V.League 2022 giai đoạn nhạy cảm: Cẩn thận với những động tác giả

Thứ sáu, 28/10/2022 13:23
V.League 2022 đang bước vào giai đoạn cao trào nhất với cuộc đua vô địch và trụ hạng, và cũng là giai đoạn nhạy cảm nhất. Những động thái thay đổi nhân sự, chủ sở hữu, tiền thưởng lẫn diễn biến đột ngột trên sân cỏ dấy lên làn sóng tranh luận, nghi ngờ khiến giai đoạn cuối của mùa giải vừa hấp dẫn nhưng cũng trở nên nặng nề. Đã có CLB, có cầu thủ bị ảnh hưởng từ “vòng xoáy” này và không loại trừ đã có những “động tác giả”…
SLNA (áo trắng) và HAGL (áo sẫm) chịu nhiều áp lực từ những nguồn thông tin không chính thống.
SLNA (áo trắng) và HAGL (áo sẫm) chịu nhiều áp lực từ những nguồn thông tin không chính thống.

Động tác giả chiếm vị trí quan trọng trong kỹ thuật của cầu thủ bóng đá, được quyền thi triển, thậm chí được khuyến khích, ngưỡng mộ và định danh kèm tên tuổi những huyền thoại như Ronaldinho, Neymar, Zidan… Cũng trong bóng đá, còn có những động tác giả liên quan đến các hành vi “nằm sân”, “tẩy thẻ”, “xô xát” và cả những phát ngôn “cứng rắn” trước các trận đấu nhạy cảm.

Tại V.League năm nay, các động thái chuyển chủ sở hữu, thay thế ban lãnh đạo, hứa thưởng khủng... là những điều có thật. Những tuyên bố đá hết mình, đáng không vì nể cũng là thật. Vậy tại sao lại nảy sinh những hoài nghi?

Không phải ngẫu nhiên mà lần đầu tiên sau nhiều mùa giải, khán giả hâm mộ xứ Nghệ đột nhiên "quay xe", không đến sân Thống Nhất cổ vũ SLNA mà đến sân Bình Dương cổ vũ H. Hà Tĩnh. Chuyện không dừng lại ở đó, sau trận đấu còn có làn sóng “phản pháo” trước những phát ngôn của Quế Ngọc Hải, Thái Bá Sang. Chuyện có thể xuất phát từ danh sách đá chính mà HLV Nguyễn Huy Hoàng chọn, từ sai lầm của hậu vệ Bá Sang… May mà còn có đúp của Phan Văn Đức, nếu không sẽ tiếp diễn cảnh “một mất mười ngờ”, đẩy câu chuyện đi quá đà.

Thời điểm HAGL gây thất vọng khi từ 3 tăng lên 5, 7 và 9 trận không thắng, dư luận còn đặt nghi vấn về động lực thi đấu của Công Phượng, Văn Toàn, thái độ bàng quan của bầu Đức và mục đích của HLV Kiatisak.

Thương yêu, ghét bỏ, luận bàn, nghi ngờ… là quyền của người hâm mộ và đó cũng là điều có thật đã diễn ra. Nhưng nếu vì thế mà đánh giá phản ứng của cổ động viên là thái quá hay không khách quan thì cũng không thể vì sự chịu đựng cũng có giới hạn. Nhưng nếu lợi dụng tình cảm có thật của người hâm mộ mà đẩy sự việc đi quá xa là điều không nên làm. Rất tiếc, điều đó đã xảy ra và không loại trừ có “bàn tay đen” nào đó nhúng vào.

Gần 2/3 mùa giải, các cầu thủ HAGL xoay quần với những thông tin chuyển nhượng với những khoản lương, lót tay “trong mơ”. Trước trận đấu lượt đi với Hải Phòng, vài trụ cột của Hà Nội FC được cho là muốn tìm đến đội bóng chính thầy cũ của mình đang dẫn dắt. Tương tự là Tiến Linh “được cho” định tìm bến đỗ mới, HAGL “triệu hồi” các cầu thủ từ Hải Phòng…

Ngồn ngộn thông tin, rầm rộ như chiến dịch, mạng xã hội vào cuộc bất chấp, thật giả lẫn lộn. Thậm chí ngay cả chuyện thầy Park đáng kính cũng bị gán cho đã đồng ý cầm quân những đối thủ “truyền kiếp” của bóng đá Việt Nam, chuyện HLV mà người hâm mộ chưa bao giờ nói thích là ông Poking sẽ dẫn dắt đội tuyển bóng đá quốc gia…

V.League 2022 đang thời điểm nhạy cảm, bóng đá Việt Nam cũng ở thời điểm chuyển giao thuyền trưởng. Thông tin là trách nhiệm và cũng là điều mà người hâm mộ đang cần. Nhưng cũng phải đề chừng, lợi dụng thời điểm này, không loại trừ một số cá nhân, một “nhóm lợi ích” nào đó sử dụng công cụ truyền thông, mạng xã hội tạo nên “cơn sóng đen” dư luận, gây thiệt hại cho những cầu thủ, CLB, thậm chí cho cả nền bóng đá nước nhà.

Để phòng, chống và xua tan những thông tin tiêu cực, không có sức mạnh nào bằng chính bóng đá, qua những trận đấu minh bạch, sòng phẳng.

T.S