Vụ cướp tiệm vàng chợ Đông Ba: Những người "hôi vàng" không trả sẽ bị xử lí như thế nào?
Trao đổi với PV Chuyên đề Công an TP Đà Năng- Thạc sĩ, luật sư Võ Công Hạnh, Công ty luật Công Khánh, Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, sau khi cướp, đối tượng Ngô Văn Quốc hô lớn “tặng cho vàng”, quăng cho người đi đường, người đi đường có quyền nhận không, việc nhận đó có hợp pháp không.
"Chúng ta biết rằng, việc tặng cho, định đoạt tài sản chỉ khi tài sản đó thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người tặng cho. Việc Quốc công khai chiếm đoạt (cướp) tài sản của công dân; hành vi chiếm đoạt này bị nghiêm cấm vì đã xâm phạm đến khách thể là quyền sở hữu hợp pháp được pháp luật bảo vệ. Từ cơ sở trên, việc “tặng cho” của Quốc không có giá trị pháp lý. Từ đó, việc người dân nhặt, “nhận” vàng mà không trả lại cho chủ sơ hữu là vi phạm pháp luật. Đây không phải là hành vi nhặt của rơi, chiếm hữu ngay tình. Đây là việc chiếm giữ tài sản người khác bất hợp pháp." Luật sư Hạnh chia sẻ.
Về trách nhiệm pháp lý của người vi phạm như thế nào, luật sư Hạnh cho rằng, theo quy định tại khoản 2 điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ- CP quy định mức phạt đối với trường hợp chiếm giữ bất hợp pháp tài sản, không trả lại chủ sở hữu thì bị “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Trong trường hợp giá trị tài sản bị chiếm giữ từ 10.000.000 đồng trở lên mà không trả; cố tình chiếm giữ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể theo quy định tại điều 176 Bộ Luật Hình sự 2015 về “tội chiếm giữ trái phép tài sản”.
Như vậy, việc người dân không trả lại vàng sau khi đã nhặt được cho Cơ quan Công an để phục vụ điều tra, trả lại cho chủ sở hữu thì có đủ cấu thành hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản và có thể bị xử lý hình sự.
Xét về phương điện đạo đức xã hội, hành động trên là xấu xí khi công khai chiếm giữ công sức mồ hôi của người khác, thiếu sự chia sẻ với người gặp nạn. Do đó, người dân nên nhanh chóng trả đủ số vàng trên cho cơ quan có trách nhiệm để kịp thời phục vụ điều tra và hoàn trả cho chủ sở hữu.
Hầu Tỷ