Vì sao nhiều doanh nghiệp vận tải sẵn sàng đền cọc mua xe xăng, sớm chuyển đổi sang xe điện?
Với ưu thế rõ ràng về chất lượng, chi phí và khả năng bảo vệ môi trường, hàng chục doanh nghiêp vận tải tại Việt Nam đang cùng chung mục tiêu chuyển đổi sang phương tiện xanh. Thậm chí có hãng đã sẵn sàng bỏ cọc, đền tiền với xe xăng thương hiệu Nhật Bản, để đồng hành với xe điện.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ giữa VinFast - GSM và hơn 50 doanh nghiệp vận tải hành khách tại Việt Nam sáng 30/9, ông Hồ Chương - Tổng giám đốc Công ty TNHH Vận tải Quốc tế Sơn Nam kể lại câu chuyện mới đây, công ty đã ký hợp đồng mua xe ô tô chạy xăng của Toyota nhưng sau đó sẵn sàng hủy, mất tiền cọc để chuyển đổi sang dùng xe điện VinFast.
Đây là quyết định không dễ dàng thời điểm đó nhưng ông tính toán, một chiếc Toyota Vios vận hành trong thành phố tiêu hao tới 1.750 đồng/km. Trong khi đó, với xe điện VinFast, chi phí trung bình chỉ khoảng 600 đồng/km, đồng nghĩa, chỉ riêng chi phí năng lượng, xe điện đã tiết kiệm hơn xe xăng tới 60%.
Theo ông chủ hãng taxi MaiLove, ngoài chi phí tiết kiệm, việc chuyển đổi sang xe điện cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ về phát triển phương tiện giao thông công cộng xanh - sạch. Bởi thế, đây là hướng đi mang tính lâu dài, bền vững.
Ý kiến của ông Hồ Chương nhận được sự ủng hộ của hàng chục doanh nghiệp vận tải có mặt tại sự kiện.
Ông Nguyễn Ngọc Đồng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đồng Thúy (đơn vị vận hành hãng Lado Taxi) là một trong những doanh nhân hiểu rõ nhất sự thay đổi sau khi chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện VinFast. Ông nhớ lại thời gian năm 2022, Lado đã phải loay hoay tìm hướng đi sau thời gian khó khăn vì dịch bệnh. Xe điện là hướng đi ông Đồng đặt niềm tin để giữ thương hiệu cũng như rất nhiều lao động của hãng, với đội ngũ ban đầu là những chiếc VF e34.
Mọi thứ dần tốt lên, thậm chí là khởi sắc. Cái tên Lado gắn với dàn taxi điện ngày càng được người dân, du khách tìm tới nhiều hơn với dàn xe điện chất lượng. “Bà con đáp xuống sân bay Liên Khương chỉ đi tìm xe điện”, ông Đồng nhớ lại.
Doanh thu của Lado ngày càng tăng lên, cùng với đó là thu nhập của tài xế. “Doanh thu của mỗi chiếc VF e34 mỗi ngày không dưới 1,8 triệu đồng. Tài xế khi gặp nhau không hỏi doanh thu bao nhiêu nữa, họ giơ bàn tay lên, nói về việc tiền lương của mình được bao nhiêu”, vị lãnh đạo Lado Taxi nói.
Ngoài việc chất lượng xe điện làm hài lòng đông đảo khách hàng cùng chi phí sử dụng tiết kiệm, điều khiến ông Đồng ấn tượng là chất lượng hậu mãi. Ông kể, từng mua hàng nghìn xe xăng của các hãng nhưng chưa từng được hưởng chế độ hậu mãi “tốt khủng khiếp” như của VinFast và GSM.
Riêng về Lado Taxi, ông Đồng cho biết, hãng hiện đã chuyển đổi hơn 800 xe sang xe điện. Ông cam kết tới hết năm, Lado Taxi sẽ chuyển đổi sang taxi điện 100% với khoảng 1.100 xe.
Ông kêu gọi các hãng vận tải cũng chuyển đổi xanh. “Tôi vẫn nói vui với các doanh nghiệp là cứ chuyển đổi đi, lỗ tôi chịu vì tôi quá tự tin vào khả năng tiết kiệm chi phí của xe điện VinFast”, ông nói.
Đồng tình, ông Trần Bá Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nam Thắng cho biết, đơn vị ông đã có đội ngũ 800 xe điện hoạt động ở 4-5 tỉnh, thành phố. Lộ trình là tới hết năm, đội ngũ này sẽ tăng lên 999 xe. Vị lãnh đạo doanh nghiệp cũng lên tiếng mong các doanh nghiệp cùng nhau chuyển đổi xanh. Không chỉ giúp tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người, việc chuyển đổi xanh theo ông còn góp phần giúp địa phương có thêm nền tảng xanh cũng như nhiều khoản thu để phát triển đất nước.
Về phần mình, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc GSM Toàn cầu bày tỏ sự tự hào khi tại Việt Nam, các doanh nghiệp vận tải hành khách đang đoàn kết, chung tay cùng nhau chuyển đổi sang phương tiện xanh.
Ông tổng kết về 3 giai đoạn của ngành vận tải Việt Nam. Một là giai đoạn những doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, đơn cử như Grab, Uber. Hai là giai đoạn khó khăn khi cả thị trường gặp phải dịch bệnh. Thứ ba và cũng là giai đoạn hiện tại là “bão xanh”.
Trong hai giai đoạn đầu tiên, các doanh nghiệp vận tải trong nước khó thích ứng và thay đổi vì liên quan tới những doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại rất khác khi VinFast, GSM và các doanh nghiệp đang tiên phong cùng chung tay liên kết, trở thành liên minh lớn hơn, rộng hơn, không chỉ một doanh nghiệp đứng lên mà là hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp.
Tới hiện tại, ông tính toán trong năm nay có khoảng 10 hãng vận tải chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện. Ông hy vọng trong năm 2025, con số này sẽ lên tới 40-50 hãng, qua đó giúp xe điện phủ xanh khắp các tỉnh, thành Việt Nam.
Lắng nghe những ý kiến của các hãng vận tải trong buổi gặp, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng bày tỏ mong muốn đồng hành và là đối tác của các doanh nghiệp để cùng phát triển, mang lại lợi ích chung.
Ông nhấn mạnh 2 mục tiêu lớn: Một là xây dựng tương lai cho con em chúng ta, để các thế hệ sau có môi trường sống xanh, sạch, an toàn hơn. Hai là có một thương hiệu Việt đẳng cấp quốc tế. “VinFast có thể là thương hiệu đầu tiên nhưng từ sự truyền cảm hứng đó, chúng ta sẽ có hàng chục, hàng trăm thương hiệu khác. Đó cũng sẽ là niềm tự hào, là tương lai của con em chúng ta”, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup nói.