Vì sao hóa đơn tiền nước nhảy vọt?
Trong 2 ngày qua, nhiều người dân tại Đà Nẵng bất ngờ và thắc mắc khi hóa đơn tiền nước tháng 5-2020 có dấu hiệu tăng đột biến so với các tháng liền kề trước đó trong khi mọi hoạt động, sinh hoạt trong gia đình không có gì thay đổi. Thậm chí một số cơ sở kinh doanh dịch vụ đóng cửa, hoạt động cầm chừng để phòng chống dịch Covid-19 nhưng tiền nước vẫn nhảy vọt.
Những ngày qua, người dân Đà Nẵng bức xúc vì hóa đơn tiền nước tăng cao đột biến nhưng Dawaco giải thích thiếu thuyết phục. |
Phía Cty Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã có văn bản giải thích về sự việc.
Anh Trần Khánh (trú đường Đinh Thị Vân, P. An Khê, Thanh Khê) cho biết, kỳ tiền nước tháng 4 nhà anh dùng hết 51 nghìn đồng. Vẫn từng đó người, không thêm thiết bị và không dùng nước đột biến nhưng hóa đơn tháng 5 lại tăng gần gấp đôi với 89 nghìn đồng. “Nhà cũng chỉ tắm giặt vệ sinh bình thường, theo suy luận thì tất cả các thành viên ở nhà ít hơn thì phải dùng nước ít hơn nữa chứ. Tăng phi mã như thế này thì rất khó hiểu”, anh Khánh bức xúc. Một số khách hàng ở khu vực thu gộp tháng 4 và tháng 5 còn gặp tình huống tréo ngoe hơn là tiền phải nộp lớn hơn số tiền thông báo trên tin nhắn do Dawaco thông báo.
Anh Trần Văn Thuấn, trú đường Hồ Trung Lượng (P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ) trình bày, trong tin nhắn Dawaco gửi thì tiền nước 2 tháng của gia đình anh là 103 nghìn đồng nhưng khi ra thanh toán ở cửa hàng thì bị thu… 144 nghìn mà không được giải thích rõ. “Tôi không hiểu 41 nghìn còn lại họ thu thêm là vì lý do gì, ở đâu ra. Hỏi cửa hàng thì không giải thích được, gọi tổng đài thì họ nói vòng vo không hiểu gì cả. Thường thì các khoản tiền nước khách hàng ít quan tâm vì nó không nhiều, nhưng lần này đột biến mà vô lý quá”, anh Thuấn bức xúc.
Trước bức xúc của khách hàng phản ánh trên nhiều diễn đàn và đường dây nóng, ngày 13-5, Dawaco ra thông báo giải thích nguyên nhân hóa đơn tiền nước tháng 5-2020 của nhiều hộ dân tăng đột biến. Theo giải thích của đơn vị này, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng, chống dịch Covid-19, Dawaco đã tạm dừng hoạt động một số công việc liên quan đến tiếp xúc khách hàng từ ngày 1 đến 15-4. Trong đó có việc tạm dừng ghi chỉ số đồng hồ tại nhà khách hàng. Dawaco đã nhắn tin và thông báo bằng văn bản cho khách hàng về việc tạm tính sản lượng nước sử dụng của tháng 3-2020 cho kỳ hóa đơn tháng 4-2020 do điều kiện giãn cách xã hội. Đến kỳ đọc chỉ số đồng hồ tiếp theo (từ ngày 1 đến 10-5) cho sản lượng nước sử dụng của tháng 4-2020, nhân viên sẽ ghi chỉ số đồng hồ thực tế và bù trừ sản lượng nước đã sử dụng của khách hàng đúng theo tình hình thực tế sử dụng của các tháng 3 và 4-2020. Do đó, sẽ có trường hợp sản lượng tăng so với các tháng trước.
Một khu vực vận hành sản xuất nước sinh hoạt của Dawaco. |
Lãnh đạo Dawaco cho biết, sau khi nhận được các phản ánh về hóa đơn tiền nước có tăng hơn so với các tháng trước đó, đơn vị đã chủ động liên hệ xử lý và giải thích rõ ràng, kịp thời cho các trường hợp khách hàng phản ánh. Riêng các trường hợp sản lượng tăng đột biến quá cao trong khi không dùng nước, dùng ít nước hoặc ngừng kinh doanh, Dawaco đề nghị khách hàng chủ động kiểm tra lại đồng hồ nước và các hệ thống đường ống sau đồng hồ xem có sự cố xì vỡ ống hoặc các nguyên nhân khác hay không. Khách hàng cũng có thể đối chiếu với chỉ số đồng hồ trên tin nhắn do Dawaco thông báo tiền nước của tháng 5-2020 với chỉ số đồng hồ đang hiển thị tại nhà để biết được số tiền thu tương ứng với khối lượng nước tiêu thụ.
“Nếu chỉ số đồng hồ tại nhà thấp hơn nhiều so với chỉ số đồng hồ trên tin nhắn, khách hàng cần liên hệ với xí nghiệp cấp nước tại các quận để phản hồi. Xí nghiệp cấp nước sẽ điều chỉnh lại sản lượng nước đã tiêu thụ, từ đó điều chỉnh lại hóa đơn tiền nước tháng 5-2020, nếu có sai sót”, thông báo của Dawaco kèm giải thích trong thực tế nhiều trường hợp được đơn vị kiểm tra có phát hiện sự cố xì vỡ ống cấp nước bên trong hệ thống cấp nước gây ra thất thoát nước với số lượng lớn nhưng khách hàng không kịp thời theo dõi xử lý.
CÔNG KHANH