Vụ 1.000 ngườI dân không được cấp sổ đỏ tại 3 dự án P. Điện Ngọc, TX Điện Bàn: UBND tỉnh Quảng Nam vào cuộc

Thứ năm, 21/03/2019 13:49

Trưa ngày 20-3, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin chính thức về vụ việc “1.000 người dân không được cấp sổ đỏ tại 3 dự án P. Điện Ngọc, TX Điện Bàn”. Chủ trì buổi họp báo là ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Buổi sáng cùng ngày, ông Thanh đã có buổi làm việc trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đại diện 1.000 hộ dân có quyền lợi trong 3  dự án này.

Ông Lê Trí Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì buổi họp báo thông tin tới báo chí về vụ việc.

Giao Cơ quan Cảnh sát Điều tra vào cuộc xác minh

Theo thông tin đã đưa, 3 dự án Sakura, Hera, Eco Future Park trên địa bàn P. Điện Ngọc do Cty Bách Đạt An làm chủ đầu tư, Cty Cổ phần đầu tư Hoàng Nhất Nam làm đơn vị phân phối. Vào tháng 1-2018, gần 1.000 cá nhân mua đất tại đây nhận được thông tin chủ đầu tư là Cty Bách Đạt An đơn phương chấm dứt hợp đồng với Cty Hoàng Nhất Nam làm người mua đất hoang mang, bất an vì họ đã đóng đủ 95% giá trị theo phiếu đặt mua sản phẩm. Phía người mua đất đặt câu hỏi: có hay không chuyện chính quyền tỉnh Quảng Nam ưu ái suất đầu tư để Cty Bách Đạt An “lộng hành”, “lật kèo” người dân?; trách nhiệm của chính quyền địa phương ra sao khi để xảy ra tình trạng này?

Thông tin đến báo chí, ông Lê Trí Thanh khẳng định, ông rất chia sẻ đối với sự bức xúc của người dân và đề nghị mọi người không kích động, không làm phức tạp tình hình. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng trong số 1.000 người dân mua đất thì có người thực sự có nhu cầu mua đất ở, có người mua để đầu tư sinh lãi, mua bán sang tay dẫn đến giá đất biến động bất thường. “Chính việc mua đất đầu cơ, giao dịch ảo dẫn đến việc đẩy giá lên làm tình hình phức tạp. UBND tỉnh cũng phải khẳng định giao dịch giữa Cty và người dân là giao dịch dân sự nên tòa án là  nơi giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, trách nhiệm của người đi mua đất là phải tìm hiểu, xác minh xem miếng đất mình mua thế nào, tuy nhiên ở đây người dân lại quá cả tin vào Cty và không nắm được tình trạng pháp lý của dự án, tin vào lời quảng cáo là mình sẽ mua được một miếng đất nào đó được hình thành trong tương lai. Người mua sau lại chồng lên người trước, đẩy giá đất lên cao”, ông Thanh lý giải.

Cũng theo ông Thanh, khi mua đất, các bên thống nhất nếu có tranh chấp thì phải ra tòa giải quyết và hiện nay TAND Q. Hải Châu (TP Đà Nẵng) cũng đang thụ lý vụ kiện tụng giữa hai Cty. Trong trường hợp tòa mời UBND tỉnh đến với tư cách là một bên có liên quan thì tỉnh sẽ tham dự. Còn hiện nay, với vai trò quản lý địa phương, tỉnh đang giao trách nhiệm cho Sở Xây dựng kiểm tra và giao Thanh tra tỉnh thanh tra toàn diện các dự án của Cty Bách Đạt An, giao cho cơ quan Công an xác minh có vi phạm pháp luật hay không. Ngoài việc giao cho cơ quan chức năng làm rõ vấn đề thì tỉnh vẫn yêu cầu Cty Bách Đạt An đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Nếu tới thời hạn mà Cty không hoàn thành tiến độ thì sẽ thu hồi và đấu thầu chọn nhà đầu tư khác có năng lực hơn. Trước mắt tỉnh sẽ tổ chức buổi làm việc tiếp theo giữa đại diện Cty và người dân để các bên có thể thảo luận với nhau về cách xử lý tốt nhất đảm bảo quyền lợi các bên. Đối với văn bản được Cty Bách Đạt An gửi đến các cơ quan chức năng, báo chí và người dân vào ngày 19-3 cho rằng sẽ cấp sổ đỏ cho những hộ được tòa xác định và người dân phải đóng tiền theo đơn giá mới thì ông Lê Trí Thanh cho biết văn bản này của Cty Bách Đạt An chỉ là ý kiến của riêng họ, UBND tỉnh không có ý kiến bình luận gì về vấn đề này.

Hàng trăm người dân có mặt tại trụ sở tiếp dân UBND tỉnh Quảng Nam vào ngày 20-3 để nghe ngóng kết quả.

Bài học sâu sắc cho các ngành chức năng của tỉnh

Ngoài vụ việc trên, những “cơn sốt” đất xảy ra liên tục thời gian gần đây đã khiến thị trường bất động sản (BĐS) ở Quảng Nam cũng chao đảo theo. Theo số liệu chính thức, tại Quảng Nam đến thời điểm này đang có đến 300 dự án chia lô bán nền dưới cái tên “phát triển đô thị” triển khai dang dở khắp nơi. Phần lớn các dự án xây dựng trên đất nông nghiệp. Thời gian triển khai dự án kéo dài, đất nền bỏ hoang, trong khi không ít nông dân mất ruộng, thất nghiệp, lao đao... Trên thực tế, các dự án này chẳng tạo ra được diện mạo mới nào cho đô thị bởi lẽ một số nhà đầu tư sau khi hoàn chỉnh hạ tầng, phân lô bán nền ôm tiền tỷ rồi bỏ mặc người mua. Những hộ mua đất làm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại là mua bán, sang nhượng, khai thác chênh lệch giá rồi để hoang.

Trước câu hỏi của báo chí về việc trách nhiệm của UBND tỉnh đến đâu khi tình trạng sốt đất, giao dịch ngầm BĐS diễn ra tràn lan như hiện nay, ông Thanh cho biết vụ việc ở 3 dự án trên là bài học lớn cho các ngành chức năng của tỉnh về công tác quản lý đất đai. “Đây là bài học về công tác quản lý BĐS trên địa bàn nhất là địa bàn giáp ranh như TX Điện Bàn. Để có môi trường đất đai lành mạnh thì phải có biện pháp chấn chỉnh. Hiện nay, các giao dịch trong người dân hầu hết là giao dịch ngầm có nghĩa là sang tay, chưa có sổ đỏ nên địa phương không thể kiểm soát. Tỉnh đang chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra việc kinh doanh của tất cả các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn, kiểm tra các ki-ốt bất động sản hoạt động trái phép. Qua thanh tra sẽ làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường và của các Cty như thế nào”, ông Thanh khẳng định, đồng thời cho hay trong quá trình thanh tra sẽ tham chiếu và sẽ xem xét làm rõ quá trình giao đất cho chủ đầu tư là Cty Bách Đạt An có đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hay không.

ĐỒNG DAO