Vẻ đẹp riêng của "hạt sương"

Thứ ba, 07/04/2020 16:27

Ông Phạm Ngọc Tú - nguyên Đại tá QĐND Việt Nam về hưu gần 20 năm nay. Sau khi in tập thơ Đi cùng năm tháng (NXB Thuận Hóa, 2017), ông cho ra mắt tập thơ thứ hai với tiêu đề Hạt sương (NXB Thuận Hóa, 2019). Khác với tập thơ trước, lần này ông viết nhiều về tình yêu (đôi lứa, vợ chồng, đồng đội, cha mẹ, quê hương, thiên nhiên); những kỷ niệm cũ; thân phận những con người sau chiến tranh; những vấn đề nóng, những trăn trở của cuộc sống hiện tại. Thơ ở tập này hầu hết ông viết ngắn, theo lời khuyên của bạn bè "chân bước ngắn rồi thì thơ cũng nên viết ngắn thôi".

Bìa tập thơ "Hạt sương".

Trong mắt nhà thơ Phạm Ngọc Tú, hạt sương gợi vẻ đẹp riêng: Hạt sương đậu trên cành lá/Lung linh dưới nắng mặt trời/Ai dũa thành viên ngọc quý?/Ban mai dâng tặng cho đời/  Từ vẻ đẹp riêng của hạt sương, tác giả liên tưởng, so sánh với người yêu: Em như hạt sương nho nhỏ/Còn lung linh mãi bên đường/Mặt trời trái tim người lính/Thắp sáng một thời yêu thương.  (Hạt sương)

Có lẽ vì "em như hạt sương nho nhỏ"  mà thi sĩ chọn đặt tiêu đề cho tập thơ chăng? Hạt sương tuy "nho nhỏ" nhưng có thể chứa cả bầu trời. Ngắm Hạt sương ta có thể nhìn thấy cả quê hương, ông bà, cha mẹ, đồng chí, bạn bè... 

Phần lớn thơ trong tập Hạt sương là thơ trữ tình, thỉnh thoảng có chen vào một số bài thơ thế sự, châm biếm. In đâm trong Hạt sương là tình yêu quê hương, trong đó, hình ảnh ngôi làng Cảnh Dương thường gắn liền với những cảnh vật thân thương, bình dị: Chum mắm đầy cạnh chum lúa chum khoai/Con cháu sinh sôi đất lành chim đậu/Trải gió cuốn sóng xô bờ cát còn in dấu/Tên đất, tên làng sáng mãi với thời gian.  (Sáng mãi tên làng). Cảnh Dương từng nổi tiếng là "Làng chiếu đấu" thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Dân làng Cảnh Dương cũng từng trải qua những năm tháng "cả đất nước đói nghèo trong rơm rạ" (Chế Lan Viên). Nhắc lại chuyện xưa, lòng tác giả như thắt lại, quặn đau: Nghĩ càng thương lắm mẹ cha/Phận nghèo chẳng giữ được nhà cho con. (Nhà xưa)

Chỉ thương thôi, tác giả không hề oán trách hay giận hờn cha mẹ. Ông cũng nhắc đến công lao của những người nông dân "chân lấm, tay bùn" với tấm lòng tri ân và cảm phục: Trộn mồ hôi vào đất/Trĩu nặng những mùa vàng. (Trộn). Vốn là một người lính từng lăn lộn trên các chiến trường thời chiến tranh chống Mỹ nên tình đồng đội với ông Phạm Ngọc Tú vô cùng sâu nặng. Nhìn những dấu chân trên đá, trong tấm ảnh treo tường, tác giả hồi tưởng: Dấu chân anh, dấu chân tôi/Dấu chân đồng đội một thời còn đây/Đường Trường Sơn giữa ngàn cây/Băng qua vách đá đèo mây chập chùng. (Dấu chân trên đá). Nên mỗi năm Tết đến, xuân về, ông không sao ngăn được dòng cảm xúc tuôn trào: Mắt nhìn phía trời tây/In dáng người cầm súng/Nghe xào xạc rừng xa/Mùa Trường Sơn lá rụng/Đợi chờ trong vô vọng/Người đi mãi không về. (Đợi chờ)

Từng chứng kiến cảnh "nước sông hòa nước mắt" trong những năm tháng đất nước cắt chia, tác giả ao ước: Nay đi trong bình yên/Đường vào Nam ra Bắc/Con sông như thầm nhắc/Vang vọng đến muôn đời/Núi sông liền một dải/Đừng bao giờ chia đôi. (Hiền Lương)

Đó cũng là tâm nguyện, mong ước của hàng triệu người dân Việt Nam trong và ngoài nước.

Tôi rất bất ngờ khi Phạm Ngọc Tú đã sắp sửa bước vào ngưỡng 80 mà làm thơ tình ngọt ngào như cái thuở mười chín, đôi mươi. Đúng là tình yêu không có tuổi! Tình yêu như có phép mầu làm cho tâm hồn con người cứ trẻ mãi. Hãy đọc bài Em ơi thì biết: Nếu đã yêu nhau/Em ơi/Đâu cần tặng ảnh/Cái quý nhất không thể nào so sánh/  Là bức hình ta chụp ở trong tim. Đặc biệt, với hai thơ trong Biển chiều: Gió vờn mái tóc em bay/Anh ngồi uống chút men say biển chiều... thì những cây bút trẻ đang yêu chưa chắc đã viết được những câu thơ cháy bỏng, nồng nàn như thế.

Nhưng nói là nói vậy thôi, chứ với quy luật tuổi tác thì không một ai có thể  cưỡng lại được: Ngước nhìn lên mái tóc/Ai trộn màu thời gian?  (Trộn)

Thơ không phải là trò làm xiếc chữ nghĩa để lòe thiên hạ. Thơ cũng không phải là những triết lý khô khan, càng không phải là trò đánh đố độc giả. Thơ trước hết là tiếng nói tình cảm. Ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một cách sống, một lối sống riêng nhưng chẳng phải ai cũng bày tỏ một cách thành thật những nỗi niềm, những chiêm nghiệm của mình như các nhà thơ. Chính vì thế mà tôi hết sức đồng cảm với những nỗi niềm, những chiêm nghiệm của tác giả Hạt sương.

MAI VĂN HOAN