Vì sao tiểu thương chợ Bà Rén không vào chợ mới xây hơn 60 tỷ đồng?

Thứ tư, 19/10/2022 19:36
Sau gần 27 năm hoạt động, chợ Bà Rén (xây dựng tại xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) được đầu tư xây mới, tuy nhiên sau khi xây xong, ngôi chợ có mức đầu tư 63 tỷ đồng này bỏ không một thời gian dài…
Chợ mới chưa hoạt động nhưng đã phải xây dựng thêm.
Chợ Bà Rén mới xây bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi tiểu thương.

Tiểu thương cho rằng bị thiệt thòi quyền lợi nghiêm trọng

Theo các hộ tiểu thương, năm 1992, do yêu cầu phát triển của địa phương, chính quyền xã thực hiện chủ trương xây dựng lại chợ Bà Rén. Do ngân sách khó khăn, UBND xã đã bán các ki-ốt và chỗ ngồi theo hình thức lưu mãi cho hàng trăm hộ tiểu thương để có vốn đầu tư. Đến năm 2017, UBND xã Quế Xuân 1 đã tổ chức họp các hộ tiểu thương để phổ biến chủ trương xây dựng khu phố chợ Bà Rén mới. Đa số các hộ tiểu thương đồng ý chủ trương nhưng kèm theo kiến nghị….

Tuy nhiên khi chợ Bà Rén mới hoàn thành, chính quyền xã chỉ thông báo về việc di dời chứ không có phương án đền bù phù hợp. Cho đến cuộc họp vào tháng 8-2022, 180 hộ dân có giấy lưu mãi (bỏ tiền sở hữu ki-ốt, chỗ ngồi) được thông báo chỉ giải quyết kinh doanh, buôn bán ở vị trí chợ mới theo hợp đồng 20 năm và miễn tiền thuê mặt bằng từ 3-7 năm tùy theo từng trường hợp. "Chúng tôi đã đồng hành với chính quyền địa phương vào thời điểm ngân sách hạn hẹp, cần huy động nguồn lực trong dân. Vào thời điểm gần 30 năm trước số tiền dăm bảy triệu, thậm chí là hơn chục triệu là khối tài sản rất lớn. Sau khi bỏ tiền mua, chúng tôi được cấp Giấy chứng nhận ghi rõ thời hạn sử dụng từ thời điểm đó trở về sau. Nay chính quyền xã, huyện xây chợ mới và đối xử với chúng tôi như vậy là không có tình, không có lý", ông Ngô Đình Sơn đại diện các hộ tiểu thương trình bày.

Cũng theo các tiểu thương, khi xây dựng chợ Bà Rén mới, chính quyền và nhà đầu tư thiếu khảo sát, đánh giá nên hiện tại dù xây dựng đã hoàn thành nhưng phải chắp vá mới đủ bố trí gian hàng. Không những vậy, kết cấu, thiết kế bất cập, không có tính liên hoàn, làm mất lợi thế kinh doanh. Thậm chí có những tiểu thương ở chợ cũ quầy hàng có 4 mặt tiền thì khi về chợ mới được dự kiến bố trí vào các ki-ốt bị ngăn cách bởi các bức tường xây bít từ dưới đất lên đến trần nhà!.

Chợ mới chưa hoạt động nhưng đã phải xây dựng thêm.

Chính quyền nói gì?

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Phước Sơn- Chủ tịch UBND H. Quế Sơn cho biết, nguyện vọng của tiểu thương về thời gian hợp đồng và miễn thuê mặt bằng đối với các hộ có giấy lưu mãi thì huyện rất hiểu và chia sẻ. Tuy nhiên phải khẳng định việc cấp giấy lưu mãi vào thời điểm 27 năm trước là không đúng quy định pháp luật.

Theo ông Sơn, trước đây các tiểu thương góp tiền xây dựng chợ thì họ có quyền về tài sản trên đất chứ đất là do Nhà nước quản lý. 27 năm vận hành chợ nếu khấu hao tài sản theo quy định thì giá trị gần như không còn. Hiện nay chủ trương huyện là sau khi di dời chợ sẽ bồi thường tài sản cho dân, còn đất trên chợ cũ thì sẽ làm công viên. Xét việc cấp giấy lưu mãi trước đây tuy không đúng quy định nhưng huyện nhiều lần làm việc, xin ý kiến UBND tỉnh. Ban thường vụ Huyện ủy Quế Sơn đi đến thống nhất phương án hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho 180 hộ tiểu thương có giấy lưu mãi ở chợ cũ thời hạn thuê mặt bằng tại chợ mới 20 năm, miễn phí thuê từ 3-7 năm tùy theo đối tượng, nhóm hộ. "Như thế cũng đã quan tâm đến quyền lợi người dân rồi chứ không thể đáp ứng hoàn toàn yêu cầu nguyện vọng của họ được. Có người đề nghị được miễn 50 năm thì không có cơ sở nào đề xử lý", ông Sơn cho biết và giải thích chốt thời gian cho thuê 20 năm vì đây tương đương vòng đời của chợ.

Về việc quy mô tổng thể của chợ nhỏ cũng như các bất cập trong thiết kế, bố trí quầy hàng khiến hiện tại phải cơi nới, chắp vá… Chủ tịch UBND H. Quế Sơn cho biết chợ cũ hơn 3.000m2, chợ mới 7.600m2 thì rộng hơn gấp đôi. Diện tích này đảm bảo bố trí lại tiểu thương trong chợ cũ và thậm chí có khoảng trống thông thoáng hơn nhiều. Tuy nhiên khi xây dựng không tính toán câu chuyện giải quyết quyền lợi cho 180 hộ có giấy lưu mãi này mà chỉ tính theo quy chuẩn một ki-ốt diện tích bao nhiêu. "Để giải quyết bất cập này thì khi vào hoạt động sẽ tiến hành thông tường giữa các ki-ốt liền kề. Tuy nhiên cũng phải đảm bảo kỹ thuật và an toàn. Còn các phần đang xây dựng sau khi chợ hoàn thành là làm thêm chứ không phải cơi nới", ông Sơn nói.

Liên quan đến việc đường vào chợ mới chưa được đấu nối, Chủ tịch UBND H. Quế Sơn lý giải, trước đây nhà đầu tư cũng xin ý kiến của Tổng cục Đường bộ để đấu nối, nhưng hiện tỉnh đang có văn bản xin bộ GTVT đưa đoạn đường quốc lộ cũ đoạn ngang qua chợ Bà Rén về cho tỉnh quản lý. Về mặt pháp lý thì chưa đảm bảo nhưng về thực tế thì đường cũng đã rải đá cấp phối và dân đi lại.

Trả lời về việc vì sau Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có ý kiến, đề nghị Chủ tịch UBND H. Quế Sơn kiểm tra, trả lời các kiến nghị của người dân nhưng chính quyền huyện chưa thực hiện, ông Nguyễn Phước Sơn cho biết: "Việc này có phần chậm trễ, đến nay cũng đã quá hạn 15 ngày. Tuy nhiên có trả lời thì cũng trên tinh thần quan điểm như tôi đã nói chứ không thể khác được. Còn các hộ dân muốn đối thoại thì huyện sẽ đối thoại, chứ không trốn tránh. Có gì chưa được thì chính quyền và người dân ngồi lại để thống nhất".

Chợ Bà Rén mới được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt xây dựng, giao Sở Xây dựng quản lý trên diện tích gần 5 ha. Công trình do Cty TNHH KD Tân Ngọc Phúc làm chủ đầu tư với hình thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, với tổng vốn đầu tư gần 63 tỷ đồng. Theo ghi nhận của phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, dù chợ chưa được nghiệm thu, bàn giao nhưng đã xuất hiện nhiều vết nứt và thấm dột. Quá trình thi công xây dựng chợ cũng xảy ra nhiều sai phạm. Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng sẽ phản ánh trong các số báo sau.

Công Khanh