vào hầm của chúng để tiêu diệt. Mỗi điểm tựa như vậy chúng tôi đánh từ 5-7 ngày. Bởi vì khó nên chúng tôi phải tính toán chi li, 10 điểm tựa ở cứ điểm 506, trung đoàn chúng tôi đánh trong vòng 1 tháng mới xong”- ông Ngánh nhớ lại. Đến 15 giờ chiều ngày 7-5-1954, trung đoàn của ông Ngánh đánh chiếm xong cứ điểm 506, cùng lúc này bộ đội ta đã chiếm được sở chỉ huy của địch.
Ông bảo, ngày ấy với những chiến sĩ tham gia chiến dịch, dù gian khổ, chiến trường ác liệt, mạng sống có khi chỉ tính bằng giờ, bằng phút, nhưng hơn lúc nào hết, các chiến sĩ luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bất cứ lúc nào.“Khi đồng chí Tạ Quốc Luật thông báo địch đã đầu hàng, anh em Trung đoàn chúng tôi 300 người sau khi đánh cứ điểm 506 xong thì chỉ còn 7 người sống sót. Lúc này, chúng tôi không kìm được nước mắt mà khóc. Thương anh em đồng đội đã ngã xuống vì đất nước, vì hoà bình của dân tộc…”- ông Ngánh xúc động nhớ lại.
Sau khi bắt sống được tướng De Castries, tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ông Ngánh được điều sang tham gia giải giáp 1.500 tù binh Pháp, Âu - Phi và Mỹ về Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ. Trên đường giao tù binh, ông Ngánh vinh dự được gặp Bác Hồ đến thăm và động viên.“Lúc Bác Hồ đến tôi đang đứng ở hàng đầu tiên, nên được Bác bắt tay chúc mừng và động viên, sau đó hỏi tôi quê ở đâu. Khi tôi nói cháu quê Nghệ An thì Bác Hồ mới nói rằng Bác cũng quê Nghệ An. Bác rất vui khi gặp được một người đồng hương. Đây là kỷ niệm mà suốt đời tôi không bao giờ quên được”- ông Ngánh bồi hồi xúc động tâm sự.
Nhiệm vụ nào khó, có Thanh niên xung phong
Cùng với lực lượng vũ trang và toàn dân, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đã góp công sức đáng kể làm nên chiến công lịch sử, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ở tuổi 91, cựu TNXP Vương Thị Xuân Vy (1933, quê Đông Sơn, Thanh Hóa, hiện ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vẫn nhớ như in những ngày tháng tham gia phục vụ tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để đến được trận địa phục vụ, bà cùng đồng đội phải đi bộ hàng trăm cây số, vượt qua hàng chục “chảo lửa”, với nhiệm vụ tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm từ tiền tuyến lên chiến trường Điện Biên Phủ. “Hưởng ứng lời hiệu triệu toàn dân tham gia vận tải lương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, với mong muốn đi theo cách mạng, tôi đã tham gia Đoàn TNXP Trung ương, được phân công vào Đội 34. Công việc của tôi lúc đầu là vận chuyển lương thực, thực phẩm từ Thanh Hóa lên Điện Biên Phủ. Khi ấy, tôi mới 18 tuổi. Để vận chuyển lương thực lên đến Điện Biên Phủ, chúng tôi phải vượt qua hàng trăm cây số đường đèo dốc, vừa đi vừa mở đường do những tuyến đường bị bom đạn chia cắt. Vận chuyển giữa rừng, chúng tôi phải chắt chiu lương thực, nhường nhau từng nắm cơm. Mặc dù có bữa đói, bữa no nhưng không ai nhụt chí, tất cả mang trong mình một ý chí sắt thép, đoàn kết và chấp hành mọi mệnh lệnh của cấp trên. Khi đưa được lương thực, thực phẩm đến nơi, chúng tôi rất vui sướng, hạnh phúc và luôn có niềm tin quân đội ta sẽ chiến thắng”-bà Vy bồi hồi nhớ lại
Ngoài nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm nuôi quân, bà Vy còn được giao nhiệm vụ tải đạn, đào hào… “Ai ai cũng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp công sức của mình cho chiến thắng Điện Biên Phủ”- bà Vy hồi tưởng lại. Có thể nói, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, TNXP là lực lượng chủ lực sát cánh với bộ đội có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, mở hàng trăm kilomet đường, vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm vũ khí, phá hàng nghìn quả bom các loại, san lấp hố bom bảo đảm giao thông..., trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Sinh ra, lớn lên khi đất nước đã thống nhất, hòa bình, bản thân không chứng kiến những năm tháng chiến tranh đau thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc, nhưng mỗi chúng ta - những thế hệ đi sau đều cảm nhận sâu sắc về chiến thắng Điện Biên Phủ. Mỗi lần được nghe kể về những chiến công oanh liệt, bất diệt của bộ đội ta, con tim mỗi chúng ta lại rưng rưng niềm xúc động khó diễn tả hết bằng lời…
Thanh Hoa