Vu Lan - Nghĩ về chữ Hiếu truyền thống của ông cha
Đạo làm con phải gắn liền với bổn phận giữ tròn đạo Hiếu. Đạo Hiếu được hình thành, phát triển trên cơ sở tình cảm biết ơn công lao sinh thành của mẹ cha: “Công cha nặng lắm ai ơi/Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”, hay: “Cảm thương từ mẫu muôn phần/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”.
Trong luân thường đạo lý của cha ông để lại thì Hiếu là sách của trời, nghĩa của đất, hạnh của người (Thiên chi kinh, địa chi nghĩa, nhân chi Hạnh). Trong trăm điều thiện thì Hiếu là điều thiện hàng đầu (bách thiện hiếu vi tiên). Theo ông cha ta, Hiếu có nội hàm rất rộng nhưng có thể quy lại vào những nội hàm cơ bản sau:
Hiếu mang ý nghĩa tôn kính Tổ tông, cụ thể là tục Tế trời và lễ tế Tổ tông. Trời và Tổ tông đã cho các thế hệ con cháu được hưởng phúc phần, nên hàng năm vua là người thay mặt cho muôn dân trong thiên hạ phải tổ chức tế giao để tỏ lòng biết ơn. Do vậy, Hiếu trước hết thể hiện sự tôn kính, lòng báo đáp tri ân nguồn cội, trong đó Tế giao là một hình thức là báo đáp nguồn cội. Coi Tổ tông là người tạo dựng cơ nghiệp cho các thế hệ con cháu.
Hiếu là thận chung chi viễn. Khi ông bà cha mẹ khuất núi, con cháu phải mai táng cho đúng lễ, sau đó cúng tế cho đúng lễ (thận chung). Làm như vậy chẳng những là một cách tri ân công lao sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, mà còn là cách ứng xử với người đang sống, giáo dục cho họ phải luôn luôn nhớ đến công lao của người đã khuất đối với con cháu.
Hiếu là Kế chi thuật sự. Con cháu phải biết kế thừa, phát huy ý chí của Tổ tiên, truyền thống của gia đình, dòng họ. Sách Kính lễ viết: Người có hiếu là người giỏi kế thừa chí hướng của người đi trước, giỏi thể hiện sự của người đi trước, thực hiện tốt di chúc của Tổ tiên, khôi phục lại, phát triển sự nghiệp của Tổ tiên để lại. Đó chính là tinh thần, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, họ tộc.
Hiếu là sinh con, dạy con, nối dõi tông đường. Mỗi người con trong gia đình phải có trách nhiệm sinh con, dạy con nối nghiệp tông đường, phát triển dòng họ, làm rạng danh gia đình, dòng họ. Con cháu ngoan ngoãn được xem là gia đình có phúc ấm.
Ngày xưa, cha ông ta coi Đạo Hiếu là đạo của người quân tử, nhiều nhà nho, nhà yêu nước nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bùi Huy Bích... đã dày công biên soạn gia huấn để dạy bảo con cháu. Gia huấn còn được gọi là gia lễ, bảo huấn, bảo châm nhằm để giáo huấn, khuyên bảo giáo dục đạo đức trong gia đình, giáo dục lẽ sống cho thể hệ trẻ. Những điều gia huấn còn được biên soạn dưới dạng thơ ca cho dễ đọc, dễ học, dễ biết để thực hành gọi là “gia huấn ca”, nổi tiếng là tập Gia huấn ca của Nguyễn Trãi trước đây đã từng được đưa vào sách giáo khoa để dạy cho thế hệ trẻ. Gia huấn hướng đến việc giáo dục bảo tồn, xây dựng gia đình có gia phong đạt tới gia đạo. Trong gia đình con cái phải nghe lời cha mẹ “Con ơi muốn nên thân người. Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha”. Nhược bằng không nghe lời cha mẹ thì: “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.
Trong giáo dục truyền thống, Hiếu được xem là “bách hạnh dĩ hiếu vi tiên” (Hiếu là giá trị đạo đức hàng đầu). Hiếu là nết đầu trong trăm nết là cơ sở để hình thành và phát triển những giá trị đạo đức khác. Do vậy hành vi ứng xử đạo đức của con người không gì lớn bằng chữ Hiếu.
Cơ sở của đức Hiếu là lòng biết ơn đối với công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha được thể hiện trong 9 chữ mà người ta thường hay gọi chín chữ cù lao: “sinh (sinh thành), cúc (nâng niu), phủ (vuốt ve, âu yếm), súc (nuôi, cho bú, cho ăn), trưởng (nuôi dưỡng cho lớn, trưởng thành), dục (dạy dỗ), cố (săn sóc trông nom), phục (uốn nắn), phúc (che chở). Mỗi người luôn phải hiểu rằng cha mẹ là người sinh ra ,nuôi dưỡng, dạy dỗ ta khôn lớn thành người, thương thay cha mẹ “ai ai phụ mẫu, chín chữ cù lao”. Ở nhiều gia đình con treo câu đối thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với công ơn cha mẹ: “Chín chữ cù lao công đức nặng/ Một lòng thành kính khói hương thơm”.
Cha mẹ thì phải nhân từ, yêu thương con cái, dạy con cái nên người. Còn phận làm con phải kính trọng, hiếu thảo, thường xuyên chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi về già, lo toan gánh vác việc nhà để đỡ đần mẹ cha, làm cho cha mẹ hài lòng, vui sướng, gia đình hạnh phúc là gia đình có con hiếu thảo... Phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, khi cha mẹ qua đời con có trách nhiệm thờ cúng. Nhà nào con cái không chú trọng giỗ, tết, để mất mồ mả ông bà tổ tiên thì bị xem là vô phúc. Những ai đối xử bạc bẽo với cha mẹ lúc sống, khi chết thì lại thể hiện thói đạo đức giả thì bị người đời chê bai: “Khi sống thì chẳng cho ăn. Khi chết thì làm văn tế ruồi”.
Để không hổ thẹn với tổ tiên, con cháu phải chịu khó học hành, thành đạt làm rạng rỡ tổ tiên, dòng họ... Làm con có Hiếu phải biết: “”Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”.
Ngày trước, Đạo Hiếu không chỉ dừng ở mức độ tư tưởng, quan niệm trong cuộc sống mà nó còn được thể chế hóa bằng luật pháp của nhà nước phong kiến. Trong bộ luật thời Lê đã quy định rất rõ: “Đạo làm con phải hiếu kính với cha mẹ, khi tuổi già phải sớm khuya phụng dưỡng, không để thiếu thốn... Các việc tế tự và tang tang phải căn cứ vào Lê ký như thế mới hết đạo làm con...”.
Giáo dục truyền thống đạo Hiếu chính là “uống nước nhớ nguồn”. Cái hiện tại bắt đầu từ quá khứ, tương lai bắt đầu từ hôm nay. Giáo dục đạo Hiếu truyền thống phải được mỗi gia đình và toàn xã hội chú trọng quan tâm. Một đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc trong đó có sự đóng góp rất lớn của những người con có đạo Hiếu.
Lê Văn Huân