Vì sao trường học ngày càng thiếu giáo viên nam? (Bài cuối: Giải bài toán về nguồn nhân lực nam cho ngành sư phạm)
Theo quan điểm của các nhà quản lý giáo dục tại Đà Nẵng, việc ngày càng ít học sinh (HS) nam học giỏi đăng ký tuyển sinh vào ngành sư phạm là thực trạng đáng báo động, cần có giải pháp tháo gỡ. Việc mất cân bằng giới trong môi trường giáo dục sẽ là thiệt thòi cho các em HS. Bởi giáo dục đào tạo không đơn thuần chỉ truyền dạy kiến thức mà là giáo dục toàn diện, trong đó có cả vấn đề liên quan đến phát triển tâm sinh lý...
Bao giờ GV nam trở lại nhiều như xưa? |
Khảo sát ý kiến của các nhà quản lý giáo dục (QLGD) cả nam lẫn nữ tại Đà Nẵng, hầu hết đều cho rằng cần có sự cân bằng giữa GV nam và GV nữ trong trường học. Lý do, ngoài giảng dạy chuyên môn, còn nhiều hoạt động ngoại khóa trong trường học và GV nam sẽ thuận lợi hơn trong tất cả các hoạt động này.
“Do đặc tính và đặc trưng về giới, GV nữ thường bận rất nhiều công việc ở gia đình và khó lòng chuyên tâm, dành hết thời gian cho công việc ở trường như nam giới”, ông Ngô Văn Nhân - Trưởng Phòng Tổ chức Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng- nhìn nhận.
“Con chỉ thích chia sẻ với thầy, bạn nam hơn”
Theo bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu, có nhiều hoạt động và công việc ở trường cần sức nam giới như chèn chống trường lớp vào mùa mưa bão, sửa chữa các trang thiết bị bị hư hỏng hoặc có sự cố hay tổ chức đi cắm trại... “Không phải nữ không làm được những công việc đó. Ở những trường ít hoặc không có GV nam, GV nữ vẫn cáng đáng hết những công việc này. Nhưng nếu các trường học cân bằng GV nam và GV nữ sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động ngoại khóa của nhà trường, tạo điều kiện để GV nữ có thời gian chăm lo việc gia đình sau giờ lên lớp”, bà Thúy Hà chia sẻ.
Đảm trách công tác quản lý giáo dục hơn 10 năm, ông Đặng Ngọc Lam - Hiệu trưởng trường THCS Lê Thánh Tôn - cho rằng, về chuyên môn thì ông thích quản lý GV nữ hơn bởi họ luôn chỉn chu, tỉ mỉ, soạn giáo án đầy đủ. Quản lý chuyên môn đối với GV nam rất khó, nhất là những GV có cá tính. “Mặc dù vậy, nhưng nếu được chọn thì tôi vẫn thích có nhiều GV nam trong trường hơn. Vì sao ư? Vì GV nam toàn tâm với công việc ở trường hơn GV nữ. Các cô sau giờ dạy ở trường còn bao việc ở gia đình. Tất nhiên, nếu nhà trường phân công, GV nữ vẫn cố gắng để hoàn thành tốt công việc, nhưng làm công tác quản lý mình phải hiểu điều đó, phải thông cảm cho họ”, ông Đặng Ngọc Lam bộc bạch.
Không chỉ có các hoạt động ngoài giờ, việc mất cân bằng giới trong môi trường trường học còn là một thiệt thòi đối với HS cả nam lẫn nữ trong giáo dục kỹ năng sống, giáo dục tâm lý, giới tính cũng như hình thành tính cách cho HS. Theo TS Nguyễn Thị Trâm Anh - Trưởng Khoa Tâm lý trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), dù chưa nghiên cứu về vấn đề mất cân bằng giới trong môi trường giáo dục ảnh hưởng tâm lý như thế nào đối với HS, nhưng dựa vào sự khác biệt về giới, theo bà, lý tưởng trong một trường học nên có sự cân bằng giới giữa GV nam và GV nữ. “Bởi con đường học tập của trẻ lúc nhỏ là con đường học tập thông qua hình ảnh của người khác. Nếu như hình ảnh trong đó có hình ảnh đầy đủ về giới thì trẻ tiếp nhận đầy đủ về giới, nếu thiếu hụt thì trẻ sẽ tiếp nhận thiếu hụt”, bà cho biết.
Tuy được đào tạo bài bản về kỹ năng xử lý các tình huống trong sư phạm, nhưng theo TS tâm lý Trâm Anh, giữa thầy và cô giáo luôn có cách xử lý khác nhau do những đặc trưng về giới tính. “Tại sao khi thực hành về kỹ năng làm việc nhóm luôn phải phân bố đều về giới? Vì mỗi giới có cách nhìn vấn đề khác nhau. Với sự đồng đều về giới sẽ có cái nhìn đa chiều, tổng thể, không thiên về một giới nào. Theo đó, cách giải quyết sẽ thấu đáo, toàn diện hơn”, TS Trâm Anh giải thích thêm. Tuy nhiên, vị tiến sĩ tâm lý này cũng cho rằng, việc bậc học TH, MN GV nữ chiếm đại đa số cũng là điều hiển nhiên. Bởi ở các bậc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, sự kiên trì, nhẫn nại trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Với đặc tính và đặc trưng về giới, các GV nam khó chu toàn hơn so với GV nữ, trừ trường hợp đặc biệt.
QLGD ở một môi trường nữ giới chiếm đại đa số, bà Trần Thị Lệ- Hiệu trưởng TH Nguyễn Du (Q.Hải Châu) cho biết, “hàng hiếm” GV nam là thực tế ở các trường TH nên các trường đã quen và cố gắng khắc phục khó khăn chung. Tuy nhiên, bà Lệ cho rằng: “Với bậc TH có thể không có ảnh hưởng gì nhiều đến HS. Nhưng với THCS và THPT, ít nhiều có ảnh hưởng tâm lý HS. Vì tính cách nam khác, nữ khác, nên nếu HS được tiếp xúc với cả thầy cả cô sẽ cân bằng về mặt tâm lý hơn”.
Trò chuyện với một số HS nam ở 2 cấp bậc THCS, THPT, các em “bật mí” thích được học ở một ngôi trường vừa có nhiều thầy, vừa có nhiều cô, không thích học ở một trường học mất cân bằng về giới. “Có những chuyện liên quan đến tâm sinh lý tuổi mới lớn của con trai, con chỉ thích chia sẻ với thầy, bạn nam hơn”, A.K- HS lớp 6 trường THCS Kim Đồng thổ lộ.
Thầy giáo Phạm Văn Thụn gắn bó với trẻ mầm non vùng cao huyện Đăk Rông (Quảng Trị) hơn 10 năm qua bằng tình yêu trẻ vô bờ... |
Giải bài toán cân bằng giới trong môi trường sư phạm
Theo PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), đây là vấn đề xã hội học, mang tầm vĩ mô, vì thế cần thiết phải có các diễn đàn để giới chuyên môn, các nhà tâm lý học, xã hội học vào cuộc hiến kế nhằm giải bài toán về nguồn nhân lực nam trong môi trường giáo dục.
Cũng theo PGS.TS Lưu Trang, nghề giáo là nghề đặc thù và đặc biệt, vì thế nên có cơ chế đặc thù mới mong giải được bài toán thu hút HS giỏi, đặc biệt là HS nam học giỏi vào học. PGS.TS Lưu Trang đơn cử, ngành Công an trong quá trình tuyển sinh, cũng có những chính sách riêng đối với nam và nữ, cụ thể, điểm chuẩn của nữ bao giờ cũng cao hơn của nam. Đặc biệt sau khi ra trường, họ được bố trí công việc, không phải đi xin việc làm hay trải qua kỳ thi tuyển công chức vào biên chế như ngành GV. PGS.TS Lưu Trang nêu vấn đề: Vì sao thời bao cấp, người học đăng ký vào ngành SP là nam giới nhiều hơn so với thực tại? Phải chăng, vì thời đó, SV ra trường được bố trí công việc? Đây là điều cần được xem xét, cân nhắc lại.
Cách đặt vấn đề của PGS.TS Lưu Trang đã nhận được sự đồng thuận của nhiều nhà QLGD tại Đà Nẵng. Họ đề xuất, nên chăng đưa những nội dung có trong thi tuyển công chức đối với ngành GD vào trong chương trình đào tạo của các trường ĐHSP như một môn học. Khi ra trường, SV ngành SP được bố trí vị trí việc làm như ngành Công an, Quân đội. Ngoài việc cần có cơ chế đặc thù riêng để thu hút SV nam học giỏi vào học, theo Hiệu trưởng trường THPT Phan Châu Trinh Nguyễn Quang Hưng, căn cơ nhất vẫn là khi cải thiện lương cần tính đến đặc thù nghề đối với ngành GD-ĐT.
“Khi lương và vị trí việc làm được đảm bảo…, chắc chắn sẽ thu hút người học giỏi nói chung, HS nam học giỏi nói riêng vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, lộ trình lương thì cần phải có thời gian. Vì thế, theo tôi nên trao quyền tự chủ cho ngành trả lương theo năng lực khi GV giỏi và GV nam đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ. Giao quyền tự chủ về kế hoạch dạy học, đa dạng hóa hình thức dạy học về cho các trường... sẽ là những giải pháp góp phần thu hút HS nam học giỏi vào ngành SP”- ông Hưng hiến kế.
TS Nguyễn Thị Trâm Anh bổ sung, cần thay đổi quan niệm từ chính các gia đình Việt Nam hiện nay trong định hướng nghề nghiệp cho con cái. “Quan niệm thời đại hiện nay cho rằng nữ thích hợp hơn công việc đi dạy, cho đây là nghề nhẹ nhàng, có thời gian lo cho gia đình. Nam giới nên theo ngành kinh tế, kỹ thuật, thể hiện sự mạnh mẽ, trụ cột. Điều đó vô hình chung đã đẩy đến quan niệm nam phải làm việc này, nữ thích hợp làm việc kia. Thực tế là nam nữ đều có thể làm công việc ở các lĩnh vực như nhau. Thực tế, nghề giáo không hề nhẹ nhàng, có nhiều thời gian rảnh rỗi như một số người nghĩ”, bà Trâm Anh nói.
Xin được mượn hình ảnh thầy giáo Phạm Văn Thụn - GV trường MN PaNang (huyện Đawk Rông, Quảng Trị), người gắn bó với trẻ mầm non ở vùng cao Đăk Rông (Quảng Trị) hơn mười mấy năm nay cùng tin vui do trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cung cấp rằng, từ khi thành lập trường đến năm 2020, lần đầu tiên Khoa Mầm non mới có 1 giảng viên nam…để kết thúc bài viết này. Hy vọng, trong tương lai không xa sẽ có nhiều HS nam học giỏi đăng ký tuyển sinh vào ngành sư phạm.
Phan Thủy