Vang mãi tình ca mùa Xuân

Thứ hai, 09/01/2023 08:43
Cứ mỗi độ Tết đến, chúng ta lại nghe ngân vang những ca khúc viết về mùa xuân. “Kho tàng” nhạc xuân của đất nước từ những năm 30 của thế kỷ trước đến những năm tháng hòa bình dựng xây quả thật là rất phong phú. Mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước đều có những “xuân ca” để lại những dấu ấn riêng gắn với tên tuổi của mỗi nhạc sỹ, với những cung bậc khác nhau gắn với những thăng trầm, buồn vui của quê hương đất nước, đặc biệt là trong những giai đoạn lịch sử hào hùng của hai cuộc kháng chiến cứu nước, chống ngoại xâm và cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc những năm sau khi đất nước thống nhất.

Điểm lại những tác phẩm viết về mùa xuân xuyên suốt hai thế kỷ của nhiều tác giả, có rất nhiều ca khúc ngay ở tựa đề đã có chữ “Xuân” nhưng có lẽ ca khúc có cùng tựa đề chỉ có hai ca khúc, đó là “Tình ca mùa xuân” của cố nhạc sỹ Trần Hoàn và nhạc sỹ Tôn Thất Lập, hai nhạc sỹ tên tuổi của làng âm nhạc Việt Nam giai đoạn trước và sau năm 1975. Điều trùng hợp là cả hai ca khúc đều ra đời trong khoảng thời gian 1978-1980, giai đoạn mà đất nước vừa có hòa bình vừa có chiến tranh, cả hai “Tình ca mùa xuân” ra đời trong thời kỳ này đều mang đậm âm hưởng tự hào, vui tươi của những mùa xuân sau khi nước nhà thống nhất, hòa bình nhưng cũng rất cảnh giác và luôn trong tư thế sẵn sàng ra trận, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Những bản tình ca mùa xuân này, ngoài tình yêu lứa đôi luôn gắn với nhiệm vụ xã hội, với dựng xây và gìn giữ hoà bình, bảo vệ bình yên cho đất nước và ở nhiệm vụ nào cũng đều “có em và có anh” hiện hữu trong đó.

Trong “Tình ca mùa xuân” của Tôn Thất Lập, mùa xuân đến một cách nhẹ nhàng, lạc quan và yêu đời. “Nửa đêm nghe xuân về, nghe đời lên rất trẻ”, xuân đến vào nửa đêm, được cảm nhận như thời khắc giao thừa, cũng là mở đầu của năm mới, làm cho lòng người cảm thấy rất phấn chấn. Trong thời khắc thiêng liêng đó toát lên một ngữ cảnh thật “đắt”, được Tôn Thất Lập mô tả đầy ý nghĩa: “gọi tên anh thầm nhớ lời ru em ngọt ngào”. Cái nét xuân này của Tôn Thất Lập nghe ngọt ngào, thấm đượm tình yêu đôi lứa, và cả tình yêu đất nước. Trong cái riêng có cái chung và trong cái chung, cái riêng được ươm mầm sinh sôi, lớn lên cùng đất nước. Ý xuân được tác giả thốt lên theo từng cung bậc, trạng thái của tâm hồn đan xen, giao hòa trong hương xuân, lòng người và đất trời. Bài hát có tiết tấu chậm, không nhạt mà rất đậm đà, súc tích, sâu lắng đến từng chi tiết. Xuân đến không đường đột, bất ngờ mà “... đến thật lâu mới hay tình ban đầu”, Xuân như mùa “hoa vừa nở, cánh én tung trời cao, xuân như tình kết nụ, như hồng giấc em ngủ” và “đời vui khoác áo mới, phố phường hát tình ca”. Trong cái “riêng tư” của đôi lứa ấy là hình ảnh “Xuân đến khắp mọi nhà, hát mừng bao tin lạ, mùa xuân mùa yêu thương, tình xuân tình quê hương”.

Ở đoạn 2 của ca khúc, tác giả đã khắc họa rõ nét hơn tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu của người con gái dành cho người người yêu, người lính luôn lạc quan yêu đời, “ôm đàn ôm cây súng đứng gác bao niềm vui”. Để rồi cuối bài hát, người con gái thốt lên lời tình yêu, niềm tự hào về chàng chiến sỹ của mình “Anh đi về cuối trời giữ mùa xuân còn mãi, từng ngọn cây biên giới đến ngàn sóng ngoài khơi. Em đứng hát bên trời, hát tặng anh xuân này, bài ca của quê hương, bài ca của yêu... thương”. Theo tác giả, mỗi ca khúc của ông ra đời đều gắn với một kỷ niệm và “Tình ca mùa xuân” cũng không là ngoại lệ khi ông sáng tác dành tặng người yêu, cũng chính là vợ của mình. Cái tài tình của nhạc sỹ là khi ông lấy người yêu, người vợ của mình là hình ảnh, nguồn cảm hứng để viết lên bản tình ca không của riêng mình mà là cả tình ca chung của mùa xuân đất nước.

Về ca khúc “Tình ca mùa xuân” của Trần Hoàn, nếu trong “Tình ca mùa xuân” của Tôn Thất Lập, mùa Xuân đến một cách lặng lẽ, thấm chậm và sâu lắng từ như cùng thời điểm giao hòa giữa năm cũ và năm mới thì Tình ca mùa xuân của Trần Hoàn, ngay từ khúc dạo đầu đã thấy được không khí rộn rã, phơi phới của mùa xuân với những nét chấm phá vui tươi mang tính điển hình của mùa xuân với “tiếng chim kêu ngọt quá”, bầu trời xanh xanh thẳm, cùng với hình ảnh rất cô đọng, điển hình của tình yêu đôi lứa “mùi hương nào rất quen, nghe như làn môi ấm”. Tất cả, hòa vào tiết xuân của đất trời khi “nghe đâu từ sâu thẳm, đất chuyển mình sinh sôi”. Tác giả đã lột tả được tình yêu của đôi trai gái đẹp hơn, thắm nồng hơn trong cái tươi sáng của sông núi, đất trời cỏ cây. “Trong ánh mắt em cười, có màu xanh khoai sắn; trong bàn tay xinh xắn có hình dòng kênh xanh”. Và “mùa xuân về em ơi, cơn mưa đầu mát lạ; mùa xuân về anh ơi nắng mới đã bay về”.

Điệp khúc của ca khúc ngắn gọn nhưng đầy súc tích, cảm động nhất là hình ảnh đôi lứa yêu nhau khi chia tay, để “em đi vào xưởng máy khi trời còn hơi sương. Và anh ra đi trong lòng vui như ngày hội”. Mộc mạc, giản dị thôi nhưng người nghe rất dễ cảm nhận đươc ý nghĩa cùa tình yêu, khi nó đã tạo động lực, nguồn động viên quý báu để người chiến sỹ “…ra đi vui như ngày hội, mùa xuân biên giới súng anh gác trời xa”.

Nghe những giai điệu, ca từ của hai ca khúc “Tình ca mùa xuân” vang lên, dù du dương, sâu lắng hay rộn ràng, tươi vui thì luôn có một điểm chung là làm lòng người thấy trào dâng một niềm lạc quan, tin tưởng. Đối với những người đã trải qua những năm tháng đất nước vừa thống nhất lại phải bước vào cuộc chiến đấu mới, vừa dựng xây vừa chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc lại càng thấy ý nghĩa sâu sắc của hai ca khúc trên. “Tình ca mùa xuân” đã ra đời cách đây hơn 40 năm nhưng hôm nay, mỗi khi nghe giai điệu của hai ca khúc trên vang lên, nhất là vào dịp Tết đến Xuân về, thế hệ 6X như chúng tôi lại lâng lâng một cảm xúc khó tả và những kỷ niệm về một thời hào hùng và lãng mạn lại ùa về.

DÂN HÙNG