Vĩnh biệt nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: Chỉ còn Tình yêu ở lại!
(Cadn.com.vn) - Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) hồi 10 giờ 15 ngày 29-6-2015. Cây đại thụ-Con chim vàng âm nhạc Việt Nam đã về trời...
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. |
Ai cũng biết sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của đời người, nhưng khi nghe tin nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời, ai cũng bàng hoàng tiếc thương một nhạc sĩ tài hoa, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam đương đại, một người con nặng tình, nặng nghĩa với quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, nơi nhạc sĩ ra đời và lớn lên...
Khí thế bừng bừng những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, trong ngôi nhà ở ngã Năm TP Đà Nẵng, nhạc sĩ đã cho ra đời nhiều ca khúc giàu lòng yêu nước, thôi thúc bao lớp lớp thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc theo tiếng gọi của Đảng, nhất là bài ca Giải Phóng Quân-(1945) còn vang mãi cho đến hôm nay. "Ngày ấy, với những cây đàn banjo, mandolin, ghita,... chúng tôi hát say sưa, ngày đêm hóa nhạc ở khắp nơi công cộng, mít-tinh, diễu hành hay diễn kịch trên khắp ngả đường thành phố Đà Nẵng. Chất lãng mạn trong các bài hát lúc bấy giờ đã góp phần thúc giục lớp thanh niên chúng tôi đi theo kháng chiến một cách nhẹ nhàng, thanh thản, không hề yếu đuối nhu nhược" (lượt trích trong Phan Huỳnh Điểu -Thuyền và Biển). Và tiếp theo đó là những dòng nhạc truyền thống đầy khát vọng khi ông ở chiến trường khu V hay Hà Nội với hàng trăm ca khúc đi cùng tháng năm kháng chiến trong tâm hồn mỗi người Việt Nam như: Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơ Nia, Hành khúc Ngày và Đêm, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ,... Thế nhưng nhạc sĩ vẫn nói rằng ông còn nhiều món nợ với cuộc chiến tranh vĩ đại của nhân dân ta, và ông còn sống ngày nào là còn phải suy nghĩ để sáng tạo nhiều tác phẩm hơn nữa... Thế mà nay nhạc sĩ của chúng ta mãi đi xa, khi mới vài hôm trước đây ông còn ngồi ở ghế Giám khảo cuộc thi “Tiếng hát mãi xanh" ở TPHCM.
Tác giả và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. |
Nhạc sĩ Phan Nhân qua đời Sau một giờ nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ra đi, tác giả của ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng-nhạc sĩ Phan Nhân cũng đã qua đời vào lúc 11 giờ 45 ngày 29-6-2015 tại nhà riêng vì tuổi đã cao, hưởng thọ 85 tuổi. Nhạc sĩ Phan Nhân tên thật là Nguyễn Phan Nhân sinh năm 1930 tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Dù ông không sáng tác nhiều nhưng hầu hết các nhạc phẩm của ông đều là những ca khúc vượt thời gian, để lại trong lòng khán thính giả nhiều tình cảm sâu sắc như: Hà Nội niềm tin và hy vọng, Thành phố của tôi, Em ở nơi đâu, Bài ca cho em, Trên quê hương Minh Hải, Tình bạn già,... Ngoài những ca khúc trên, nhạc sĩ Phan Nhân còn sáng tác rất nhiều những ca khúc dành cho thiếu nhi: Chú ếch con, Hàng cây ơn Bác, Vườn cây của Ba (phổ thơ Nguyễn Duy)... được nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam yêu thích. Năm 1969 hưởng ứng cuộc vận động sáng tác bài hát cho các em thiếu nhi, ông đã giành được giải thưởng cao với bốn ca khúc: Em là bông lúa Điện Biên, Chú ếch con, Em là con gái má Út Tịch, Chú cừu Mộc Châu. Nhạc sĩ Phan Nhân đã được tặng nhiều giải thưởng Nhà nước và Huân chương Kháng chiến vì những cống hiến cho sự nghiệp văn hóa – nghệ thuật. Vợ ông là nghệ sĩ Phi Điểu, người cũng có nhiều đóng góp cho văn học, nghệ thuật Việt Nam. |
Theo nhiều người, với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, ở giai đoạn nào của cuộc kháng chiến ông cũng có những ca khúc để đời. Điều này không chỉ nói lên khía cạnh tài năng mà còn nói lên khả năng bắt nhịp với tình hình, vận mệnh đất nước, khả năng thích ứng nhạy cảm với bầu không khí chung của dân tộc, để luôn giữ mãi nhiệt huyết tự hào, lòng yêu nước trong trái tim, khối óc, để từ đó cho ra đời nhiều ca khúc tuyệt vời. Hơn thế, bằng những tác phẩm của mình, ông đã góp phần kêu gọi, dẫn dắt chỉ đường đi tới của đoàn quân bách thắng trong hơn nửa thế kỷ qua. Trong hàng trăm ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước, nhạc sĩ luôn luôn gởi gắm những tình cảm thiết tha và hy vọng. Trong bài Quảng Nam yêu thương / Đất Quảng Nam chưa mưa đà thắm /Rượu Hồng Đào chưa uống đà say..., câu ca xứ Quảng đã gợi lên trong lòng nhạc sĩ cảm xúc về tình yêu quê hương, về đất mẹ Quảng Nam thân thương, đó là một ca khúc sâu nặng tình đất, tình người. Vì vậy, ngay cả khi tuổi cao sức yếu, khi quê hương có sự kiện lớn ông đều mong mỏi được trở về. Còn nhớ, trong một lễ hội pháo hoa ở Đà nẵng, nhạc sĩ cùng chúng tôi về thăm quê Quảng Nam, Đà Nẵng. Trên đường từ Đà Nẵng vào Quảng Nam, nhạc sĩ cứ mải miết ngắm nhìn làng quê đất Quảng bằng sự trìu mến thân thương. Chuyến đi đã được lãnh đạo Quảng Nam đón tiếp trân trọng và ông mong sẽ có một đêm nhạc tại Quảng Nam nhưng giờ đây không kịp nữa rồi!
Di sản âm nhạc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thật đồ sộ. Khi quê hương Đà Nẵng giải phóng, như vỡ òa hạnh phúc trên quê mẹ yêu thương, ông đã sáng tác ca khúc “Đà Nẵng ơi chúng con đã về” với những câu ca sôi động, rộn ràng: Đà Nẵng mến yêu hôm nào ta ra đi/ Đã ba chục năm kháng chiến trường kỳ/... Đà Nẵng ơi thỏa lòng ước mơ... ca khúc này được Đài tiếng nói Việt Nam phát vào đúng trưa 30-3-1975. Rồi các ca khúc “Đà Nẵng là nỗi nhớ”, “ Ngày... Đà Nẵng tôi xa” của nhạc sĩ viết về thành phố quê hương luôn dạt dào cảm xúc. Có lẽ tình yêu Đà Nẵng trong ông rất lớn, rất đỗi thiêng liêng nên trong chương trình ca nhạc “Cuộc đời vẫn đẹp sao” nhân kỷ niệm lần sinh nhật 90 của ông tại Đà Nẵng, ông nói ông vẫn còn nợ với quê hương một ca khúc. Khoảng thời gian năm 1988, khi nghe tin một cơn bão lớn tràn vào Đà Nẵng, nhạc sĩ lo lắng và cùng với các bác Nguyễn Sỹ Huynh, Phan Văn Thơ, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu... vận động bà con đồng hương Đà Nẵng thành lập Hội đồng hương TP Đà Nẵng để quyên góp giúp đỡ quê nhà và từ đây nhạc sĩ trở thành Chủ tịch của Hội đồng hương Đà Nẵng tại TPHCM. Những lần họp mặt đồng hương lúc nào nhạc sĩ cũng mang lại không khí vui nhộn và ấm áp trong cộng đồng bà con Đà Nẵng xa quê, với phong cách nói chuyện dí dỏm và chân thành. Một thời gian sau vì sức khỏe ông chuyển giao chức chủ tịch lại cho một người bạn thuở thiếu thời cùng với ông ra đi kháng chiến từ quê nhà Đà Nẵng là bác Nguyễn Sỹ Huynh. Sinh thời, nhạc sĩ luôn sống lạc quan, yêu đời, được nhiều người quý mến, kính trọng. Trong các chương trình giao lưu âm nhạc, ông đều để lại những ấn tượng sâu sắc bằng sự uyên bác, trí tuệ mà ai đã một lần gặp gỡ có lẽ mãi mãi khó quên.
Trong số các sáng tác tình ca của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Thơ tình cuối mùa thu mà ông phổ nhạc từ thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh là nhạc phẩm xuất sắc. Sinh thời nhạc sĩ rất yêu mùa Thu bởi với ông, đó là “mùa dịu dàng nhất trong năm”. Ám ảnh ông, vẫn là mùa thu Hà Nội ngập lá bàng đỏ, gió heo may ùa về, se sắt trong từng con phố. Tâm hồn nghệ sĩ của ông cần một nơi như thế, để ý nhạc, cung đàn bật ra da diết. “Đó là khoảng thời gian và không gian tôi có thể sáng tác được nhiều bài hát nhất”- nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bộc bạch. “Mùa thu vào hoa cúc/ Chỉ còn anh và em/ Là của mùa thu cũ/ Chỉ còn anh và em/ Tình ta như hàng cây/ Đã yên mùa bão gió/ Tình ta như dòng sông/ Đã yên ngày thác lũ/ Thời gian như ngọn gió/ Mùa đi cùng tháng năm/ Tuổi theo mùa đi mãi/ Chỉ còn anh và em (...)/ Cùng tình yêu ở lại”...
Có người hỏi ông ý nghĩa của một chương trình âm nhạc Phan Huỳnh Điểu có tên gọi “Tình yêu ở lại”, ông bảo: “Mọi thứ như của cải, danh vọng rồi sẽ qua, nhưng tình yêu thì còn mãi trong tim mỗi người. Tình yêu không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà còn là tình yêu với cuộc sống, quê hương, với con người”. Chính tình yêu cuộc sống, cái nhìn lạc quan “cuộc đời vẫn đẹp sao” trong bất kỳ hoàn cảnh nào lại là nguồn cảm hứng dạt dào để cảm hứng sáng tác trong ông chưa bao giờ vơi cạn. Trời Sài Gòn-Việt Nam đang là mùa Hạ nhưng dường như trong lòng mỗi người yêu nhạc Phan Huỳnh Điểu như nhuốm một nét Thu-nỗi buồn ngày ông chia tay cuộc sống này để về với đất trời. Thời gian như ngọn gió/ Mùa đi cùng tháng năm/ Tuổi theo mùa đi mãi/ Chỉ còn anh và em (...)/ Cùng tình yêu ở lại”...-Vâng, con chim vàng âm nhạc Việt Nam đã về trời... Người đã ra đi, chỉ còn một tình yêu ở lại-mãi mãi cùng với các ca khúc da diết, hùng hồn, bất hủ! Dòng sông âm nhạc của nhạc sĩ cứ chảy mãi theo năm tháng đã hơn nửa thế kỷ qua, tên tuổi của nhạc sĩ ngày càng gắn sâu trong tình cảm của biết bao thế hệ người Việt Nam.
Mai Phúc