Vụ khủng bố 11.9: Điều bất ngờ về kẻ thiết kế để máy bay đâm sập tòa tháp đôi 110 tầng
Trùm khủng bố Osama bin Laden là người chịu trách nhiệm chính trong vụ khủng bố ngày 11.9.2001. Nhưng kẻ được coi là “kiến trúc sư trưởng”, lên kế hoạch cướp máy bay thương mại là một người khác.
Khalid Sheikh Mohammed trở thành mục tiêu truy nã của Mỹ năm 2001.
Sau 17 tháng tạm dừng do dịch Covid-19, phiên tòa xét xử 5 nhân vật có liên quan đến vụ khủng bố ngày 11.9.2001 sẽ được tiếp tục từ ngày 7.9. Phiên tòa được tổ chức tại căn cứ hải quân Mỹ tại vịnh Guantanamo, Cuba.
Nổi bật nhất trong số 5 bị cáo là Khalid Sheikh Mohammed (KSM), kẻ được coi là "kiến trúc sư trưởng", người lên kế hoạch cướp 4 máy bay chở khách.
“Hắn là người tôi từng điều tra”, Frank Pellegrino, cựu đặc vụ FBI, nói với đài BBC của Anh.
Ngày 11.9.2001, Pellegrino đang ở trong phòng khách sạn tại Malaysia, xem tivi và thấy cảnh máy bay đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại Thế giới (WTC) cao 110 tầng.
Điều đầu tiên mà Pellegrino nghĩ lúc đó là: “Ôi Chúa ơi, đó chắc chắn là do Khalid Sheikh Mohammed gây ra”.
Trùm khủng bố Osama bin Laden, thủ lĩnh al-Qaeda khi đó, là người chịu trách nhiệm chính trong vụ khủng bố ngày 11.9. Nhưng KSM mới là người đã đem ý tưởng này tới al-Qaeda.
Khalid Sheikh Mohammed bị Mỹ bắt sống ở Pakistan năm 2003.
Sinh ra ở Kuwait, KSM sang Mỹ học trước khi tham chiến ở Afghanistan những năm 1980. Nhiều năm trước khi vụ khủng bố ngày 11.9 xảy ra, Pellegrino nằm trong danh sách điều tra của FBI.
Năm 1993 đặc vụ Pellegrino được FBI giao nhiệm vụ điều tra vụ đánh bom WTC. Đó là khi cái tên KSM được biết tới, vì tên này đã chuyển tiền cho một trong những kẻ khủng bố đánh bom.
FBI phát hiện KSM có tham vọng lớn hơn, muốn đánh bom một loạt các chuyến bay quốc tế. Giữa những năm 1990, Pellegrino đứng trước cơ hội tóm được KSM.
Đặc vụ FBI và các cộng sự nhập cảnh vào Oman, sang Qatar để bắt KSM. Một chiếc máy bay sẵn sàng để đưa nghi phạm về Mỹ. Nhưng do sức ép từ Đại sứ quán Mỹ ở Qatar, Pellegrino đã để sổng KSM.
“Ở thời điểm đó, KSM không phải là nghi can khủng bố hàng đầu. Hắn không nằm trong danh sách 10 kẻ khủng bố nguy hiểm nhất mà Mỹ truy bắt”, Pellegrino nói. “Cấp trên nói với tôi rằng có quá nhiều kẻ khủng bố rồi”.
Rời Qatar, KSM biết mình bị nhà chức trách Mỹ theo dõi, liền sang Afghanistan.
Vài năm sau, cái tên KSM liên tục xuất hiện trong sổ liên lạc của những nghi can khủng bố trên khắp thế giới, chứng tỏ rằng hắn có mối quan hệ rộng.
Khalid Sheikh Mohammed là người đã đem ý tưởng cướp máy bay đâm vào các tòa nhà ở Mỹ cho trùm khủng bố bin Laden.
Đây là thời điểm KSM gặp bin Laden, đưa ra ý tưởng huấn luyện phi công lái máy bay đâm vào các tòa nhà mang tính biểu tượng ở Mỹ.
Dựa trên ý tưởng của KSM, trùm khủng bố bin Laden tuyển chọn 19 thành viên al-Qaeda tham gia vào vụ khủng bố ngày 11.9.2001.
Những tên không tặc được tổ chức thành 4 đội, cướp 4 chiếc máy bay. Mỗi đội có một kẻ đã trải qua khóa huấn luyện phi công ở Mỹ, 3-4 tên khác đóng vai trò khống chế hành khách và phi hành đoàn.
Tháng 6.2000, 3 phi công không tặc của al-Qaeda gồm Atta, Ziad Jarrah and Marwan al-Shehhi đến Mỹ để học lái máy bay, được cấp chứng chỉ vào tháng 11 cùng năm.
Riêng phi công không tặc thứ 4, Hani Hanjour, đến San Diego vào tháng 12.2000, thay thế cho một người khác không nhập cảnh được vào Mỹ.
Tháng 5.2001, những kẻ khủng bố khác đặt chân đến Mỹ, tham gia hỗ trợ 4 kẻ không tặc trên cướp máy bay. Tháng 8.2001, Atta đã đặt chỗ trên một vài chuyến bay thương mại nội địa ở Mỹ để “khảo sát phương án tấn công”.
Ở thời điểm đó, hàng rào an ninh tại sân bay chưa nghiêm ngặt. Những kẻ không tặc có thể dễ dàng khống chế phi hành đoàn, trực tiếp chiếm quyền điều khiển máy bay.
Ziad Jarrah (trái) và Mohammed Attta, hai trong số 4 phi công không tặc trong vụ khủng bố ngày 11.9.
Atta là kẻ đã điều khiển máy bay đâm vào tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York; al-Shehhi lái máy bay đâm vào tháp phía nam WTC; Hanjour lái máy bay đâm xuống Lầu Năm Góc và Jarrah lái máy bay hướng tới thủ đô Washington D.C, nhưng rơi xuống một cánh đồng ở bang Pennsylvania.
Năm 2003, KSM bị Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) lần ra dấu vết ở Pakistan và bắt sống tên này.
“Tôi muốn biết những gì hắn biết, tôi muốn biết nhanh nhất có thể”, một quan chức CIA khi đó nói.
KSM bị tra trấn bằng biện pháp “trấn nước” ít nhất 183 lần, tạo ra cảm giác như “chết đuối”. Ngoài ra, KSM còn bị tra tấn bằng nhiều hình thức khác.
Hai máy bay đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11.9.2001.
Năm 2006, KSM được đưa đến nhà tù của Mỹ ở Vịnh Guantanamo. Tháng 1.2007, Pellegrino có cuộc gặp mặt đối mặt với KSM.
“Tôi nói với hắn là tôi từng tham gia vào cuộc truy bắt hắn những năm 1990”, Pellegrino nói trên BBC. “Hắn khi đó vẫn tỏ ra hài hước”.
Kể từ đó đến nay, KSM bị giam tại nhà tù ở Vịnh Guantanamo, đối mặt với nguy cơ bị tuyên án tử hình. Tuy nhiên, vấn đề là KSM và 4 người khác bị CIA giam giữ, tra tấn bằng nhiều hình thức khác nhau nên các bằng chứng có thể đã bị can thiệp.
Terry McDermott, đồng tác giả của cuốn sách "The Hunt for KSM" (tạm dịch: Cuộc truy tìm Khalid Sheikh Mohammed), nói lý do chính khiến vụ xét xử kéo dài dai dẳng là vì nghi phạm phải chịu sự tra tấn ở nơi được gọi là "khu vực đen". McDermott nói các luật sư biện hộ cho rằng, lời nhận tội của nghi phạm là không có giá trị bởi chúng được đưa ra sau khi bị các thành viên CIA tra tấn.
Các luật sư của nghi phạm cho rằng lời nhận tội bị can thiệp do ảnh hưởng tác động tâm lý kéo dài từ việc bị trấn nước và các phương pháp thẩm vấn khắc nghiệt khác.
Dịch Covid-19 càng khiến cho phiên tòa xét xử kéo dài chưa biết bao giờ mới có ngày kết thúc.
Theo Dân Việt