Vụ án lừa đảo gần 62 tỷ đồng ở Lâm Đồng: Cần làm rõ động cơ, ý thức của kẻ lừa đảo (Kỳ 1: “Tay không bắt giặc”)
Vụ lừa đảo với số tiền lên đến gần 62 tỷ đồng, sau hơn 4 năm điều tra, ủy thác điều tra, 4 lần ra kết luận điều tra bổ sung, vụ án đã được TAND tỉnh Lâm Đồng đưa ra xét xử. Tuy nhiên bản án chưa được tuyên, hồ sơ vụ án lại được trả về cho Viện kiểm sát cùng cấp để làm rõ động cơ, ý thức của kẻ lừa đảo.
Bị cáo Thư khai báo hành vi tại phiên tòa. |
Không có chút tài sản trong tay nhưng Bùi Thị Anh Thư (tên gọi khác: Thảo, 1981; quê Bến Tre) quyết mua cho được khu “đất vàng” tại địa chỉ số 261- Phan Đình Phùng (P. 2, TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Cuối năm 2015, Thư và bà Ngô Phương Anh chủ nhà số 261- Phan Đình Phùng thỏa thuận giao dịch với trị giá khối tài sản là 36 tỷ đồng, Thư sẽ đặt cọc 1 tỷ đồng, số còn lại sẽ trả bằng hính thức chuyển khoản.
Ngày 13-10-2015, Thư đặt cọc cho bà Anh 100 triệu đồng. Thư dự tính vay tiền ngân hàng để trả nhưng không có ngân hàng nào đồng ý cho Thư vay tiền nên cam kết với bà Anh không thực hiện được. Thấy Thư không thực hiện đúng cam kết, bà Anh không tiếp tục chuyển nhượng tài sản nhà, đất cho Thư.
Để bà Anh tin tưởng, tiếp tục thực hiện giao dịch, Thư nghĩ ra trò, mượn thẻ tiết kiệm có số dư 40 tỷ đồng của chị Trần Thị Thanh Dung và cam kết sẽ trả tiền cho bà Anh bằng thẻ này. Tuy nhiên, chị Dung chỉ cho Thư mượn thẻ mà không được phép sử dụng tiền trong thẻ. Bà Anh lại không biết điều này nên đồng ý thực hiện giao dịch. Ngày 11-12-2015, Thư và bà Anh ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất với giá trị chuyển nhượng là 12 tỷ đồng. Lý do số tiền giao dịch được ghi thấp là để giảm bớt nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước.
Hợp đồng đã ký kết nhưng nhận thấy thẻ tiết kiệm ghi số tiền 40 tỷ đồng không đứng tên Thư và Thư không được ủy quyền sử dụng thẻ tiết kiệm nên bà Anh không đưa bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở cho Thư, không tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng tài sản. Do đó, Thư nghĩ ra trò khác, bèn thuê Đàm Văn Chung (1987, trú P. Nghĩa Đô, Q. Cầu Giấy, TP Hà Nội) làm cho Thư thẻ tiết kiệm ghi số tiền 30 tỷ đồng với thỏa thuận, Chung cho Thư mượn 30 tỷ đồng để làm thẻ tiết kiệm đứng tên Thư trong vòng 1 ngày sau đó số tiền sẽ được rút ra trả lại cho Chung, rồi Thư báo mất thẻ. Như vậy Thư được giữ bản gốc thẻ tiết kiệm mang tên Thư nhưng thẻ có số dư là 0 đồng. Chi phí làm thẻ mà Thư phải trả cho Chung là 1%, tương đương 300 triệu đồng.
Sau đó, Chung liên hệ với Nguyễn Thị Bích Hạnh (1973, trú P. Ngọc Khánh, Q. Ba Đình, TP Hà Nội), là Phó phòng quan hệ khách hàng cá nhân của Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Hồ, phòng giao dịch D2 Giảng Võ (Hà Nội) trao đổi nội dung việc làm thẻ tiết kiệm cho Thư. Cụ thể, sau khi làm thẻ, ngay ngày hôm sau khách hàng sẽ tất toán, báo mất thẻ, trả lại tiền đã mượn, thẻ khách hàng sẽ giữ để sử dụng trong 1 ngày. Hạnh đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Hoa để vay số tiền 30 tỷ đồng và được bà Hoa đồng ý. Hạnh tiếp tục liên hệ với Phạm Thế Long (1981, trú Q. Thanh Xuân, TP Hà Nội) là Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Hồ, phòng giao dịch D2 Giảng Võ về việc làm thẻ tiết kiệm và được Long đồng ý.
Hạnh đã lập giấy đề nghị ngân hàng xác nhận thủ tục chuyển nhượng/tặng cho tiền gửi đề ngày 21-1-2016 về việc chuyển nhượng/tặng cho số tiền gửi 30 tỷ đồng từ bà Nguyễn Thị Hoa cho Thư và Giấy đề nghị ngân hàng xác nhận thủ tục chuyển nhượng/tặng cho đề ngày 22-1-2016 về việc chuyển nhượng/tặng cho tiền gửi 30 tỷ đồng từ Thư sang lại cho bà Hoa. Các loại giấy tờ được bà Hoa ký, cùng thẻ tiết kiệm của bà Hoa sau đó được Hạnh chuyển cho Long để Long phát hành thẻ tiết kiệm mới cho Thư. Để đảm bảo số tiền vay 30 tỷ đồng, Chung đã yêu cầu Thư ký giấy thỏa thuận vay tiền đề ngày 21-1-2016 có nội dung Thư vay của Hạnh 30 tỷ đồng, ngày trả là 22-1-2016. Thư biết rõ 30 tỷ đồng sau khi Chung nộp vào tài khoản sẽ bị phong tỏa và thẻ sẽ được báo mất.
Đúng như kịch bản, sáng 22-1-2016, Long tiến hành giải tỏa, báo mất, tất toán thẻ tiết kiệm, chuyển 30 tỷ đồng trả lại cho bà Hoa. Sau khi nhận được bản gốc thẻ tiết kiệm, Thư đã trả phí cho Chung 300 triệu đồng. Tối ngày 22-1-2016 Thư mang thẻ tiết kiệm ghi số tiền 30 tỷ đồng đến nhà bà Anh và hứa sẽ trả tiền cho bà bằng thẻ tiết kiệm đứng tên Thư. Để chắc chắn, ngày 23-1-2016 bà Anh cùng Thư đến Ngân hàng BIDV chi nhánh Lâm Đồng kiểm tra và được nhân viên ngân hàng cho biết đó là thẻ thật, tuy nhiên bà Anh không biết rằng số dư trong thẻ là 0 đồng. Cùng ngày bà Anh đã cùng Thư đến Văn phòng công chứng Minh Tâm (TP Đà Lạt) ký kết hợp đồng ủy quyền cho bà Anh được phép liên hệ với Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Tây Hồ, phòng giao dịch D2 Giảng Võ lập các thủ tục rút tiền lãi và gốc của thẻ tiết kiệm mang tên Thư trong thời gian 3 tháng. Để che giấu hành vi gian dối, Thư còn xúi bà Anh phải đến hết kỳ hạn (ngày 21-4-2016) và đến Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Hồ, phòng giao dịch D2 Giảng Võ thì mới được rút tiền.
Tin tưởng đã được Thư thanh toán 30 tỷ đồng, bà Anh đồng ý làm thủ tục sang tên tài sản nhà, đất cho Thư và ngày 28-1-2016, tài sản nhà, đất tại địa chỉ 261- Phan Đình Phùng (P.2, TP Đà Lạt) đã được sang tên cho Thư. Thư đã làm các giấy tờ tùy thân lấy địa chỉ thường trú là khu đất này. Ngày 2-2-2016, bà Anh cùng Thư ký kết biên bản thỏa thuận xác nhận nợ với nội dung hai bên xác định đến ngày 2-2-2016, Thư còn nợ bà Anh 6 tỷ đồng.
Gần hết kỳ hạn 3 tháng của thẻ tiết kiệm ghi số tiền 30 tỷ đồng, sợ bị phát hiện, ngày 19-4-2016 Thư đã nộp bí mật vào tài khoản cho bà Anh số tiền 390 triệu đồng để bà Anh lầm tưởng là tiền lãi 3 tháng của thẻ tiết kiệm. Thư còn xúi bà Anh tiếp tục gửi tiền tiết kiệm để hưởng lãi suất bằng cách Thư sẽ cho thêm bà Anh 2 tỷ đồng và sẽ sang tên để bà Anh đứng tên chính chủ thẻ tiết kiệm. Sau đó Thư tiếp tục thuê Đàm Văn Chung làm thẻ tiết kiệm ghi số tiền 32 tỷ đồng đứng tên bà Ngô Phương Anh cũng với phương thức và chi phí như khi làm thẻ 30 tỷ đồng.
Ngày 20-4-2016, cầm thẻ tiết kiệm đúng tên mình với số tiền ghi trên thẻ là 32 tỷ đồng do chính cán bộ ngân hàng trao, bà Anh chắc mẩm số tiền bán nhà đã nằm trong tay. Đến cuối tháng 6-2016, bà Anh bất ngờ nhận được tin nhắn từ Chung yêu cầu trả lại thẻ. Nghi ngờ có sự gian dối từ thẻ tiết kiện ghi số tiền 32 tỷ đồng, ngày 10-7-2016 bà Anh nhờ người kiểm tra số dư thì mới ngã ngửa, thẻ tiết kiệm không có tiền. Hỏi thì Thư nại ra lý do, có thể do Ngân hàng tạm thời lấy tiền trong thẻ tiết kiệm của bà. Kẻ lừa đảo còn khẳng định chắc nịch sẽ đảm bảo việc thanh toán 32 tỷ đồng cho bà Anh bằng cách đưa cho bà Anh giữ 6 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Hoàng Việt Nguyệt Minh để bà Anh tin tưởng. Thực tế đây là tài sản của gia đình bà Hoàng Việt Nguyệt Minh ủy quyền cho Thư khiếu nại việc bồi thường giải phóng mặt bằng.
Song song với việc làm 2 thẻ tiết kiệm ảo để chiếm đoạt nhà đất của bà Anh, từ ngày 4-2-2016 đến ngày 26-4-2016, Thư đã 13 lần chuyển tiền trả cho bà Anh với tổng cộng 6.020.000.000 đồng để thanh toán tiền mua nhà, đất. Phát hiện sự khuất tất trong mua bán và nghi ngờ cán bộ ngân hàng chiếm đoạt tiền của mình, ngày 21-9-2016, bà Anh làm đơn tố cáo sự việc gửi Công an TP Hà Nội. Quá trình giải quyết đơn, CA TP Hà Nội thông báo cho bà Anh biết, cả hai thẻ tiết kiệm 30 tỷ đồng và 32 tỷ đồng mang tên Thư và bà Anh thực chất không có tiền, không được phép sử dụng. Bà Anh khi đó mới biết đã sập bẫy "siêu lừa" Bùi Thị Anh Thư và làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng…
(còn nữa)
ĐỨC HUY