Việt Nam kiên trì thực hiện các biện pháp hòa bình

Thứ sáu, 16/05/2014 00:34

(Cadn.com.vn) - Ngày 15-5, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Thông báo sau cuộc họp, Bộ Ngoại giao cho biết: Trong những ngày qua, phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng, trao đổi với phía Trung Quốc về vụ việc. Nhưng phía Trung Quốc bất chấp giao thiệp của phía Việt Nam vẫn không rút giàn khoan nói trên cùng các tàu dịch vụ dầu khí và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Cũng theo thông báo của Bộ Ngoại giao, tại họp báo, Bộ Ngoại giao đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế.

Vietnamnet: Liệu trong tình huống xấu nhất, Việt Nam có tính đến kịch bản cắt đứt quan hệ ngoại giao hay sử dụng những hành động tuơng tự để đáp trả đối với phía Trung Quốc hay không?

Bộ Ngoại giao (BNG): Vấn đề chủ quyền rất thiêng liêng. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả những biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam. Chính sách nhất quán của Việt Nam thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp liên quan. Chúng tôi sẽ kiên trì thực hiện, theo đuổi các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp.

NHK: Xin cho biết hiện nay phía Trung Quốc đã thực sự khoan tham dò dưới đáy biển của Việt Nam chưa?

BNG: Cho đến thời điểm này, giàn khoan HD-981 đã được định vị ở những vị trí như quý vị đã xem trên bản đồ. Hiện nay, giàn khoan đang tiến hành tác nghiệp, làm công tác chuẩn bị để tiến tới khoan thăm dò.

NHK: Xin cho biết nếu Trung Quốc không rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam, Việt Nam sẽ có những hành động gì tiếp theo?

BNG: Việt Nam chủ truơng thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp liên quan ở biển Đông. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì trao đổi với Trung Quốc để xử lý những vấn đề ở biển Đông. Một lần nữa tôi xin khẳng định vì quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam ở biển Đông, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả những biện pháp hòa bình, được quy định bởi luật pháp quốc tế cũng như Hiến chương Liên hợp quốc để bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam.

VnExpress: Khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam, Việt Nam có bất ngờ không? Nếu Trung Quốc không rút giàn khoan khỏi khu vực này thì kế hoạch của hải quân và kiểm ngư Việt Nam như thế nào?

BNG: Trước hết chúng tôi khẳng định lực lượng Hải quân Việt Nam chưa tham gia và hiện nay không có mặt ở khu vực giàn khoan HD-981. Chúng tôi đã theo dõi và nắm bắt chặt việc di chuyển của giàn khoan HD-981. Tuy nhiên, theo Công ước Quốc tế về Luật Biển thì các tàu thuyền phương tiện nổi được quyền di chuyển bình thường trong các vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chúng tôi kiên quyết đấu tranh trên tinh thần sử dụng mọi biện pháp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông.

AP: Xin cho biết cho đến nay đã có thiệt hại gì về người hay chưa? Được biết là tàu của Trung Quốc chủ động đâm va tàu của Việt Nam, phía Việt Nam có các hoạt động tương tự hay không?

BNG: Mặc dù trong những ngày vừa qua, tình hình trên thực địa rất căng thẳng, tàu Trung Quốc chủ động đâm va và sử dụng trang bị trên tàu phun nước vào các tàu của Việt Nam. Tuy nhiên, tôi khẳng định là cho đến nay, chưa có người thiệt mạng; những kiểm ngư viên bị mảnh kính đâm vào, bị thương tích ở phần mềm. Về câu hỏi thứ hai, như Quý vị đã xem trên clip, tàu hải cảnh và tàu bảo vệ của Trung Quốc chủ động đâm va, gây hư hỏng, ảnh hưởng tới trang thiết bị của tàu Việt Nam. Lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam đã kiên trì, kiềm chế và tiếp tục bám trụ. Tuy nhiên, mọi chịu đựng đều có giới hạn. Nếu tiếp tục, chúng tôi sẽ có các hành động tự vệ tương tự để đáp trả.

AFP: Phía Trung Quốc cho rằng hôm nay lực lượng vũ trang Việt Nam đã khống chế ngư dân Trung Quốc tại khu vực này? Xin khẳng định thông tin?

BNG: Xin khẳng định hiện nay các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam không bắt giữ, khống chế bất kỳ đối tượng Trung Quốc trên biển nào.

DPA: Việt Nam có theo gương Philippines tiến hành các thủ tục kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế hay không?

BNG: Giải quyết các tranh chấp lãnh thổ tại các cơ quan tài phán quốc tế là biện pháp hòa bình được quy định tại Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Tất cả các biện pháp hòa bình đều có thể được sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là thông qua các biện pháp hòa bình, ưu tiên đàm phán thương lượng giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng, tuy nhiên không loại trừ bất kỳ các biện pháp hòa bình khác.

Thanh niên: Xin cho biết trả lời của ông Dương Khiết Trì trong cuộc điện đàm ngày hôm qua với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh?

BNG: Trong cuộc điện đàm hôm qua, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng nhắc lại lập trường của Trung Quốc về vấn đề biển Đông, cho rằng khu vực mà giàn khoan HD-981 đang hoạt động là thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bác bỏ các quan điểm này của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán của ta đối với các vùng biển khác của Việt Nam. Các hoạt động của giàn khoan HD-981 là vi phạm, xâm phạm các vùng biển của Việt Nam và Việt Nam sẽ kiên quyết phản đối.

Pháp luật TPHCM: Giả sử nếu khoan thăm dò phát hiện dầu khí thì khả năng khai thác đối với Trung Quốc và Việt Nam như thế nào?

BNG: Về tiềm năng dầu khí tại khu vực này, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát. Tuy nhiên tiềm năng dầu khí của khu vực này chưa được đánh giá kỹ vì ta chưa đủ tài liệu và chưa khoan thăm dò... Chúng tôi tin rằng việc khoan thăm dò là một chuyện còn khai thác khó khăn hơn rất nhiều. Vì để khai thác dầu khí, cần xây dựng rất nhiều công trình cố định, thực hiện rất nhiều các hoạt động dầu khí như thăm dò thêm, thẩm lượng, xây dựng các công trình trên biển để có thể khai thác được dầu, đòi hỏi một chương trình đầu tư tốn kém, đặc biệt khó khăn. Chúng tôi không tin rằng trong một tương lai gần có thể khai thác dầu khí tại khu vực này.

N.L
(lược ghi theo thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao).